Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyến Tàu Vinh Tác Giả: Sưu Tầm    
    Chuyến tàu đêm đưa Hoàn ra Vinh giữa mùa xuân xanh mướt và câu chuyện rỉ rả của những người xa quê, những du khách, chàng rể cô dâu khiến Hoàn không ngủ được. “Vợ em người Vinh, em ra thăm ông bà ngoại. Em không biết nhiều về quê vợ đâu. Chúng em quen nhau khi vợ em vào nam học đại học. Con em một đứa nói tiếng miền nam một đứa nói tiếng Vinh... Anh quê ở đâu? Về Vinh đi chơi hay thăm bạn bè? Anh ở Vinh lâu không ạ?”. Hoàn nói mình đi du lịch. Anh sẽ đi tất cả những nơi có thể tới trong chuyến du ngoạn ngắn ngày. Nhưng anh chẳng thăm ai cả, chẳng gặp ai vì tất cả những người anh quen biết đều đã đi xa khỏi thành phố này.
    “Anh không quen ai ở đây ư?”. Chàng rể, một công chức trẻ, đem gói mì tôm ra, lấy nước sôi trên tàu pha ăn rồi ngồi ngủ say. Chuyến tàu mùa xuân đông nghẹt nhưng giờ đây chỉ nghe tiếng con tàu vội vã hơn những năm xưa và đâu đó ngoài cửa sổ, Hoàn nhìn thấy những vì sao lấp lánh cuối dòng sông chảy vắt qua các quả đồi. Những xóm làng vẫn rực sáng ánh điện và hoa trái treo đầy vườn xen lẫn những ngôi nhà vắng chủ xác xơ.
    Anh nhớ Vinh vào những ngày hè năm xưa, thành phố rực đỏ ánh nắng mặt trời và những cơn gió khô rát đi qua đâu để lại những hàng cây úa tàn, mặt đất nóng khiến người ta phải chạy suốt ngày không ngừng nghỉ. Khi đó người ta chưa quen uống các loại nước ngọt có ga và thậm chí nước mía theo phong cách miền nam cũng chưa xuất hiện. Những hàng chè chén và kẹo lạc nơi góc đường, núp dưới những gốc cây mà đôi khi chữa đói bằng một ly nước bột đậu còn mùi rang cháy hăng hăng.
    Anh nghĩ chuyến này sẽ đi thăm lại chợ Vinh, cái chợ nằm gần một con sông nhỏ chắc nay đã khô cạn. Xưa đôi khi người ta vẫn chở hàng bằng đường sông vào chợ, nơi đó những dãy lều và mấy ngôi nhà trọ, rất nhiều hoa quả, nhà một ông bầu ca nhạc tụ điểm sống gần chợ, giữa đống hoa quả và vô số những chiếc xe kéo, xích lô, xe đạp len chặt đống âm ly và loa đàn cũ kỹ. Một lần, ban nhạc của họ làm đám cưới mà âm thanh bị trục trặc khiến bố mẹ chú rể cô dâu không phát biểu được. Khi đám cưới kết thúc, bạn chú rể đã bê đám loa máy của ban nhạc mà ném xuống sông, mò mãi mới vớt lên được. Những đứa trẻ được sinh ra từ những đám cưới ngày ấy, giờ có lẽ cùng bằng độ tuổi với bạn trẻ đang ngủ cạnh Hoàn. Anh ta hẳn không thể biết những kỷ niệm trên quê hương của vợ mình những năm tháng ấy, ngoài những bài ca về các hồ đập, các nông trường đâu đó thi thoảng được phát lại trong dịp kỷ niệm thành lập thành phố.
    Vợ anh ta sinh ra lớn lên trong khu nhà tầng khá gần chợ Vinh. Biết đâu đấy, Hoàn cũng từng gặp họ.
    Hoàn cũng đang muốn tìm lại gia đình một nhà thơ. Những năm 1990, như những chàng thanh niên trong thành phố háo hức đọc báo và xem ti-vi, nhất là những trận bóng đá World Cup, anh gửi vài bài thơ và vào những ngày cuối tuần, vợ của bác thư ký tòa soạn tờ báo cuối tuần giữ anh lại ăn cơm trong khu nhà tập thể năm tầng ấy. Món cơm, tuần nào cũng vậy, có thứ gạo cũ và đậu phụ kho với cà chua.
    Nhà có hai chị em. Cô chị thật là “đào hoa” nhiều anh theo đuổi, rạng sáng vẫn có người đứng ở hành lang muốn gặp để tặng thơ. Một nhà thơ không thể nào gặp được người trong mộng, biết Hoàn chỗ thân quen gia đình, bèn gửi thơ nhờ chuyển giùm. Bài thơ viết trên trang giấy nhàu nhĩ có câu: “Anh có 200 đồng/ Anh không mua thuốc lá/ Anh mua hoa tặng em”. Cô em đi học xa nhà, thư gửi về vỏn vẹn mấy chữ: “Con bị đau dạ dày, bố mẹ gửi tiền ra cho con đi bệnh viện”.
    Anh ngồi trong căn hộ tầng năm ấy, lúc rạng sáng, viết thơ. Những bài thơ đầu tiên của mình câu ngắn câu dài để phá đi sự chỉn chu của xứ sở trong mùa hè không lối thoát, mọi ngả đường đều tìm đến bóng mát gốc cây. Chiếc giường cạnh cửa sổ, đôi khi anh cũng nằm ngủ nơi đó, nghe tiếng ầm ĩ ngoài phố xá kia, không phải âm thanh xe cộ mà chỉ là tiếng người cười nói mà ai đó sáng sớm thường hò lên những câu man mác dưới những hàng cây. Cô em học Hà Nội về, bảo với mẹ: “Con đói lắm”, mỗi lần ăn cơm đều đòi xới cơm vào bát canh.
    Trong cuộc đời của chúng ta, mỗi người một việc. Hoàn thích viết lách và những người cha chú trong các tòa soạn đã chỉ bảo anh viết những bài viết đầu tiên. Có những người chỉ thích viết về kinh tế về các đại nông trường và trang viết nào cũng có tiếng máy cày, lại có người hứng thú với đề tài nông nghiệp mà trong đó không thể thiếu những con trâu và tính toán chi phí về con giống cũng như nạn làm thuốc phân bón giả.
    Anh ghé một nhà thơ để ăn cơm và trong khi mọi người chờ nồi cơm chín thì nhà thơ đã đánh chén hết đĩa thức ăn mặn với lý do thuyết phục là: “Chiều nay phải làm một bài thơ”. Đôi khi anh cảm thấy cả thành phố là các nhà thơ, nhạc sĩ, những người nghiên cứu và phản biện. Cũng đúng thôi, những cánh đồng đã lùi xa và ký ức về làng quê được gợi lên từ những chuyến đi xa.
    Buổi sáng thành phố thức giấc bằng bài hát ca ngợi thành phố, buổi chiều kết thúc bằng một trận bóng đá đông nghẹt và vào buổi tối, cửa sổ các nhà thơ sáng điện tới khuya. Tai nạn giao thông còn rất ít và lũ trẻ được nhắc nhở cẩn thận để không đút gót chân vào vành xe đạp cũ. Những quán bia chưa xuất hiện và lúc cao hứng các nhà thơ thường gọi một cút rượu gạo trong veo nút bằng lá chuối và ít khô bò do vợ nhà thơ làm. Vài tụ điểm gọi là sàn nhảy, song người ta mua vé lên nhảy, xong đó kéo nhau về, bởi nơi đó không bán đồ uống mà chỉ là một cái sân khấu phía sau nhà văn hóa.
    Có lẽ cũng từ thời ấy, giấc mơ đi nước ngoài vẫn cuốn hút lớp trẻ hơn cả, dĩ nhiên ban đầu chỉ là mơ ước thi điểm cao để đi học Liên Xô. Bạn anh thừa điểm để vào thẳng đại học tại Việt Nam, nhưng vẫn đăng ký thi đại học với dự định đạt điểm cao để đi học ở Liên Xô, nhưng năm ấy Liên Xô lại tan vỡ mất.
    Một nhà nhiếp ảnh táo bạo với ảnh khỏa thân kết quả là cô người mẫu bị chính mẹ ruột xử phạt bằng việc hắt vào người con gái rượu một thau nước vo gạo. Một cô bé bị cha mẹ ngăn cấm, nửa đêm lục két lấy tiền của mẹ bỏ đi theo người yêu khiến bố mẹ ngất xỉu. Anh cũng còn nhớ rằng chuyến tàu Tết năm xưa dù hết vé thì nhà tàu cũng không bán ghế phụ - những chiếc ghế nhựa mầu xanh để khách ngồi trên lối đi. Những chuyến tàu năm ấy, đôi khi có những người trốn vé nằm ngủ trên nóc toa.
    “Anh không còn người bạn nào ở đây nữa à? Hay ghé nhà vợ em chơi. Chung cư cũ đã phá bỏ đi rồi, giờ ông bà mua nhà sống gần sân bay”. Hoàn cám ơn nhã ý của anh bạn trẻ và bảo: “Sau khi chia tỉnh, mấy chục năm mình không gặp lại bạn bè và người thân, tin tức chỉ nghe loáng thoáng thôi”.
    
    
- o O o -

    
    Hoàn đã sống và làm việc ở nhiều thành phố khác nhau. Nơi nào anh cũng mong chờ, dự đoán và đôi khi biết trước sự phát triển của chúng qua những bản quy hoạch, những xu thế phát triển. Với Vinh thì khác, anh xa Vinh đã lâu và ký ức về thành phố trong anh chẳng bao giờ thay đổi, hay là anh không nghĩ đến sự đổi thay cái ký ức ấy của mình. Anh sẽ buồn khi thành phố vẫn như xưa? Anh sẽ vui khi ký ức của mình sẽ vẫn còn nơi đây với những căn nhà rêu phong sắt theo hoen gỉ? Anh sẽ vui khi bị lạc giữa thành phố mới và anh sẽ vui khi không ai còn nhận ra anh, một kẻ tới từ thành phố cũ? Ai đó vẫn chờ đợi anh trở về từ quá khứ nhàm chán hay chờ đợi vào một người đến từ tương lai mới lạ? Anh sẽ không sa vào câu chuyện về ngày xưa, chắc chắn thế rồi, nhưng anh sẽ bắt đầu từ đâu với những câu chuyện mà anh chưa biết về một thành phố sau 30 năm mới quay về?
    Đôi khi, anh vào internet và đọc tờ báo địa phương, xem những hình ảnh của người sống trong thành phố. Anh đã thấy cái sân vận động cũ được lắp ghế ngồi cho khán đài B, nhưng khán giả lại thưa thớt hơn xưa. “Nhậu” một từ mới được du nhập từ phía nam và thường xuất hiện trên các comment. Trước kia, nếu một thanh niên hai, ba mươi tuổi uống bia rượu, hẳn sẽ là một hình ảnh khá lạ mắt. Anh thấy cô giáo đi xe hơi và những nghệ sĩ quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Ngôi chùa xưa hoang tàn, chính quyền đem đất cho thuê, nay được giao lại cho các sư dựng chùa và những bạn trẻ dành ngày xuân cho trong tấm áo lam. Tờ báo cuối tuần năm xưa đã đóng cửa từ lâu và truyền hình giờ đây phát trên điện thoại.
    “Bố mình mất mấy năm rồi”, anh thường nghe câu nói ấy về những chú, bác đã từng nói với anh về tác phẩm, những áng văn chương. Một chú chuyên viết báo về miền núi từng bảo: “Trong một bài viết, hoặc là khen, hoặc là chê, đừng pha lẫn chúng vào với nhau”. Ấy thế nhưng khi anh viết bài về một xã trồng rừng, nhiều người dân ở đó chỉ nhớ một câu văn mà anh đã chê cái xứ ấy: “Thật xót xa, nhưng đó là sự thật và chúng tôi không thể trách anh”. Khi anh viết một bài khen, người ta lại bảo: “Chê là thường rồi, giờ viết khen thì mới lạ chứ, bút pháp mới, hàng hiếm”. Đôi khi anh nhận được những lá thư tay của độc giả từ một làng quê anh không quen chưa từng gặp, chỉ vì anh từng viết về quê của họ, để trả lời câu chuyện trong các gia đình hay chia sẻ tâm sự về một mùa màng quá nhiều sâu bọ.
    “Số lượng phát hành báo chí giảm rất nhiều”. Một bác làm báo kỳ cựu nói với anh như thế. Đôi khi anh nghĩ rằng thật khó khăn để tìm thấy những nhà thơ? “Khoa Ngữ văn có thể sẽ bị xóa tên vì quá ít sinh viên”, thầy của anh ở trường đại học bảo như thế.
    Con tàu xuống đến ga Vinh trong đêm sương mù. Tiếng còi lảnh lót ngân dài như muốn phá vỡ làn sương mù dày đặc. Mùa xuân mà cái lạnh buốt giá vây kín những ki-ốt bán hàng ven đường ray. “Anh đi về đâu?” - chiếc tắc-xi cũ chở anh xuống cầu Bến Thủy, dừng bên dòng sông Lam. Trời hẵng còn chưa sáng. Mịt mờ sông nước và anh sẽ không thể gõ cửa nhà ai vào lúc này. Anh bước chân đi, như dẫm lên những bước chân của người thân, của bạn bè một thủa, nghe đâu đó tiếng chim bay gọi đàn sáng sớm qua núi. Những đường phố mới mở, gắn biển đường càng khiến anh khó đi hơn.
    Chuyến này về Vinh, anh đem theo mấy thang thuốc nam lấy giùm cho một người bạn cũ mấy năm mất chứng khó ngủ. Bạn anh nói rằng: “Mọi thứ bây giờ đều đầy đủ hơn, sung sướng hơn xưa, chẳng biết có phải thế mà đâm ra mắc chứng mất ngủ. Đêm nằm chờ sáng, sáng đứng chờ đêm, rồi đêm ngồi chờ sáng”. Hỏi lo gì, thì không có việc gì phải lo. Hỏi nghĩ gì, thì chẳng có gì phải nghĩ. Hỏi thiếu gì thì chẳng thiếu gì. Thế mà, một giấc ngủ thật sâu, không mộng mị lại không có. “Tôi uống thuốc tây nhiều rồi, sợ hại sức khỏe, nhờ bạn kiếm giùm mấy thang thuốc ta, xem uống rồi có ngủ được không”. Người bạn bảo: “Tôi đã có được tất cả mọi thứ, trừ giấc ngủ”.
    Vị lang y cắt thuốc, đưa cho anh và bảo: “Tuổi tác khiến người ta khó ngủ, người càng già, ngủ càng ít. Ngoài ra, bệnh mất ngủ bây giờ phổ biến”. Hoàn nghĩ vị lang y nói đúng. Chuyến tàu đêm, Hoàn thèm giấc ngủ sâu của anh bạn trẻ ghế bên. Thỉnh thoảng anh ta bật dậy: “Đến ga Vinh chưa anh?”, nhìn ra cửa sổ, chưa kịp trả lời, cậu ta đã ngủ say.
    
    
- o O o -

    
    Hoàn đã tìm được nhà người bạn trong đám sương mù dày đặc, nhờ vào bụi tre già trong sân nhà như một nét chữ nghiêng ngả trong gió sông. Anh không nghĩ bụi tre ấy vẫn còn đâu, những hàng tre trúc trong xóm giờ đã biến mất vĩnh viễn và thay vào đó là những bờ tường đôi khi có kẽm gai, cửa sắt dày. Đâu đó như còn thấy những đàn cò đàn vạc qua sông, tiếng của chúng khi trầm đục khi lảnh lót. Bà cụ bán quán bánh mỳ sốt vang nghe nói đã mất từ lâu và người con mở quán chay khá đông khách.
    Hoàn đi bộ bên dòng sông Lam, nơi có vài con thuyền du lịch nằm gối bãi, bên kia sông, xứ Tiên Điền nhà cửa sầm uất và những đám cây dại bên sông vẻ như không ngủ. Anh nghĩ bạn mình vẫn còn thức để chờ mấy thang thuốc nam đưa ra từ Sài Gòn, mà cũng có thể đơn giản là cô vẫn thức như mọi hôm. Cô vẫn lắng nghe những chiếc lá rơi sau cơn gió thổi qua từ sông Lam, cũng có thể nghe bước chân ai đó đến gần bên cửa sổ nhà mình rồi lại đi.
    “Bác tìm ai ạ?” - Cửa hàng cơm chay mở cửa sớm nhất, sương khói mù mịt ùa vào. Một người tóc cắt ngắn đeo kính, khá mập, thò cái đầu ra ngạc nhiên thấy có người đeo ba-lô cứ đi lại trên ngõ phố không người trong sương mờ. “Mẹ cháu mất lâu rồi bác ạ. Từ lúc còn sống, bà đã chuyển sang bán quán chay rồi, không muốn sát sinh nữa”. Hóa ra là con gái bà bán quán ăn ngày xưa. “Quán đông chứ?”. Cô chủ bảo: “Cũng tàm tạm bác ạ. Người ta giờ thích ăn chay ạ”.
    Anh gửi mấy thang thuốc nhờ cô chủ chuyển cho người bạn anh. “Sao bác không chờ cô ấy? Hôm nào cũng dậy sớm lắm. Sắp mở cửa giờ đấy ạ?”. Hoàn bảo mình phải quay lại ga tàu ngay bây giờ để tiếp tục chuyến đi của mình. Một chuyến tàu sẽ lại ghé qua ga và nó chỉ dừng chừng ba phút. “Vâng, nhà cháu sẽ chuyển cho cô ấy, cám ơn bác nhiều ạ”. Cô chủ nhỏ bất giác hỏi: “Chẳng biết cô ấy có nhớ bác không nhỉ?”. Hoàn tủm tỉm cười: “Có gì để nhớ đâu. Với lại, người ta càng lớn tuổi thì trí nhớ càng kém”.
    Nhân viên trực toa tàu ái ngại: “Gớm, bác đi đâu sớm mà áo ướt đẫm thế kia?”. Ừ nhỉ. Chẳng biết mồ hôi hay là sương quê. Anh vuốt tay lên ngực áo và cảm giác như mình vừa đi vào từ một cơn mưa đêm.
    Con tàu chạy đi, nó rời khỏi thành phố khi sương mù chưa tan. Hoàn cố ngoái lại nhìn cái thành phố đầy ắp ký ức của mình. Cả thành phố vẫn còn ngủ yên trong màn sương bao phủ lúc càng thêm dày đặc.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân