Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Quãng Tuổi Thơ Tác Giả: Võ Thị Xuân Hà    
    Hồi đó tôi và Bình Lé đi đâu cũng có nhau, kể cả đi kiếm củi, đi câu, trèo núi hái hoa phong lan và nhiều trò nghịch ngợm khác mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Bình Lé là con trai duy nhất của cô Hồng, quản lý bếp ăn tập thể của trạm xá nông trường. Lúc nào trông cô cũng cau có, quanh năm chỉ thấy mặc chiếc áo bảo hộ lao động đã sờn, càng làm nước da cô đen sắt lại. Nghe đâu bố Bình Lé là thuyền trưởng một tàu đánh cá, đẹp trai, vì sao đó phải đi tù. Tôi hay sang chơi, tỉ mẩn buộc lại chiếc quạt rách hay quét lại nhà cho cô nên cô rất quý. Nếu tôi rủ Bình Lé đi đâu cô đồng ý ngay. Tất nhiên phần lớn cũng là do tôi luôn được khen thưởng cuối mỗi kỳ học.
    Buổi trưa hè là lúc bọn trẻ con chúng tôi hoành hành nhất. Trưa nào mẹ tôi cũng bắt mấy chị em lên giường ngủ, còn mẹ đi giặt hay làm gì đó cho đến khi có kẻng làm buổi chiều. Một nách năm đứa con mà ba tôi thì ở tận tít tắp trong chiến trường nên mọi việc dồn vào tay mẹ. Biết làm sao được khi tôi bấy giờ vẫn chỉ là một cô bé con, làm thì ít phá thì nhiều.
    Tôi là đứa ranh ma luôn kiếm cớ để khỏi phải ngủ trưa, vò bù tóc, dụi đỏ mắt rồi ra cười toét với mẹ.
    Mẹ tôi bảo:
    - Con gái tóc tai thế này lớn lên ế chồng.
    - Ai cũng khen con xinh giống mẹ mà.
    Tôi cãi lại rồi tót sang nhà Bình Lé rủ cậu ta đi câu.
    Khu tập thể trạm xá chúng tôi nằm cách xa khu điều trị khoảng trăm mét. Sau khu điều trị là một cái ao to nuôi cá của nông trường. Muốn sang ao phải qua một con suối nhỏ. Nước suối rất trong, vì bắt nguồn từ một mạch ngầm trong núi, đến đây nó giống như cái ao con, và tôi không biết nó còn chảy đến đâu nữa. Giữa ao và suối là bờ cỏ rộng rất nhiều bụi sim, mua mọc xen lẫn cỏ gianh. Những chùm dây lạc tiên thả xuống những trái lạc tiên vàng rộm, bóp lấy hạt ăn ngọt ngọt chua chua. Đây là chỗ lý tưởng của lũ trẻ chúng tôi, giống như một hoang đảo mà chung quanh là biển. Chúng tôi có vô khối chỗ kín đáo sạch sẽ để ngồi nấp vào câu cá. Thậm chí còn lăn ra đánh một giấc dưới vòm lá ken dày như vòm hang, hay ngồi nhấm nháp lá cơm nguội, hoặc những quả mâm xôi ngọt lịm.
    Nhưng chúng tôi ra đây cốt để câu cá.
    Bạn đã bao giờ câu cá chưa? Nếu chưa thì thật đáng tiếc! Cho đến bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn không quên được những buổi câu cá thú vị của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy.
    Những chú giun bé nhỏ tội nghiệp bị dứt từng khúc luồn vào đầu lưỡi câu có ngạnh. Dây câu là sợi dây cước nhỏ xíu. Chiếc phao thì làm bằng thân cây hôi tước bỏ vỏ, thứ cây nhẹ xốp lũ trẻ chúng tôi vẫn quơ về làm củi đun, lửa bén cháy phèo phèo như rơm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, quăng lưỡi câu xuống suối quãng sâu và lặng nước, rồi ngồi im chờ đợi, mắt dán vào chiếc phao lập lờ trên
    mặt nước.
    Đầu tiên phao nháy nháy, nhưng chớ vội mừng, đó chỉ là những chú cá cờ nhỏ xíu như ngón tay út. Chiếc phao bị lũ cá rỉa mồi lắc lia liên tục. Nhưng bỗng nhiên nó đứng lặng như sắp nghênh chiến với một địch thủ tầm cỡ. Rồi không còn kênh kiệu được nữa, chiếc phao bị chúi xuống nước, dây câu căng như
    dây đàn.
    - Giật lên kìa! - Bình Lé quát khẽ.
    Tôi đưa cùi tay sang ngang giật chéo cần câu. Một chú rô oằn mình dưới nắng trưa. Những chiếc vảy vàng lấp lánh. Chú rô vàng sau khi cong mình dứt khỏi lưỡi câu thì rơi xuống, giãy đành đạch trên bãi cỏ. Tôi chộp vội cho vào cái xô nhựa. Giống cá này nhanh và rất khỏe.
    Chiếc phao của Bình Lé bắt đầu có hiện tượng. Có một chú cá nào đó đang theo dõi con mồi. Chú ta rất thận trọng không như loài rô hấp tấp kia. Chiếc phao chỉ hơi nghiêng xuống mặt nước rồi lại nổi lên. Cứ thế vài lần. Chớ vội giật như lúc nãy nhé, vì đó chỉ là "phong cách lịch sự" của một chú trê đen trũi có bộ râu thính như loài chó săn. Chú ta đớp thử vài lần, nếu không có gì đáng nghi là sẽ tợp hết con mồi vào chiếc hàm cứng. Thế là mắc bẫy, phao chìm nghỉm và dây câu bị lôi đi tuồn tuột. Lúc này mới là lúc giật lên. Phải gỡ mãi mới lấy được lưỡi câu ra khỏi chiếc hàm bướng bỉnh. Thứ cá này làm sạch, khía chéo, cắt khúc cho vào xoong kho lẫn với đường, mắm, mỡ, sả thì thật tuyệt. Thế mà khi lớn tôi lại không dám ăn cá trê vì ám ảnh lời kể của nhiều người, rằng loài trê hay sinh sống ở những ngôi mộ cổ nên béo ngậy. Thế mới biết khi người ta thành người lớn thì biết nhiều, mà biết nhiều thì khổ lắm. Giá cứ bé mãi...
    Bạn có thích nghe tôi kể tiếp chuyện đi hái hoa phong lan không?
    NGAO DU TRÊN NÚI
    Đằng sau khu trạm xá chúng tôi là một dãy núi đá vôi dài cỡ cây số nằm như một con lạc đà khổng lồ giữa cánh đồng rộng mênh mông trải hàng mấy chục héc-ta. Không biết vị thần nào gánh đá qua đây đánh rơi một hòn đá xuống giữa cánh đồng mà trở thành trái núi kỳ diệu của tuổi thơ chúng tôi vậy? Những buổi bình minh, đánh thức tôi là vầng sáng rực rỡ tỏa từ sườn núi trắng lóa đá vôi. Đôi lúc một đám mây mải mê sà xuống, làm thành chiếc khăn voan mỏng tang quấn hững hờ quanh những ngọn núi cao. Mặt trời lên hắt những tia vàng long lanh dệt nên chiếc áo gấm vàng khoác bên ngoài tấm áo xanh huyền bí muôn thuở của núi rừng.
    Tôi chỉ muốn hát khi đầu tóc vẫn còn rối bù, vì muôn vật đều cất giọng ngợi ca bình minh. Này nhé, chú gà trống choai thì o...o...o...; chú cún con gừ gào, đuôi cong lên như một dấu hỏi, đuổi theo mấy chú gà nhép đang lanh chanh ào ra khỏi chuồng. Ấm nước đang reo trên bếp củi nhắc tôi rằng trên núi bây giờ có bao nhiêu là chú chim bắt đầu cất giọng lảnh lót chào buổi sớm
    trong lành.
    Trên ấy có bao nhiêu là phong lan nhé. Nào phong lan tai trâu, hoa nở từng chùm thả xuống mầu vàng phớt, khía tím. Phong lan liễu lá như ngón tay thiếu nữ, hoa mầu tím nhạt, đặc biệt có một cánh lớn mầu vàng óng như ren khoác bên ngoài, nhị vàng tỏa ra mùi thơm dìu dịu.
    Chúng tôi thường trèo lên bằng lối mòn sau núi. Những viên đá nhỏ lăn rào rào dưới chân. Lên đến lưng chừng núi thì hết đường mòn, đến một cái thung nhỏ chỉ bằng khoảnh sân ngôi nhà tập thể chín gian của bệnh xá. Sau đó là những bờ đá dựng đứng lởm chởm đá tai mèo. Trong thung có nhiều loài cây chen nhau mọc. Nhiều nhất là xoan và so đũa. Chằng chịt chung quanh là những búi gai, sắn dây rừng. Có cả một cây mít cổ thụ không cao lắm nhưng thân già cỗi. Những cây vả đến mùa hè quả chín vàng rộm, hái xuống bóp đôi ra húp vội nước mật ngọt thơm man mác bên trong. Còn cây mít, chưa bao giờ tôi thấy có quả to cả, chỉ có những rái mít ngắt xuống chùi vào ống quần rồi nhai rau ráu, vị chan chát tan trong lưỡi. Phong lan thường ló ra ở những hốc cây hay vắt vẻo thả xuống từ đầu cành. Chúng mọc ở cả những hốc đá khô cằn, tưởng như không thể có sự sống. Bắt chước những nhân vật thám tử trong phim, chúng tôi dùng dây thừng buộc chặt vào bụng, hai đầu hai đứa, thấy oai hẳn. Nói dại chứ nếu chẳng may một đứa trượt chân ngã thì sợi dây sẽ kéo theo đứa kia xuống vực. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi chỉ thích thỏa chí phiêu du.
    Tôi hét to:
    - Bình ơi, bám chắc vào nhé!
    - Được rồi! Chị leo sát vách bên này... này...
    Tiếng nó vọng vào triền núi nghe âm âm.
    - Lấy chùm này nhé.
    - Khéo chả ngã! Đây có chùm trâu có lấy không?
    - Cứ lấy về nhé. Em cho bác Hai!
    Bác Hai là y sĩ, trưởng trạm xá. Quê bác ở Cần Thơ. Bác tập kết ra đây, để lại trong đó vợ và bốn người con. Mẹ tôi là người Đà Lạt, cũng y sĩ, bí thư chi bộ. Cô Hồng mẹ Bình người Thái Bình. Nếu không có chiến tranh thì người Đà Lạt ở Đà Lạt, người Thái Bình ở Thái Bình. Tôi buông câu bâng quơ. Bác Hai bảo tôi có năng khiếu dạy học, tôi ức lắm, chỉ thích lớn lên đi văn công. Còn Bình Lé thích đi bộ đội đặc công, bác Hai cười bảo nó chỉ tào lao, ước nghề hòa bình không ước.
    Bình Lé gọi tôi:
    - Có đứa nào đang lên thế kia chị Tâm?
    Quả thật dưới thung nhỏ có một đứa con trai đang tìm cách leo lên chỗ sườn đá bên cạnh. Tôi hỏi vọng xuống:
    - Đằng ấy cũng tìm phong lan à?
    - Không! Tớ đi tìm tổ sáo!
    - Này, sáo ở khoảnh này là của bọn tớ đấy. Không được động tới!
    - Xì!
    Môi nó tớn lên, rõ ràng nó thấy tôi là một đứa con gái nhãi nhép. Leo tới chỗ một nhánh cây si chìa ra, nó túm lấy đu lên. Tôi nghe thấy tiếng chim con riu ríu riu ríu. Nó thò tay vào túi lấy một bọc nhỏ, rồi đút cái gì đó vào tổ chim.
    Chẳng lẽ nó nuôi chim ở đây? Tôi và Bình Lé quên cả phong lan, ngây ra nhìn nó.
    - Này, đằng ấy nuôi chim đấy à? Tôi hỏi.
    - Đừng đứa nào bắt chim con nhé, chúng mồ côi đấy - Nó không trả lời câu hỏi của tôi.
    Một lúc sau thì cả ba chúng tôi đã hò hét chung quanh cây mít. Quân - tên người bạn mới chìa cho chúng tôi một nắm lá cơm nguội và một gói muối. Bình Lé trèo lên hái mấy trái mít non xuống. Thế là được một bữa tiệc ngon lành kỷ niệm buổi gặp mặt.
    - Con sáo mẹ bị chết nên thỉnh thoảng tớ lên thăm lũ con - Quân kể.
    - Không hiểu chúng có sống được không nhỉ?
    Bình Lé trầm ngâm, ít khi tôi thấy nó như vậy. Tôi bụm miệng để khỏi phì cười. Lúc đó mắt nó chẳng lé tí nào.
    Thằng Quân bỗng hỏi:
    - Chúng mày thích tao kể chuyện đi bắt ma không?
    - Chỉ bịa! Làm gì có ma?
    - Mày mà bắt được?
    Chúng tôi thi nhau hỏi.
    - Thế mà tao đã bắt đấy. Đây này.
    Nó nhe răng ra cho chúng tôi thấy một lỗ hổng ở hàm răng trên.
    - Tao bị mất một cái răng vì vụ đó.
    - Thôi được, kể đi xem nào.
    Bình Lé tót lên nằm trên một cành mít là là mặt đất. Tôi ngả lưng xuống bãi cỏ. Ban ngày mà nghe kể chuyện ma thì chả sợ tí nào.
    CHUYỆN CỦA QUÂN
    Chiều đó, tớ trèo lên đây để bắt sáo đem về nuôi. Tớ theo dõi có một con sáo cứ bay ra khỏi tổ một lúc lại bay về, mỏ quặp thức ăn. Con này chắc đang lót ổ hoặc đang nuôi con đây. Thế thì sẽ tóm được cả ổ, càng hay. Lúc tớ trèo lên chỗ vách đá chìa ra kia kìa thì thấy có một chùm phong lan liễu đang ra hoa đẹp quá. Mải mê với chùm phong lan lúc ngoảnh lên nhìn tổ sáo thì tớ giật mình: một bàn tay đang thò vào túm chặt con sáo mẹ. Rõ ràng trời chưa tối, vài tia nắng còn le lói trên đỉnh núi. Thế mà tớ không nhìn thấy người, chỉ thấy có đúng một bàn tay. Đích thị là ma rồi. Tớ gần như nín thở, nhắm mắt lại cho qua cơn sợ. Lúc mở mắt ra thì không thấy gì nữa. Chỉ nghe tiếng chim con xớn xác gọi mẹ. Tớ tụt vội xuống, ba chân bốn cẳng chạy về. Câu chuyện tớ gặp ma chỉ trong xóm biết. Vậy mà hai hôm sau đang ngồi học trong lớp, thầy hiệu trưởng gọi tớ lên văn phòng. Không hiểu mình sắp bị phạt về cái gì? Tớ hãi quá.
    Khi bước vào văn phòng, có ba chú bộ đội oai vệ đang ngồi chờ. Hay là bố tớ đi chiến trường B hy sinh, họ tới báo cho tớ để mẹ tớ đỡ đột ngột?
    - Em ngồi xuống đây! - Thầy hiệu trưởng chỉ chiếc ghế - Các chú bộ đội có việc cần nhờ em đấy, về việc trên núi hôm vừa rồi.
    Tớ thở phào, hóa ra là chuyện con ma đói. Tớ thuật lại cho các chú ấy nghe, vẽ cả sơ đồ chỗ sườn núi này nữa nhé. Tớ biết ở trên kia có một cái hang ngầm ăn thông sang gần lò vôi bị bỏ hoang ấy.
    - Bộ đội đi bắt ma à? - Bình Lé chen vào.
    - Yên nào! Quân ra vẻ người lớn - Người ta thời giờ đâu mà đi rình ma. Họ truy tìm gián điệp Mỹ đấy.
    - Ái chà chà!
    Bình Lé nhảy vụt xuống. Tôi cũng bật dậy.
    - Tớ dẫn các chú ấy đến đây. Ngồi rình gần hết ngày không động tĩnh gì. Tớ vòng ra phía sườn núi bên kia kìa, bỗng thấy một làn khói mỏng bay lên từ một hốc đá ăn thông với vòm hang. Các chú ấy phải luồn từ hai phía ập vào, tóm được một tên biệt kích với đầy đủ điện đài.
    - Thế sao còn gãy răng? - Tôi nhớ ra.
    - À, tớ khoái quá nhảy lên reo quên mất đang đứng trên sườn đá cheo leo, trời lại tối, mới trượt chân tụt xuống vấp phải một mỏm tai mèo. Các chú cõng tớ về bảo với mẹ tớ: "Cậu bé nhà chị giỏi lắm, chọi nhau với biệt kích gãy có một chiếc răng thôi". Mẹ tớ cười. Sau đó tớ lên thăm lũ sáo con mà chẳng sợ gì nữa. Làm gì có ma. Đó là tên biệt kích thèm thịt tươi, ngồi trong hang thò tay ra bắt sáo để nướng mà không nhìn thấy tớ.
    Bỗng nó thấp giọng:
    - Này, hình như bọn Mỹ ở trong nam đang âm mưu gì đấy. Tớ thấy các chú cứ thì thầm với nhau câu được câu chăng.
    Tôi thấy thằng Quân oai phết, chả gì cũng đã góp phần bắt được giặc. Còn Bình Lé hình như hơi thất vọng, nó cứ tưởng thằng Quân đánh nhau tay đôi với tên biệt kích, tả xung hữu đột như Triệu Tử Long chứ ai dè gãy răng vì trượt chân.
    Nhưng Quân nói bọn Mỹ âm mưu gì nhỉ?
    CHIẾN TRANH
    Giặc Mỹ đã ném bom miền bắc. Thằng Quân nói đúng!
    Buổi sáng hôm đó bầu trời êm ả. Từng đám mây trắng xốp nhởn nhơ như bay lượn. Tôi ngắt một bông nhài cài lên tóc, ngắt thêm vài bông nữa đến trường chia cho lũ bạn gái. Chúng tôi truy bài 15 phút, sau đó là 15 phút đọc báo. Báo Thiếu niên hiếm quá. Cả trường đặt được có một tờ, luân phiên nhau đọc. Hôm nay đến lượt lớp tôi được đọc (các lớp khác, có lớp đang đọc số mới, có lớp đọc truyện thay báo). Có một mẩu chuyện nhỏ về nhà bác học Niu-tơn, khi nhìn thấy quả táo rơi trong vườn mà đột nhiên tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn. Lúc đó chúng tôi chưa học đến định luật này. Tôi suy ngẫm thấy con người đúng là kỳ diệu. Nhưng chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ phải chứng kiến sự độc ác của những kẻ mang mặt người nhưng lòng lang dạ sói.
    Đang học, bỗng bầu trời như có kẻ nào xé nát. Máy bay từ đâu ập tới gào rít trên đầu. Trong chớp mắt, từng chuỗi bom đen trũi lủng lẳng theo nhau rơi xuống.
    Ầm! Oàng! Khói bom khét lẹt đen kịt. Chiến tranh! Đó là hai chữ kinh hoàng mà tuổi thơ lứa chúng tôi phải chứng kiến.
    Lúc đó trường tôi chưa có những căn hầm kiên cố, chỉ có những hầm ếch nông choèn và những đường giao thông hào đất đỏ còn phơi ra. Hai ba đứa túm tụm lại với nhau. Cả ngôi trường chìm trong khói bom, đất đá văng rào rào. Súng của các chú bộ đội đóng quanh đó cũng nhả đạn, giăng lửa chằng chịt trên bầu trời. Tôi bỗng nghe có tiếng khóc thét trong căn nhà cô Thúy, cô dạy mẫu giáo của xã. Thôi chết, đúng rồi, sáng nay tôi thấy cô ấy đi họp, nhốt cu Minh ở trong nhà. Căn nhà cô ở cách biệt hẳn mọi người, nhưng gần chỗ chúng tôi núp. Tôi và cái Lan chạy lên:
    Minh ơi! Đưa chìa khóa chị mở cửa, mau lên!
    Cu Minh nín khóc chạy ra đưa chìa khóa cho tôi. Lan bế thốc cu Minh chạy ra hầm. Bỗng, ầm! Một cột khói đen kịt dựng lên. Tôi chỉ kịp nhìn thấy Lan nằm đè lên cu Minh, rồi ngất đi không biết gì nữa.
    Tỉnh dậy, tôi thấy mẹ tôi, thầy hiệu trưởng, cô chủ nhiệm, Bình Lé, Quân và các bạn chung quanh. Mọi người mừng rỡ. Mắt mẹ tôi đỏ hoe. Tôi định trêu mẹ nhưng thấy có điều gì nghiêm trọng trong mắt mọi người.
    - Hết máy bay chưa mẹ? - Mẹ tôi gật.
    - Cái Lan và cu Minh đâu?
    Cô giáo tôi trả lời:
    - Cu Minh đang ngủ, không việc gì. Còn Lan thì...
    Cô bật khóc. Sao? Tôi bật dậy, lồng ngực như bị ai chẹn. Lan là bạn thân của tôi. Nó học giỏi văn, thích làm thơ. Sáng nay nó còn mượn lớp trưởng tờ báo Thiếu niên để tối về đọc. Tôi biết, nó xem thơ đấy mà. Nó đã làm được mấy bài, có cho tôi đọc. Nhưng hồi ấy tôi chưa khoái thơ, tôi giỏi toán hơn nó và thích leo trèo như con trai, nên nghe xong là quên luôn. Thế mà...
    Trận ném bom của giặc Mỹ hôm ấy đã gây cho trường tôi tổn thất lớn: hai dãy nhà đổ sụp, năm bạn bị chết, 15 bạn bị thương, thầy giáo dạy toán chúng tôi bị cụt một tay lúc chạy đi đưa các bạn vào hầm.
    Còn ở nông trường tôi thì cháy mất mấy vạt cà-phê, bom bi còn nằm rải khắp nơi. Cô Nga, nhân viên phòng thí nghiệm của nông trường chưa chạy kịp đến hầm thì bị bom phạt văng đầu. Cô có mái tóc dài và hát hay nổi tiếng ở nông trường. Chú Thịnh đánh xe bò mọi khi hay cho chúng tôi đi nhờ về thì bị mảnh bom phạt mất mũi, chỉ còn hai lỗ thở khò khè. Sau này mặt chú thành dị dạng, chú vẫn đánh xe bò cho đến khi giải phóng miền nam thì về quê. Nghe đâu chú có người yêu trước khi đi tập kết. Không hiểu cô ấy có còn chờ và có lấy chú không khi mặt chú trở nên như vậy.
    Đám tang Lan khá đông. Có cả chú nhà báo ở trên tỉnh về. Cô Thúy ôm bé Minh vào lạy quan tài Lan. Mẹ nó và cô cùng ôm nhau khóc. Thầy hiệu trưởng bảo chôn theo cả chiếc cặp và tờ báo Thiếu niên mà Lan mượn buổi sáng. Tôi nhìn rõ mái tóc Lan gài bông hoa nhài tôi cho nó. Bông hoa nhài còn nguyên vẹn, trắng muốt tỏa mùi thơm dìu dịu.
    Lúc đó tôi chưa biết rằng tuổi thơ của tôi còn phải chịu đựng nhiều những trận bom khác, nhìn thấy nhiều cái chết đau lòng, nhiều tấm lòng cao cả; rồi những bữa cơm gạo cháy do bom khét vàng, những ruộng rau tàu bay hăng hắc chấm muối...
    Chiến tranh đã làm gia đình tôi mỗi người một ngả. Ba tôi ở chiến trường miền nam. Mẹ tôi đi học ở Trường Y, sơ tán tận Quảng Ninh. Đứa em gái kế tôi thì gửi sang Trường Võ Thị Sáu ở Trung Quốc. Còn tôi và chị tôi đi sơ tán ở Vĩnh Phúc theo trại B Tổng cục Chính trị. Chúng tôi chui dưới hầm học những bài học làm người.
    Tôi tạm biệt lũ bạn, thầy cô, tạm biệt dãy núi, tạm biệt Quân và Bình Lé, tạm biệt một quãng tuổi thơ đã qua của mình để đi đến phương trời khác.
    Trước khi đi tôi viết một bài thơ tặng lại nhà trường, thay lời Lan (thế là tôi cũng mê thơ rồi đấy!)
    ĐOẠN KẾT
    Quân ở phương trời nào tôi không còn gặp.
    Bình Lé bây giờ không còn "lé" nữa, cậu ta đã là một sĩ quan chững chạc. Tôi gặp lại Bình nhân chuyến cậu ta ra bắc đón mẹ vào nam cưới vợ cho mình. Hai chị em mừng rỡ nhắc lại những kỷ niệm xưa. Tôi được biết bác Hai đã tìm được vợ con sau ngày giải phóng. Bác đã mất vì tuổi cao với nụ cười mãn nguyện trên môi.
    Bố mẹ Bình đã đoàn tụ.
    Tôi trở thành cô giáo đúng như dự đoán của bác.
    Còn dãy núi, nơi in dấu một quãng tuổi thơ của tôi, nay mọc lên bên cạnh một công trường khai thác đá. Cùng với công trường là nhà máy bê-tông đúc sẵn lừng lững, cung cấp bê-tông cho biết bao công trình xây dựng.
    Ở đó bây giờ những cô bé, cậu bé chơi trò xếp đá dựng lên những lâu đài hạnh phúc.

Kết Thúc (END)
Võ Thị Xuân Hà
» Lối Rẽ Khiêm Nhường
» Cây Bồ Kết Nở Hoa
» Bạn Gái
» Làn Khói Mong Manh
» Lời Hẹn
» Đi Qua Mùa Đông Giá Lạnh
» Một Quãng Tuổi Thơ
» Đoạn Trường Thảo Kiêu Hãnh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng