Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Góc Khuất Chiến Tranh Tác Giả: Nguyễn Xuân Tuynh    
     Hôm nay là ngày hai mươi bảy, tháng bảy, ngày Thương binh Liệt sĩ.
     Ông Hậu cũng như bao gia đình trong làng Kình có người thân hy sinh trong hai cuộc chiến tranh Vệ Quốc làm giỗ cho các chiến sĩ, anh hùng Liệt sĩ.
     Ông Hậu đang chăm chú sửa soạn mâm hoa trái đặt lên bàn thờ thì nghe tiếng chó sủa. Ông dừng tay, chậm rãi bước ra cổng thấy một người khách lạ, tuổi trung niên, cao to, vận bộ đồ quân phục bạc màu.
     - Dạ. Thưa bác, bác cho hỏi đây có phải nhà ông Hậu, có con tên là Hùng, Nguyễn Xuân Hùng không ạ?
    Ông Hậu đưa tay lên dụi mắt, nhìn người khách lạ một giây lát rồi thủng thẳng nói:
     - Đúng, tôi là Hậu, bố của Hùng. Xin lỗi... Bác là ai, ở đâu tới mà biết tôi và cháu Hùng?
     - Dạ. Thưa cháu tên là Phùng, bạn chiến đấu của Hùng năm xưa ở chiến trường Trường Sơn. Cháu cũng người ở tỉnh ta. Quê cháu ở Đông Hưng...
     Nghe ông khách nói là bạn chiến đấu với con mình, ông Hậu mừng rỡ, tay mở cửa cổng, miệng vồn vã:
     - Anh, anh là bạn chiến đấu với cháu Hùng ư. Quý hóa quá! Mời anh vào nhà...
     Vừa bước chân vào trong nhà, Phùng nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh Hùng, tấm ảnh trắng đen đã cũ, lồng trong khung kính trang trọng. Chỉ có điều làm Phùng ngạc nhiên. Ở dưới chân tấm hình được ghi dòng chữ bằng mực tím: “Nguyễn Xuân Hùng sinh... ngày... tháng... năm... Mà không có ghi ngày... tháng... năm... hy sinh. Phùng lấy ba nén nhang thắp lên bát nhang, miệng lẩm bẩm khấn: “Hùng ơi, thứ lỗi cho Phùng. Chiến tranh đã qua lâu rồi, hôm nay Phùng mới tìm về thăm gia đình và thắp cho Hùng nén nhang”. Trong khói nhang bay lên nghi ngút, giữa một không gian yên tĩnh Phùng nghe văng vẳng bên tai có tiếng nói nhỏ nhẹ, đằm thắm của Hùng: “Anh Phùng ơi! Người Trung đội trưởng thân yêu của em. Anh cho em về với quê hương đi. Chúng em nằm ở đây lạnh lẽo lắm, buồn lắm!...”.
     Phùng đứng một hồi lâu trước bàn thờ Hùng, hai hàng nước mắt trào ra. Phùng thầm hứa với Hùng: “Anh nhất định sẽ đưa em về với gia đình, quê hương... Anh hứa!...”.
     Lúc này ông Hậu đã pha một ấm trà Thái ngồi ở tràng kỷ. Phùng vái ba vái, lấy khăn trong túi áo ra thấm những giọt nước mắt đọng trên hai gò má, quay ra ngồi bên ông Hậu. Ông Hậu rót một chén trà mời Phùng:
     - Mời anh dùng trà.
     Phùng đỡ chén trà từ tay ông Hậu:
     - Con xin.
     Nhấp một hớp trà nóng, trà Thái thơm ngon. Đặt ly trà xuống khay, giọng trầm buồn Phùng nói nhỏ vừa đủ để ông Hậu nghe:
     - Thưa bác, xin bác cứ coi cháu là con cháu trong nhà. Bởi cháu chỉ hơn Hùng có một tuổi. Cháu sinh năm một ngàn chín trăm năm mươi, còn Hùng sinh năm năm mốt. Hai anh em chúng cháu ở chiến trường, cháu là Trung đội trưởng, Hùng là Tiểu đội trưởng cùng trong một Đại đội lại là người đồng hương, chúng cháu yêu quý nhau, coi nhau như anh em ruột, chia ngọt sẻ bùi với nhau, cùng nhau đồng cam cộng khổ suốt mấy năm trời ở Trường Sơn cho đến giây phút cuối cùng khi Hùng hy sinh. Nói đến đây nước mắt Phùng bỗng trào ra, cổ nghẹn ngào. Ngừng một giây lát Phùng mới lại nói tiếp:
     - Thưa bác. Chỉ có điều cháu thấy khó hiểu, sao trên di ảnh của em Hùng chỉ có ghi ngày tháng năm sinh mà không thấy ghi ngày tháng hy sinh... Do sơ suất hay... Bác có thể cho cháu biết được không ạ?
     Nghe Phùng hỏi hai mắt ông Hậu đỏ hoe, nước mắt trào ra, lăn tròn trên gò má nhăn nheo, đen sạm. Ông nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
     - Chính vì cái nhẽ đó mà suốt hai chục năm qua tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm nào cũng trăn trở nghĩ về con. Chẳng hiểu nó chết hay sống mà không có một chút tin tức gì. Tôi cất công đi hỏi xã, hỏi huyện, hỏi tỉnh không một cơ quan nào trả lời thỏa đáng. Vì thương con, mong ngóng tin con mà bà ấy nhà tôi qua đời trong nỗi tuyệt vọng. Trước phút lâm chung bà nắm chặt tay tôi nói: “Ông ở lại gắng tìm con nghe ông!...”.
     Sau giải phóng miền Nam, đất nước sống trong hòa bình đã mười năm mà không thấy con về, cũng chẳng có tin tức gì. Mãi tới năm một ngàn chín trăm chín lăm, khi ấy tôi không còn hy vọng, coi như con mình đã mất, tôi mới lập bàn thờ, thờ con, lấy ngày nó nhập ngũ làm ngày giỗ. Mỗi lần nhìn lên di ảnh con trong lòng tôi lại đau, đau lắm anh ạ. Nhà tôi có ba người con, hai gái, một trai, em Hùng là con út. Tôi là trưởng tộc họ Nguyễn Xuân của làng Kình, Hùng là con trai độc nhất vô nhị của dòng họ. Nó sẽ là người kế tôi thờ cúng Tổ tiên. Nhưng bây giờ thì... Người nối dõi không còn. Đau lắm anh ạ!
     Phùng ngồi xích lại bên ông Hậu, nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy guộc của ông, nói:
     - Sao lại có chuyện này. Hùng hy sinh cuối tháng Chạp năm một ngàn chín trăm bảy hai ở Binh trạm 44, cháu là người mai táng Hùng, cùng với người em họ của Hùng, sau đó đích thân cháu đã báo cáo lên Tiểu đoàn đầy đủ họ tên, ngày giờ hy sinh. Sao lại không có giấy báo tử về địa phương. Vậy là gia đình ta không có chế độ gì?...
     - Chẳng có gì, ngay cả cái bằng Tổ Quốc ghi công cũng không có. Lại còn mang một tin đồn độc địa: “Thằng Hùng là kẻ chiêu hồi”. Anh thấy có đau không! Thà rằng nó sống, chết rõ ràng thì đâu gia đình phải sống trong sự đàm tiếu của bà con làng xóm...
     Nói đến đây ông Hậu đưa tay lên quệt dòng nước mắt chảy giàn giụa trên mặt già nua, ngồi trầm ngâm một hồi lâu mới nói tiếp:
     - Anh vừa nói Hùng hy sinh cùng với một người em họ. Hùng có em họ nào cùng vào chiến trường đâu nhỉ. Mà người em đó tên gì, ở đâu?
     - Người em đó tên Mạnh, Nguyễn Xuân Mạnh. Chỉ có điều, Mạnh là lính Việt Nam Cộng Hòa. Trước khi chết Mạnh là tù binh của đơn vị chúng cháu. Hùng và Mạnh đã nhận ra nhau, khi Mạnh là tù binh của đơn vị chúng cháu sau một trận giao tranh quyết liệt.
     Nghe Phùng nói đến Mạnh, lính Việt Nam Cộng Hòa, ông Hậu lẩm bẩm trong miệng, tay phải vỗ vỗ lên trán: “Mạnh, Mạnh... lính...”.
     - Vậy anh có còn biết thêm thông tin gì về Mạnh không. Chẳng hạn như cậu ta là con ai, tên gì, ở đâu?...
     - Mối quan hệ giữa Hùng với Mạnh cháu được Hùng khi ấy kể cho nghe tường tận, chẳng những vậy các cuộc tiếp xúc, trò chuyện giữa Hùng và Mạnh cháu đều được chứng kiến. Bố Mạnh là ông Nguyễn Xuân Cần, sống ở Sài Gòn, làm nghề dạy học...
     - Đúng rồi. Cần, bố Mạnh là Cần. Cần là người em họ, con của người chú ruột tôi. Tôi và Cần là con bác, con chú. Năm một ngàn chín trăm năm tư, chú Cần theo phía gia đình nhà vợ vào Nam. Khi ấy Mạnh mới ba tuổi. Sau giải phóng miền Nam hai năm, đầu năm một ngàn chín trăm bảy bảy, chú Cần có về quê tìm họ hàng. Hiện giờ vợ chồng chú Cần đang sống với vợ chồng đứa con gái cả ở thành phố Đà Nẵng. Anh em chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Hôm nay là ngày giỗ của các Liệt sĩ, anh đã sang đây, phải ở chơi với tôi mai mốt hãy về. Trưa nay tôi làm bữa cơm thịnh soạn kêu hai cặp vợ chồng người chị của em Hùng về cùng với mấy người trong họ đến ăn giỗ, để được nghe anh kể về cái chết của Hùng, giải tỏa nỗi hoài nghi bấy lâu trong họ hàng, làng xóm.
     - Vâng, con xin nghe theo lời mời của gia đình. Nhưng sáng sớm mai con xin phép ra về, không thể ở được lâu. Vì hiện giờ con làm Phó chủ tịch xã, công việc cũng nhiều. Hơn nữa con còn mẹ già. Năm nay cụ cũng đã tám mươi tuổi rồi, lại có bệnh áp huyết cao cần phải có người thường xuyên chăm sóc. Vợ con dạy học ở tận trên thị xã Thái Bình, cách nhà hơn chục cây số. Sáng đạp xe đi sớm, tối mới đạp xe về. Các cháu nhà con còn nhỏ.
    *
    * *
     Bữa cơm trưa hôm đó, Phùng gặp mặt đầy đủ người trong gia đình và họ hàng nhà Hùng. Mọi người rất vui vẻ, đón tiếp Phùng trọng thị, coi Phùng như người thân trong gia đình. Phùng kể lại tỉ mỉ trận đánh của Đại đội mình với một Đại đội biệt kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa diễn ra trung tuần tháng giêng năm một ngàn chín trăm bảy hai ở Bắc sông Xê Ca Máng. Anh rể của Hùng là Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân đã ghi âm toàn bộ câu chuyện của Phùng kể.
     Phùng vốn là người giỏi văn chương, có khiếu kể chuyện. Câu chuyện Phùng kể cuốn hút người nghe:
     - Sau thất bại nặng nề ở Đường Chín Nam Lào, Mỹ và quân đội Sài Gòn cay cú, điên cuồng như những con thú bị thương. Chúng ra sức đưa không quân lên oanh tạc con đường chiến lược của ta, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam. Tuyến đường từ Nam Lào xuống chiến trường K5 chúng đánh phá ác liệt. Có ngày chúng huy động cả vài chục máy bay phản lực cùng máy bay B52 mang bom lên hủy diệt. Nước sông Xê Ca Máng sôi lên sùng sục, mỗi khi bom trút xuống, những cột nước khổng lồ dâng cao cả chục mét, cá chết nổi trắng dòng sông. Những con cá chình to như bắp chân.
     Chiều ngày hai lăm tháng giêng năm một chín bảy hai, sau khi ném bom dữ dội ở ki lô mét 44, đoạn tiếp nối giữa đường Trường Sơn xuống K5 thuộc địa phận của Binh trạm 44. Chừng ba tiếng đồng hồ ném bom, bắn phá, cả một cánh rừng rộng lớn cây cối đổ ngổn ngang, chỉ còn lại sỏi đá, khói lửa bốc lên ngút trời. Đến hơn năm giờ chiều, mặt trời đã lặn, hai chiếc máy bay vận tải của địch lén lút bay lên thả dù xuống một Đại đội biệt kích cùng lương thực. Cấp trên nhận định chúng đổ xuống đây một lực lượng thám báo và biệt kích hòng nắm bắt các hoạt động của ta, quậy phá và chỉ điểm cho máy bay đánh phá đường, trận địa pháo cao xạ, kho hàng, bến bãi của ta; tiêu diệt Bộ đội Công binh nhằm cắt đứt tuyến đường vận tải chiến lược của ta xuống K5.
     Phải đánh úp mặt, không để cho kẻ địch kịp trở tay. Tiểu đoàn 4 điều hai Đại đội 1 và 2, Đại đội 1 có nhiệm vụ ở vòng ngoài yểm trợ, Đại đội 2 đánh thọc sâu vào những điểm địch co cụm. Tiểu đội 1 của Hùng chốt chặn đường xuống sông không cho chúng lấy nước. Còn lại hai Trung đội và hai Tiểu đội đánh tiêu diệt địch. Tám giờ tối, lợi dụng ánh trăng hạ tuần bàng bạc ta nổ súng.
     Đùng, đùng! Đoàng, đoàng! Chíu chíu! Tiếng súng AK giòn giã, tiếng lựu đạn nổ đanh thép, tiếng đạn B40 bay vèo vèo, sáng rực cả một khoảng trời. Tiếng súng bắn trả của chúng yếu ớt, cùng với tiếng la ó, tiếng khóc thảm thương của địch. Không cho chúng nó thoát. Phải tiêu diệt bằng hết! Xung phong! Xung phong! Mệnh lệnh của Đại đội trưởng Pháp vang lên dũng mãnh, cả Đại đội hò reo vang dậy, xông lên như thác lũ. Sau ba tiếng đồng hồ, Đại đội đã tiêu diệt gọn một Đại đội địch, bắt sống hai chục tên lính biệt kích và thám báo. Trong số hai chục tù binh, có năm tên bị thương. Trong đó có một tên bị thương dập nát chân trái, không đi được. Anh em phải băng bó và khiêng về đơn vị.
     Năm tên bị thương được giam riêng trong một hang núi gần kề bờ sông. Đại đội giao cho Hùng canh giữ, bởi Hùng ngoài chức vụ Tiểu đội trưởng, Hùng còn là người biết về ngành y. Bởi trước khi vào Trường Sơn Hùng đã từng học lớp sơ cấp Quân y.
     Sáng ra, Hùng vào hang quan sát năm tên tù binh bị thương. Trong số đó Hùng nhìn thấy một tên bị thương nặng, dập nát một chân trái, hắn nằm rên rỉ, khóc than thảm thiết.
     Trong khi băng bó và nẹp cái chân gãy của hắn, Hùng có linh cảm thấy gương mặt tên tù binh này có nét quen quen, hình như mình đã từng gặp hắn ở đâu đó. Trong đầu mơ hồ không thể nhớ ra.
     - Nè. Tên gì. Hùng vừa băng bó, vừa hỏi?
     - Tôi bây giờ là kẻ bại trận, là tù binh. Các ông muốn làm gì thì làm, để tôi sống hay bắn bỏ là quyền của các ông. Hỏi làm chi.
     Nghe tên này nói giọng Bắc, giọng Thái Bình vì giọng nói của hắn có đôi từ nói ngọng. Chẳng hạn như từ làm nói là “nàm”...
     - Chính sách của quân đội chúng tôi rất rõ ràng. Với tù binh đều được ăn uống, thương tật được cứu chữa. Tôi là lính Quân y. Anh cứ yên tâm đi. Tôi không giết tù binh như anh nghĩ đâu. Tôi sẽ cứu chữa cho anh. Băng bó xong tôi tiêm thuốc kháng sinh anh sẽ bớt đau thôi. Yên tâm đi.
    Nhận thấy người Việt Cộng nói năng dịu dàng, băng bó cẩn thận, gã không có thái độ gắt gỏng như ban đầu, giọng lễ phép:
     - Ông có thể cho tôi xin hớp nước được không. Từ tối hôm qua đến giờ tôi chưa được uống nước.
     Hùng lấy Bi đông nước đeo ở thắt lưng đưa cho gã uống. Gã cầm Bi đông nước tu một hơi, thở phào nhẹ nhõm. Chân được Hùng băng bó và tiêm thuốc cũng bớt đau. Hắn mới chịu nói chuyện với Hùng.
     - Thưa ông. Tôi tên là Mạnh. Tôi là người Thái Bình. Năm ba tuổi theo cha mẹ vô Nam...
     - Ở Thái Bình, huyện, xã nào?
     - Nghe cha nói ở Tiền Hải, còn xã tôi không rõ.
     - Cha mẹ tên là gì?
     - Cha tôi tên là Nguyễn Xuân Cần, mẹ là Lê Thị Chua, còn tôi tên Mạnh.
     Nghe nói đến tên Nguyễn Xuân Cần, Hùng nhớ tới ông chú họ, người cùng xóm. Biết đâu đây lại chính là ông chú của mình và tên tù binh Mạnh này là em họ của mình cũng nên.
     - Anh nói cha anh tên là Cần. Vậy ông năm nay bao nhiêu tuổi, có đặc điểm gì...
     - Cha tôi năm nay sáu chục tuổi, người cao to. Có một vết sẹo ở má phải. Theo như ông kể, ngày nhỏ ở nhà bị trâu húc.
     - Vậy là đúng rồi. Đúng ông chú họ của tôi rồi. Như vậy tôi là anh họ của anh. Bố tôi là Hậu, Nguyễn Xuân Hậu.
     Hùng đến gần Mạnh, ôm lấy Mạnh, những giọt nước mắt cay cay nhỏ xuống bờ vai Mạnh. Hùng nói nhỏ trong hơi thở:
     - Không ngờ hai anh em mình lại gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu này. Đau quá em ơi!
    Mạnh nghẹn ngào nói:
     - Đau quá anh ạ. Nhưng lỗi không phải do anh em mình. Lỗi là do chiến tranh. Một cuộc chiến bẩn thỉu. Cha em là một nhà giáo, mẹ em là ngành y. Ông bà không muốn cho em ra trận cầm súng nhưng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt em vào quân dịch, em đang học dở Đại học Sư phạm phải từ giã giảng đường. Để hôm nay làm tù binh của anh mình...
     Hùng rời khỏi Mạnh, lấy trong túi sách ra một phong lương khô đưa cho Mạnh.
     - Em ăn đi, lát nữa anh cho người mang cháo đến cho em.
     Mạnh nhấm nháp từng miếng lương khô nhỏ thấy ấm áp trong lòng.
    
     Câu chuyện giữa Hùng với Mạnh, Hùng giữ kín trong lòng. Nhưng thật tình cờ trong lúc hai người nói chuyện, Phùng đi ngang qua đã nghe thấy hết. Nhưng là anh em thân thiết, người đồng hương với Hùng, Phùng cũng giữ kín.
     Ngày hôm sau Ban lãnh đạo Đại đội có cuộc họp khẩn để giải quyết số tù binh Đại đội giam giữ. Đại đội được lệnh của Tiểu đoàn áp giải hai mươi tù binh về phía sau. Riêng tù binh mang số 25 bị thương dập gẫy chân không đi được. Đơn vị không có xe chuyên chở, người khiêng cáng không có, vì đơn vị có lệnh tiến sâu vào cung đường phía Nam, cấp trên chỉ cho phép bốn chiến sĩ áp giải tù binh. Đại đội trưởng Pháp đã gọi riêng Hùng ra nói nhỏ:
    - Đồng chí là người được Đại đội phân công băng bó, điều trị cho tù binh mã số 25. Tên tù binh này không thể đi được. Đơn vị không có phương tiện chuyên chở. Tối nay đồng chí dẫn nó xuống bờ sông, bí mật giải quyết.
     Hùng nghe Đại đội trưởng nói vậy khẽ rùng mình, mặt tái nhợt. Giọng ngập ngừng:
     - Ta làm như vậy có vi phạm chính sách tù binh không ạ?
     - Trong chiến tranh phải linh hoạt. Dẫu sao nó cũng là tù binh, là kẻ thù. Bọn nó bắt được người của ta còn tra tấn dã man thậm tệ. Ai không chịu khai báo chúng thẳng tay bắn bỏ. Tin tức đài đưa hàng ngày, đồng chí không nghe sao?
     - Nhưng... nhưng...
     - Không nhưng chi cả. Đây là mệnh lệnh!
     Đại đội trưởng Pháp quay ngoắt, bước nhanh vào doanh trại. Hùng đứng lặng người như trời trồng bên bìa rừng. Đang không biết giải quyết trước cái mệnh lệnh nghiệt ngã của cấp trên bằng cách nào thì Trung đội trưởng Phùng tới, kéo Hùng ra xa một góc rừng nói nhỏ:
     - Câu chuyện của em và tù binh mã số 25, anh biết hết cả rồi. Để bảo vệ em nên anh không nói cho ai biết. Chiều nay anh phải dẫn tổ trinh sát đi tiền trạm. Tối nay em cần suy tính cho thấu đáo mới hành động. Làm sao đó cho vẹn cả đôi đường. Đừng để mang cái tiếng anh giết em rồi ân hận cả đời. Thằng Mạnh chẳng qua chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh này thôi.
     - Vâng ạ. Em hiểu...
     Hùng và Phùng mỗi người đi một ngả.
    *
    * *
     Đêm hôm ấy như có một điều gì đó bất thường. Trời oi bức, ngột ngạt như báo hiệu sắp có một trận mưa dông lớn. Cả Đại đội chộn rộn không ai ngủ được. Đại đội trưởng Pháp vận quần đùi, áo may ô đi ra đi vào trong lán chỉ huy. Anh em chiến sĩ thì lo sắp xếp quân tư trang, đóng gói lương thực, thực phẩm để năm giờ sáng hành quân.
     Khoảng mười hai giờ đêm những tiếng nổ liên tiếp, rung trời chuyển đất.
     - Bom tọa độ. Tất cả vào công sự ẩn nấp. Tiếng Đại đội trưởng la thất thanh rồi im bặt. Tiếng nổ vẫn tiếp diễn sau cả ba chục phút mới ngớt.
     Bốn giờ sáng Phùng cùng tổ trinh sát về đơn vị thì chỉ còn thấy cảnh đổ nát tan hoang. Doanh trại là một bãi đất trống, cây cối đổ ngổn ngang, cả một Đại đội bị xóa sổ không còn một ai. Cảnh tượng thật đau thương, hãi hùng, xác đồng đội vương vãi khắp nơi, nhiều xác treo lơ lửng trên vòm cây, vách núi. Đa phần bị bom hất xuống dòng Xê Ca Máng, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông dài. Phùng nghĩ ngay đến Hùng đang cùng với Mạnh ở trong hang dưới suối phía bìa rừng. Phùng gọi to: “Hùng ơi! Hùng ơi! Em còn sống không?”. Không có tiếng trả lời, Phùng chạy vội vào hang đá thấy Hùng và Mạnh, hai người ôm nhau chết trong tư thế ngồi tựa lưng vào vách đá. Phùng vuốt mắt cho hai người rồi lấy hai lọ pixilin, cậy nắp, đổ thuốc đi, xé hai mẩu giấy trong quyển sổ tay, viết đầy đủ họ tên của Hùng và Mạnh, bỏ vào hai lọ riêng biệt. Sau đó vạch miệng của Hùng và Mạnh ra, bỏ sâu vào trong mồm, lấy hai túi nilon bự, bỏ thi thể vào trong mai táng. Hai người nằm chung một hang. Cửa hang Phùng cùng mấy anh em trong tổ trinh sát khiêng đá lấp kín thay cho nấm mộ. Chôn cất xong cho Hùng và Mạnh, khi ấy Hùng cùng anh em trong tổ mới đi mai táng cho những đồng đội khác.
     Trận bom tọa độ hôm ấy là trận bom khủng khiếp nhất mà Phùng được chứng kiến suốt gần sáu năm chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn.
     Nghe xong câu chuyện của Phùng, cả nhà lặng đi rất lâu trong tiếng gió biển thổi vào vi vu. Trên gương mặt mỗi người đầm đìa nước mắt. Cả nửa giờ sau ông Hậu mới lên tiếng:
     - Đau quá, tàn khốc quá! Đây quả là một góc khuất của chiến tranh mà từ xưa tới nay chưa được nghe một ai kể. Đài báo, văn học của ta cũng ít có người viết. Cái giá của chiến tranh mà dân tộc này phải trả đắt quá!
     Sáng hôm sau, trước lúc chia tay với gia đình ông Hậu, Phùng vào thắp nhang cho Hùng, đứng trước bàn thờ Hùng, Phùng nói: “Hùng ơi, người đồng đội, người em thân thương của anh ơi. Anh tạm biệt em, về nhà thu xếp công việc nhà, công việc xã, sang tháng anh cùng bố sẽ vào Trường Sơn đưa em về với quê hương, với gia đình em nhé!”.
     Ông Hậu cùng cả gia đình tiễn Phùng ra tận đầu làng. Phùng chia tay mọi người trong nắng sớm. Những tia nắng ban mai lấp loáng trên dòng sông Luộc biếc xanh.
    Đúng hẹn, hai tuần sau, Phùng đến nhà ông Hậu. Phùng, ông Hậu cùng với hai người con rể của ông Hậu đi trên một chiếc xe con, xe của gia đình người chị gái Hùng vào Đà Nẵng thăm gia đình ông Cần và đưa ông Cần cùng đi lên Trường Sơn tìm hài cốt Hùng và Mạnh.
     Chuyến đi khá xuôi chèo mát mái, nơi chôn cất Hùng và Mạnh vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ nằm cách đường Trường Sơn có năm trăm mét, xe con vào tận nơi. Công việc lấy hài cốt chỉ diễn ra chưa đầy hai giờ đồng hồ. Hài cốt của Hùng và Mạnh hầu như còn nguyên vẹn.
     Xe quay về Đà Nẵng mai táng Mạnh vào nghĩa trang của gia đình ông Cần trọn vẹn, Phùng và cha con ông Hậu về lại quê nhà.
     Khi đưa hài cốt của Nguyễn Xuân Hùng về quê nhà, ý định của gia đình an táng Hùng ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã nhưng lãnh đạo xã và Ban Thương binh xã hội xã N không chấp thuận. Họ không mở cửa cổng Nghĩa trang và nói: “Con trai ông không phải là Liệt sĩ”. Căn cứ vào quy định của Nhà nước, con ông không được an táng trong Nghĩa trang Liệt sĩ. Nơi đây chỉ để dành cho những người có công với đất nước”…
     Nghe ông Trưởng Ban Thương binh xã hội xã nói vậy, Phùng giận dữ nhưng anh cố kìm nén lại. Phùng đứng ra trước mặt mọi người dõng dạc nói:
     - Thưa các đồng chí lãnh đạo xã. Thưa bà con cô bác: Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, con trai ông Nguyễn Xuân Hậu là một Cán bộ Tiểu đội trưởng đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh ở chiến trường Trường Sơn. Tôi khi đó là cán bộ cấp trên của đồng chí Hùng, tự tay tôi chôn cất thi hài đồng chí Hùng. Tôi xin lấy lời thề danh dự của người lính đảm bảo một điều chắc chắn: Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng là Liệt sĩ. Còn chuyện chậm trễ chưa có giấy báo tử là do thất lạc giấy tờ hoặc có sự nhầm lẫn nào đó. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra...
     Ông Phó chủ tịch xã, mặt đỏ như gấc chín, có lẽ ông vừa nhậu nhẹt ở đâu về. Ông ta vung tay, múa chân giọng lè nhè không đúng tư cách một lãnh đạo xã chút nào. Ông nói:
     - Chúng tôi làm... đúng theo pháp... luật, chúng tôi chẳng biết Hùng Dũng nào cả. Chỉ biết không có giấy báo tử về xã là chúng tôi không cho vào Nghĩa trang. Có thế... thế... thôi. Các đồng chí dân quân tự vệ xã đâu, giải tán ngay cái đám đông vô trật tự này đi. Giải tán đi...!
     Trước sự cương quyết của lãnh đạo xã N, ông Hậu nói lớn:
     - Xã không cho con tôi vào Nghĩa trang xã thì ta mang con ta về an táng trong Nghĩa trang dòng họ Nguyễn Xuân. Đi, các con mang hài cốt anh, em của các con đi.
     Tất cả gia đình và bà con xóm làng đưa hài cốt Nguyễn Xuân Hùng về an nghỉ trong Nghĩa trang dòng họ.
     Mọi người thì thào nói nói: “Đây là một góc khuất của chiến tranh”. Dẫu sao anh Hùng cũng về được với quê Cha đất Tổ là vui rồi. Còn may mắn hơn nhiều gia đình, con hy sinh cả mấy chục năm vẫn chưa kiếm tìm ra hài cốt. Ông Hậu đến ôm Phùng nói:
     - Dòng họ Nguyễn Xuân chúng tôi vô cùng biết ơn anh Lê Văn Phùng đây, người anh, người đồng chí, đồng đội của Nguyễn Xuân Hùng.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Xuân Tuynh
» Góc Khuất Chiến Tranh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt