Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đối Diện Nhà Số 6 Tác Giả: Sưu Tầm    
    Tác phẩm là câu chuyện của chó trong xóm nhỏ, chuyện của chó mà cứ ngỡ chuyện của người. Chuyện của nhóm người nhỏ cứ ngỡ chuyện của cả xã hội. Chuyện của cả xã hội cứ ngỡ không phải chuyện của mình...
    
    
- o O o -

    (Gửi Ông chủ nhà số 6) - Hồi 1: Cú đá mở đầu câu chuyện
    Nhà số 6 có 4 người con chó: Chó anh cả, Chó anh giữa, Chó chị ba và Chó em út.
    Thực ra đứa em út, tôi cũng chả phân biệt được nổi nó là con trai hay là con gái, nó thi thoảng thích ngửi mấy bông hoa màu hồng bên vườn nhà bà Tư béo, tôi vẫn hay để ý thấy thế, nhưng lạ một cái, mặt nó lại đặc sệt góc cạnh của một thằng con trai, thậm chí, có thêm cả phần ngu ngu không giấu nổi của bọn con trai vẫn thường đần thối khi đứng trước mặt tôi nữa. À, mà cũng kệ đi, nó có là trai hay là gái đi chăng nữa thì tôi vẫn ghét nó, bởi cô chị nhà ấy đẹp hơn tôi.
    Chó chị ba xinh đẹp bậc nhất cái ngõ xóm này, chúng tôi có tranh tài với nhau tại cuộc thi hoa hậu xóm. Mỗi tội nó chỉ diễn được duy nhất một bộ mặt giả nai câu trai suốt phần đời trước giờ, y sì cái chuyện diện đi diện lại một bộ đồ lông trắng muốt như hiện giờ nó đang mặc. Mặc dù đẹp thiệt mà tôi vẫn thấy dơ. Nó dơ, không hẳn vì nó không chịu thay quần áo mỗi ngày, tôi cũng vậy mà, chả nhẽ tôi tự nói mình dơ. Không, con chó chị ba dơ vì tôi cảm thấy nó... dơ dơ vậy thôi. Mà suy cho cùng thì mấy đứa đẹp hơn tôi đều dơ cả.
    Khu xóm tôi là khu xóm văn hóa của cái thành phố thơ mộng, nên tụi chó tụi tôi cũng phải cử xử sao cho giống giống là có văn hóa. Nhà tôi và nhà số 6 ở gần cuối ngõ hẻm thì chẳng sao, chứ mấy đứa ngoài đầu ngõ, tủi thân thay chúng nó, đi đâu cũng phải rọ cái mõm vào, nói không nói được, sủa cũng không xong. Người ta làm vậy là vì sợ tụi tôi cắn người và cốt cũng để khoác cái mác có văn hóa cho tụi tôi. Tôi thấy đáng thương cho loài người khi không nhận ra sự dễ thương của bọn chó tụi tôi. Và cũng vì chỉ có tôi và bốn anh em nhà số 6 được thoải mái tự do không phải bịt miệng nên có không ưa nhau lắm thì cũng phải chơi với nhau, chứ, chả nhẽ, được nói mà cứ phải lủi thủi nói một mình?
    Tôi nhớ một lần, buổi trưa, sau khi ăn sạch đám cá thừa bị cháy khét lẹt của cậu chủ vụng về, tôi trốn ngủ trưa, lẻn qua nhà số 6 chơi. Nhà số 6 ăn cơm muộn hơn nhà tôi, vì nhà họ có đầy đủ các thể loại thế hệ nên giờ giấc vì thế bị kéo dài ra, còn nhà tôi có mỗi cậu chủ béo, trong đầu chỉ tính chuyện ăn gì thành ra tôi cũng được hưởng thơm lây. Lúc mới sang tới cổng, thấy bốn anh em bên ấy ngồi buồn thiu. Tôi ra ám hiệu sẽ lẻn vào nhà bằng lỗ bí mật mà chỉ năm tụi tôi biết và tôi được chó anh cả đồng ý.
    - Ủa chưa được ăn cơm hả? - giọng châm biếm đầy khiêu khích của tôi làm chó anh giữa không thể không đáp lại. Ổng là một gã lập dị. Đi chơi chung với nhau hiếm khi tôi thấy ổng nói gì. Thi thoảng mới nói mà lần nào cũng nhạt nhẽo và hơi khó hiểu.
    - Đang đói còn nói kiểu ấy, em đã được ăn gì vậy? - tôi chả biết câu hỏi này ý nghĩa cảm xúc là gì nữa.
    - Đống cá cháy. Ui, chả nuốt nổi cái vụng về của cậu chủ nhà em mà để đáp lại tấm lòng, em đã ăn hết nên được cậu chủ cho đi chơi - tôi có bốc phét chút xíu để cho bốn anh em nhà ấy điên lên ganh tị.
    - Chả bù cho tụi này. Chẳng bao giờ được ăn thịt cá, chỉ được ăn canh chan cơm. Vậy mà còn toàn phải ăn muộn.
    - Thôi mỗi nhà mỗi hoa mỗi cảnh - tôi định văn thơ ca dao thành ngữ mà quên béng mất câu ấy nên tự dưng thấy quê.
    Con chó chị ba dường như không chịu nổi cái cuộc nói chuyện bi kịch ấy bèn nhấn giọng với tôi.
    - Cô không ăn nói được kiểu gì hay ho hơn thì mời về cho - với cái giọng chua ngoa hậm hực.
    Tôi thì không ưa nó rồi đấy nhưng vì chả còn chỗ nào để chơi, tôi hạ giọng.
    - Ừ rồi, tôi xin lỗi. Tôi qua đây chơi với mọi người thôi mà.
    Đúng lúc ấy thì cơm nhà số 6 cũng dọn lên bày cho tụi chó ăn. Hôm nay nhà ấy ăn canh rau ngót, ồ, và còn có cả một đống xương nữa kìa. Tôi đưa mắt đắm đuối nhìn vào bát xương ấy. Thấy tôi, cô chủ nhà ấy chả còn lạ lẫm gì, còn trao tôi ánh mắt trìu mến: "Ăn chưa, ở lại mà ăn đi". Tôi thì ăn rồi nhưng vì cô ấy nhiệt tình quá nên tôi buộc phải ăn tiếp. Và tôi cũng biết cô chủ nhà này đang thầm thương trộm nhớ cậu chủ nhà tôi, nên tôi mới được đối xử như bà hoàng vậy. Tôi háo hức vẫy đuôi. Thấy tôi chuẩn bị đưa lưỡi vào bát xương. Ba anh em nhà ấy, trừ cậu anh cả, gầm gừ với tôi như kiểu tôi mà động vào đó là chúng nó sẽ cho tôi ăn đủ vậy. À, ăn đủ đấm đá chứ không phải là xương. Biết mình yếu thế, tôi lủi thui đi ra góc nhà, buồn thiu.
    Đang nằm dài mắt ướt buồn thiu thì bỗng "cọc" một cái, trước mắt tôi là một mẩu xương ống dài cỡ 20cm, trông nó thật ngon lành khi vẫn còn dính lại chút thịt thừa, một chút mỡ béo ngậy. Mắt tôi sáng rực, tôi đưa đôi mắt ấy lên.
    - Ăn đi - chó anh cả nói với tôi bằng cái giọng trầm ấm của một người đàn ông trưởng thành.
    Thôi được rồi, đến đây thì tôi cũng thú nhận thật. Mọi người nên bỏ qua hết những lời tôi kể phía trên về ba anh em kia đi. Thực ra là tôi đang mến chó anh cả nên cố gắng tiếp cận. Vì anh ấy là anh cả phải chiều các em nên tôi mới phải chơi với cả bốn. Chứ trong mắt tôi chỉ có duy nhất mình anh.
    Chó anh cả đẹp theo đúng nghĩa đen của đẹp, tôi thích cái khuôn người dài lưng đằng đẫng của anh, cái điệu ve vẩy cái đuôi dứt khoát cũng đẹp, cái lưỡi có đốm cũng đẹp, đến cái tai bên cụp bên dựng cũng hết sức đáng yêu. Chơi với nhau từ nhỏ, tôi không biết đã mến anh từ lúc nào...
    - Em xin - tôi bẽn lẽn đỏ ửng cái mặt đầy lông của mình.
    Bỗng bất thình lình một cái "bịch", một cú sút trời đánh vào đúng mạn phải sườn tôi đau biếng người. Trước sự chứng kiến của bốn anh em nhà ấy, tôi bị ông chủ nhà đó đá vào người.
    - Cút, cút ra khỏi nhà tao ngay. Đồ vụng trộm. Đúng là chủ nào chó ấy.
    Chưa kịp định hình gì tôi chạy một mạch về nhà không quên kèm tặng cho ổng vài tiếng kêu oang oảng ai oán.
    Thấy tôi to mồm ẳng, rỉ cả nước mắt, chạy đến đầu cổng nhà mình, cậu chủ lao về phía tôi ôm trầm lấy hốt hoảng.
    - Cũng tại tao cả, lỗi của tao mà mày bị liên lụy.
    Kể từ ngày hôm đó, tôi bị cấm chơi với bốn anh em nhà số 6. Và những câu chuyện của tôi và cậu chủ bắt đầu từ đây...
    (Gửi Cậu chủ béo) - Hồi 2: Học cách yêu thương
    Tôi biết mình xấu xí vì chỉ cần ra ngoài đường là biết ngay. Cái ánh mắt mọi người nhìn tôi và cái cách họ bĩu môi dè bỉu tôi là y chang nhau, mặt của họ lúc ấy dễ đoán như kiểu "chó gì mà xấu thế!" "con này ở đâu ngoi lên trông vừa ngu vừa kém sang vậy". Nếu để tự mình đứng trước gương, chưa chắc tôi đã nhận ra được vẻ xấu của mình, chỉ có họ, nhiều người phản ứng như một, thì tôi mới chắc nịch rằng mình xấu thật. Lúc đầu còn mong manh dễ khóc chứ lâu dần cũng quen, lâu dần cũng chả còn để ý đến ánh mắt từng người. Hôm ấy, ngay giây phút nhận ra mình bị đánh, bất giác suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi "mình bị đánh vì mình là một con chó xấu xí hay sao?".
    Nhưng rồi suy nghĩ thật kĩ, tôi xấu nhưng tôi đâu có ngu, cái chuyện xấu xí của tôi không đáng để tôi bị đánh. Nhất là ở cái ngõ xóm gắn mác văn hóa này, chả ai công khai chấp nhận việc ai đó dùng vũ lực lên thân thể xấu xí của một con chó cả. Nó là sự dẫm đạp lên "nhân quyền" của loài chó! À không, tôi nhầm, loài chó tụi tôi thì lấy đâu ra mấy thứ cao sang văn minh đến vậy. Nhưng dù thế nào tôi vẫn muốn và tin có chút gì đó công bằng: xấu xí không phải là cái tội!
    Đoạn từ nhà số 6 về đến cổng nhà mình, tôi nghĩ loanh quanh tìm cho mình một lí do bị đánh thật thuyết phục. Nhưng dù nghĩ đủ đường tôi vẫn không hiểu nổi tại sao lại oan uổng như vậy. Mặt tôi lúc ấy vốn dĩ kém thân thiện sẵn vì đau đớn và kể từ lúc nghe được chính xác lời cậu chủ nhận lỗi về mình thì cái độ thân thiện ấy bỗng chốc còn tụt nhanh hơn cả vật nặng nghìn tấn thả rơi tự do trên độ cao nghìn mét xuống. Lỗi lầm không bắt nguồn từ cái sự xấu của tôi. Nó đến từ cậu chủ, người tôi yêu quý thứ nhì, chỉ sau Chó anh cả.
    Tôi thực sự hận cậu chủ!
    Tôi không rõ lắm cảm xúc lúc ấy của mình, tôi vừa muốn tìm ra cho nhanh sự thật cuối cùng nhưng tôi cũng vừa muốn cậu chủ biết tôi đang rất giận cậu ấy. Nhưng nếu tôi mà dễ dàng chạy tới nghe cho ra đầu ra đuôi thì chả khác nào tôi chấp nhận việc tôi bị đánh và lỗi lầm là của ông chủ nhà số 6 tất. Được rồi, tôi sẽ tuyệt thực vài bữa để cho cậu ấy xem tôi quan trọng như nào. Tôi sẽ kiếm chỗ nào ấy yên tĩnh, là góc nhà, chính xác hơn là góc nhà dưới cái giường tăm tối. Tôi muốn trốn tránh cái tủi nhục này. Tủi nhục của một con chó cái xấu xí. Trốn tránh luôn cái đau đớn. Trốn luôn cái thương nhớ Chó anh cả nữa.
    Tôi nằm co lại và bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời mình. Trước nhất có lẽ là cái khúc xương 20cm kia giờ này nó đang chễm chệ trên miệng ai. Là trên con chó chị ba xinh đẹp, hay gã lập dị ít nói, hay trên miệng đứa em út nửa trai nửa gái, nghĩ thế nào thì miếng xương ấy vẫn nên dành cho anh, người tặng nó cho tôi trước lúc tôi nhận lấy cái đá trời ráng. Trong tất cả ánh mắt người ta dành cho tôi, chỉ có duy nhất ánh mắt của anh làm tôi không cảm thấy bị tổn thương. Nó không hẳn là ánh mắt mang nhiều thương hại, nó là trìu mến và là cái gì đó như muốn được thân quen. Nó mang ý thức mạnh mẽ tới mức, chỉ ngay từ lúc anh nhìn tôi, tôi bỗng trở nên nhỏ bé và... biết mình vẫn còn đẹp đẽ trong mắt ai đó. Tôi yêu đời chỉ bằng ánh mắt của anh. Nhưng nếu cứ nghĩ về anh và những kỉ niệm đẹp thế này thì nó sẽ khiến tôi khó chấp nhận sự thật rằng sắp tới sẽ không được gặp anh. Tôi sẽ cố thoát khỏi dòng suy nghĩ về anh.
    Tôi nghĩ về cậu chủ.
    Cậu chủ béo, tôi thì chả dám đánh giá ai qua vẻ bề ngoài cả, bởi tôi đâu có đẹp để đánh giá người khác. Thế nên với tôi cái béo ú mập ú cũng chả nói lên được cái khỉ khô gì. Nhưng mà cậu chủ đúng là béo thật, bụng mỡ tràn ra như sóng biển vỗ bập bềnh. Thêm vào cái chiều cao không mấy là hoàn hảo ở cái thế hệ người trẻ cao 1m8 này thì cậu ấy rơi đúng phóc vào tầng lớp Ế dài hạn. Mặc dù mặt mũi cũng chả đến nỗi nào, nếu không muốn nói là thư sinh nhất xóm. Tôi biết cái nhận định của tôi là đúng, bởi tôi tin vào chuyện tâm sinh tướng. Ơ, mà tôi thì dạng đặc biệt, nên tạm trừ tôi ra nha.
    Tôi nhớ đến khung cảnh bên cạnh tôi toàn là rác, thối hoắc, bẩn thỉu của ngày đầu tiên gặp được cậu chủ bên thùng rác ngã ba cạnh Hồ Xuân Hương. Có vài ba con ruồi đi ngang qua í ới cười cợt có khi chúng còn trêu ngươi ị lên người tôi vì chúng biết tôi chẳng thể làm làm gì được chúng. Chân trái tôi bị gãy và tệ hơn, tôi bị người chủ cũ bỏ đói 3 ngày rồi. Tôi cố lết cái xác khô quanh thùng rác vậy mà đến chút đồ ăn thừa họ cũng không để lại. Tôi nằm im thin thít và cố thở nhẹ nhàng để tránh mất sức. Cái khoảng thời gian nằm chờ chết ấy kinh khủng đến mức ám ảnh tôi, đến giờ chuyện đó biến tôi thành kẻ hám đói, nên đừng trách tôi khi tôi nghĩ đến cục xương 20cm kia đầu tiên. Âu cũng là một sự trải đời. Lúc đó tôi cũng hi vọng lắm có ai đó cứu vớt đời chó hoặc ít nhất ném cho tôi miếng ăn thừa thãi nào đó để lấp nhẹ cái bụng đói. Nhưng chờ mãi chờ mãi, người ta qua lại, người ta chỉ thấy tôi ghê tởm, và có lẽ đời tôi bị người đời trừng phạt kể từ đó, với những ánh mắt chả mấy thiện cảm, tôi vẫn còn "phèn" xấu xí gầy gò đến tận giờ.
    Tôi đã sẵn sàng cho một cái chết. Dễ dàng như kiểu chỉ cần nhắm cái mắt lại nghĩ đến cái chết là có thể chết được liền. Nhưng "bộp" rồi "bộp" tiếng của mấy cục xương gà hiệu KFC lăn lông lốc va trên thềm gạch đá lát ven hồ chạm gần mõm tôi. Tôi ưỡn mõm gặm lấy, mặc cho nó là gì đi nữa tôi cũng đớp nó một cách nhanh nhất có thể. Mấy cái xương ấy nhiều dần lên và chúng vinh dự được nằm gọn gàng trong chiếc bụng tôi. Đến giờ tôi mới ngước lên nhìn ân nhân của mình. Chính là cậu chủ của tôi, bây giờ. Nhưng không hẳn là tôi nhìn được mặt câu ấy đầu tiên, mà là cái lưng to đùng đầy ngấn mỡ đựng bó trong chiếc áo phông có vẻ chật chội. Cậu ngồi một mình quay về phía Hồ ăn gà rán và vứt xương lại thùng rác theo kiểu trò chơi ném giấy ăn may vào sọt rác bọn học sinh hay chơi. Có điều, cậu ném mười trượt mười. Mà cũng vì cái trượt ấy nên cái mõm tôi mới may mắn có được chúng. Chắc là cậu ấy ngại không muốn thể hiện tình yêu thương với tôi nên quay mặt lại đây, tôi vui mừng nghĩ. Tôi, kể từ giây phút ấy, coi người này là người chủ mới của mình.
    Ăn xong, cậu ấy đứng dậy trở về nhà. Như ám hiệu cho tôi đi theo, cậu ấy đứng lên một lúc lâu phỉu quần phỉu áo rồi bước cũng thật chậm rãi. Tôi tất nhiên là lẽo đẽo theo sau chả do dự. Cậu ấy đi đâu tôi đi theo đó, mà tôi luôn giữ khoảng cách tầm 5m. Tôi áng chừng thế để cậu ấy không ngửi phải cái mùi hôi thối mấy ngày chưa tắm của tôi.
    - Con này mày điên à, sao mày cứ lẽo đẽo theo tao. Tao để ý rồi đó. Cút đi. Đồ con chó bẩn thỉu. - Bỗng dưng cậu ấy quay lại nói với cái giọng chua chát.
    Ơ, thế hóa ra là mình nhận nhầm ân nhân à, ơ thế hóa ra cậu ấy không có ý định cho mình ăn xương à. Cậu ấy không biết đến sự tồn tại của mình cạnh thùng rác hay sao?
    Tôi đi khập khễnh vì đau chân, tủi thân vì đau lòng và rồi tôi khóc. Tôi khóc vì sự tưởng bở của mình. Nhưng tôi vẫn cố đi vì tôi biết, hi vọng cuối cùng của tôi chỉ có thể ở cùng cậu ấy dù bất cứ giá nào.
    - Con này, tao cho mày ăn đòn đó nha mày. Biến đi. Trời ơi làm ơn biến đi giùm. Tao mắc nợ gì mày. Tao vào nhà rồi nếu có muốn ăn xin gì thì tao cũng kệ đó. - Nói xong cậu ấy đóng sầm cánh cổng lại.
    Kệ tôi ở đó theo đúng nghĩa là mặc xác tôi. Tôi chính thức quay trở lại cảnh cũ, chủ mới tôi vừa nhận cũng chả khá hơn ông chủ cũ là mấy. Thôi vậy tôi nằm ăn vạ chờ chết ngoài cổng này vậy. Chết ở đây tốt hơn là cạnh đống rác bốc mùi. Tôi đưa mắt qua vườn nhà cậu chủ, đủ thứ hoa nở rộ thơm ngát hương, màu nào cũng có. Chờ chết trong cảnh đẹp chắc được lên thiên đàng. Tôi lim dim đôi mắt và chìm vào giấc ngủ khi vẫn hướng về mấy bông hoa được tô điểm bằng ánh đèn đường.
    - Dậy, con này dậy, mày ngủ ở đây đấy hả.
    Tôi ghét ai đó đánh thức tôi vào buổi sáng sớm khi chưa tròn giấc, bất giác tôi sủa inh oi cả cái ngõ xóm.
    - Tao nói cho mà biết, mày mà sủa nữa tao, tao...
    Bộ tính ăn thịt tôi hả, tôi sủa tiếp.
    "Bộp" một cú đá vào đúng mõm tôi làm tôi không thể tiếp tục sủa. Tôi lẩn ngay phía bức tường để khuất mắt cậu ấy. Tôi thấy mình thật vô dụng.
    - Anh hàng xóm kì ghê, đối xử với một con chó như vậy. - Giọng mỉa mai của cô chủ nhà số 6 đủ to để tôi nghe thấy.
    - Ủa đâu có đâu em, anh anh... - cậu chủ gãi đầu mặt thì đỏ ứng như trái cà để lộ sự xấu hổ mà không thể giấu nổi rằng cậu ấy đang yêu, với một chuyên gia tình yêu là tôi.
    Nghĩ bụng, phen này kèo này tôi cầm chuôi rồi. Tôi sẽ dùng khổ nhục kế để cậu ấy phải thu phục nuôi tôi.
    - Anh nên nuôi một con chó xem sao. Em nuôi bốn con chó thấy thú vị lắm.
    - Nhưng mà, nhưng mà...
    - Nhưng gì, em thấy nó cũng đáng yêu, anh chăm đi, khó gì thì qua em em chỉ cho
    - Anh không biết nó từ đâu mò ra nữa anh sợ...
    Nghe thấy vậy tôi chạy lại gần cậu, vẫy đuôi áp chặt má vào chân cậu, cào cào dép cậu tỏ vẻ yêu thương.
    - Đó, nó quý anh lắm kìa, anh nuôi đi, em nghĩ nó bị bỏ rơi ấy.
    Dường như không thể chối từ, cậu ấy gật đầu. Cô chủ nhà số 6 vui, mà tôi mới là người vui nhất.
    Kể từ hôm ấy cậu ấy chăm sóc tôi vì tình yêu cậu ấy dành cho cô hàng xóm lớn hơn bao giờ hết. Nhưng như vậy chả phải là dễ dàng cho cậu ấy quá sao. Tôi cần phải nghĩ cách để cậu ấy yêu thương tôi thực sự loại chó như tôi mới được. Tôi mới nảy ra ý định dù có thiệt thòi cho tôi lắm nhưng vượt qua được thì sẽ có kết quả, tôi sẽ bỏ bữa, nhiều bữa để cậu ấy lo lắng.
    - Ủa cho ăn sao không ăn? Chê hả mày?
    - Đồ khó ăn lắm hả, con này mày muốn sao?
    - Mày bị ốm à? Ốm đau gì phải biểu hiện chứ?
    - Bỏ bữa lâu vậy chết ra đấy tao kệ!
    -...
    Là những câu hỏi của một người lần đầu tiên bị buộc nuôi chó. Tôi trông thiếu sức sống lắm rồi nhưng tôi sẽ đợi chờ một kết cục tươi đẹp hơn.
    - Anh chẳng biết nữa, nó chẳng chịu ăn gì cả, anh thấy lo lo nên mới nhờ em qua giúp!
    - Anh quát nó đúng không? Chó cũng giống như mình, nó cần yêu thương và chút chân thành, anh cho nó ăn thì cũng nên hỏi han nhẹ nhàng. - Nói xong cô ấy tiến lại gần tôi vuốt lông nhẹ từ đầu tới sườn.
    Tôi giả bộ ư ử, rồi liếm cái nhẹ vào bát cơm trước mặt. Thấy vậy cậu chủ cười mừng như phát hiện ra điều gì hay ho lắm.
    - Tí anh qua nhà em, lấy cuốn "Tôi là Beto" của bác Ánh đọc thử coi. Em tin là loài vật hiểu được mình nói và cách mình yêu thương thật lòng.
    Đó, nhớ lại mà tôi thấy mình chiến thắng huy hoàng. Tôi cũng nghe cậu chủ đọc cuốn sách cô hàng xóm cho mượn. Tôi cũng không có thanh minh hay gắng thay đổi suy nghĩ người khác. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu như cách hiểu của cô chủ nhà số 6, loài chó tụi tôi hiểu hết tiếng người, biết rõ hành động của loài người cả, tôi với beto không biết giống nhau điểm nào nhưng tôi mong mọi người hiểu điều đó. Yêu thương tụi chó tụi tôi một cách chân thành.
    Từ đó tới giờ cậu chủ biết cách yêu thương tôi. Và tôi thì cứ như bà hoàng. Nên chuyện tôi ngồi đây, trong góc giường này, tuyệt thực vài bữa, trong hoàn cảnh này là dễ hiểu.
    Nhưng thực sự trong lòng sao tôi vẫn muốn biết lỗi lầm của cậu chủ gây ra cho ổng chủ nhà số 6 quá. Tôi phải làm gì bây giờ? Hay tôi qua bên cậu chủ? Suy nghĩ một hồi, tôi chợt nhận ra tôi không phải là nhân vật chính, người đang buồn nhất là cậu chủ, tôi chỉ bị oan mà thôi. Có lẽ tôi cần học cách yêu thương cậu ấy nhue cách cậu ấy học yêu thương loài chó trước đây, với tôi.
    Tôi gạt bỏ tất cả, Tôi sẽ tiến đến bên cậu chủ.
    (Gửi chiếc bụng xấu sắp bự to) - Hồi 3: Giữ hay Bỏ?
    Đang định trườn người chui ra khỏi gầm giường thì cậu ấy lại gần, cúi xuống sụt sịt gọi tôi ra mà rơm rớm nước mắt, thấy thương. Mấy năm sống chung tôi có thấy cậu ấy khóc bao giờ, chắc hẳn cái tội gây ra lớn lắm. Tôi cũng mủi lòng chạy lại giả bộ rụi đầu mình vào chân cậu ấy ra vẻ đồng cảm lắm.
    - Người ta đá mày có đau lắm không?
    Bị đánh có ai không đau cơ chứ? Mà ổng không biết mình đang giận ổng hay sao, mà tôi thì ngoan ngoãn cái thứ gì. Chắc cảm xúc đang rơi vực thẳm nên vơ bừa lấy đồng minh mà trải lòng phỏng? Tôi nghĩ bụng.
    - Tao làm cô hàng ấy...có bầu rồi.
    *Giật bắn người*
    Vô lí! Tôi vừa ở bên nhà đó về xong, cô ấy vẫn nguyên vẹn, chứ cớ gì chuyện ăn cơm trước kẻng, ăn kem trước cổng mà ông chủ nhà số 6 vẫn để cô ấy yên. Tôi nghĩ là cậu chủ nhà tôi đang mơ tưởng giữa ban ngày, lí do thì khỏi bàn, ế lâu quá nên mộng mị muốn có em bé. Tôi nói, ế lâu ngày nguy hiểm cực độ đến mức vậy. Nên để rút kinh nghiệm cho bản thân, có lẽ tôi phải tiếp cận chó anh cả ngay và sớm thôi. Mà giờ sao gặp...Tôi lại bắt đầu nghĩ về tương lai lứa đôi của tôi và gạt ngay đi câu chuyện nhảm nhí của cậu chủ...
    - Cô ấy vẫn chưa biết là tao biết, cô ấy để que thử thai rõ mồn một hai vạch ở ngăn bàn và bị bố phát hiện, ông biết bố đứa bé là tao vì chỉ có mình tao đáng nghi nhất, liền qua đây ngay. Tao cũng nhận rồi. Cũng vì thế mà trưa nay mày được ăn cá cháy chỉ vì câu hỏi của bố cô ấy:" Thế giờ Giữ hay Bỏ" làm tao ngẩn ngơ. Tao phải làm gì bây giờ...
    Khổ thật. Ở có một mình, có nói gì cũng chỉ có mình con chó này nghe, cũng có mình con này ngồi trơ mắt ra, có góp được ý kiến gì thì cũng chỉ gâu gâu thôi chứ được gì...Tôi lại trơ cái mắt lên nhìn cậu ấy. Và tất nhiê phải ra vẻ đồng cảm...
    - Bố chả biết gì hết! - Tiếng cô chủ nhà số 6 hét to tướng vang sang tận đây, mà có lẽ với âm lượng bật hết cỡ ấy thì cả cái ngõ xóm sẽ biết hết mất thôi.
    - Mày im ngay! Mày được quyền hét lúc này hả? - Tiếng ông chủ nhà số 6 cũng chả kém cạnh, to cứ như là một hội thi. Ông này vốn nóng tính, cái đá của ông làm tôi tím bầm và minh chứng cho sự ác độc của ổng. Mà giờ tôi cũng có thể gọi ổng là kẻ thù được.
    - Để con tự quyết định. Làm ơn đi!
    - Tiên sư, mười mấy tuổi đầu con người ta dành để học thì con nhà này đi yêu đương ba thứ lăng nhăng. Giờ thì sao? Cặp đất ăn hả hay là sao? Chạy qua đó ở luôn đi rồi lấy lá cây mà đi chợ!
    Cậu chủ bên này sốt sắng. Thấp thỏm như có kiến lửa đốt, đứng lên ngồi xuống mà mắt cứ hướng qua bên. Thấy căng quá tôi sủa inh ỏi lên ngụ ý khuyên cậu chủ chạy qua ngay. Sở dĩ tôi chỉ biết sủa để làm không khí căng thẳng thêm như đổ thêm dầu vào lửa thôi. Tôi cũng không lạ gì, cậu chủ nhà tôi tính khí cũng thiếu chín chắn, thấy có chuyện là lao ra liền. Mà quả đúng, cậu ấy chạy qua thật. Tôi lẽo đẽo chạy theo sau.
    - Con xin bác, bác bớt giận, bình tĩnh nghe tụi con đã.
    Tôi để ý từ lúc thấy sự xuất hiện của cậu chủ, cô chủ nhà số 6 mặt mày cũng khác hẳn, cô ấy còn tỏ vẻ ngạc nhiên nữa. Cô ấy như cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều, đúng là có sức mạnh của tình yêu vào nó khác hẳn.
    - Bằng bất cứ giá nào thì tụi con cũng Giữ. Tụi con không muốn mình là kẻ sát nhân mà.
    - Gì chứ, tôi đang là người Giữ và tôi có quyền Bỏ. Anh im lặng giùm đi!
    Cái gì nữa đây? Tôi chả hiểu gì về con người, tất nhiên sau khi nghe họ cãi nhau và nhất là sau lời cô! Thật sự cái ngõ xóm văn hóa này bị bệnh thành tích lây từ trường học về rồi. Vụng Trộm, không biện pháp, bị phát hiện rồi bỏ giữ đứa bé kia không cần suy nghĩ, còn ầm ầm lên nữa. Người thiệt thòi nhất vẫn là tôi, một cái đá rồi sắp tới đây là sống cùng căn phòng u tối xám xịt cùng cậu chủ bất hạnh.
    Nhưng con người lạ thật nhỉ, tôi không nghĩ rằng họ độc ác đến vậy đâu. Kể cả cho tôi chấp nhận cú đá độc ác của ông chủ nhà số 6 đi nữa thì việc vừt bỏ một đứa bé nhỏ xíu xinh xắn đáng yêu đãng nhẽ không nên có từ trong suy nghĩ cơ. Kể cả cho lũ chó tụi tôi không có nhiều tiền đi nữa thì có chết đói tôi cũng chết cùng con tôi. Này tôi nói thiệt. Tôi nói cô chủ chả bằng tôi rồi. Dù cho cô ấy chưa được nhìn thấy mặt em bé thì cũng phải có cảm nhận gì đó trong bụng chứ nhỉ.
    Tôi nghĩ nếu con người không thích bé xuất hiện trên đời thì mình dùng, gì nhỉ, dùng cái gì tránh thai nhỉ? Tôi quên béng rồi ấy. Vì tôi chưa được dùng bao giờ...
    (Gửi loài người) - Hồi 4: Sự Bất lực của loài chó
    Sau cái ngày động trời ấy, cuối cùng họ cũng sắp xếp ổn thỏa với nhau. Dù cho có bằng mặt nhưng không bằng lòng đi nữa, cô chủ vẫn về bên nhà cậu chủ sống như hai vợ chồng. Hàng xóm cũng bàn tán chuyện cô cậu ở vậy chả cưới xin gì mà cậu chủ cũng kệ. Điều quan trọng nhất lúc này của cậu là nó, bé xíu xiu ấy. Cậu nhất quyết giữ lại nó bằng được, nên nó vẫn sẽ tiếp tục an nhiên trong bụng mẹ nó mấy tháng nữa. Cậu chủ mồ côi, trước giờ loanh quanh với mình con chó nên giờ có thêm cô chủ qua lại, cậu ấy vui lắm. Sắp tới cuộc sống có lẽ còn thú vị hơn vì có thêm cả tiếng đứa nhỏ cười khóc mỗi ngày.
    Mọi chuyện cứ tưởng êm đẹp là thế, nhưng không hẳn, kể từ khi cô ấy qua sống chung, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Tôi có thể chấp nhận việc cậu chủ thương cô ấy không còn quan tâm tôi như trước. Tôi cũng chấp nhận việc một người phụ nữ mang thai khó ở hẳn sẽ xấu tính hơn rất nhiều. Nhưng đúng là chỉ khi ở với nhau, sống chung một mái nhà "mới biết chăn có rận". Tôi chả muốn kể xấu một người con gái vì tôi cũng là con gái nhưng eo ôi, cô ấy vừa lười vừa bẩn lại còn sống nhiều mặt. Nếu tôi có nhẩm đếm số mặt nạ cô ấy đeo hằng ngày thì chắc chắn nó sẽ xuất hiện kín cả 4 bàn chân của tôi.
    Có lẽ tôi sẽ mạnh dạn kể cho mọi người nghe thêm một chuyện khó tin này.
    Bữa ấy lúc cậu chủ đi chợ chuẩn bị đồ ăn, cô ấy ở nhà một mình. Nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo lên trong nhà, mà cái giai điệu nhức đầu của bài Bùa yêu cứ lặp đi lặp lại đoạn "yêu hay không yêu" làm tôi không tài nào chịu đựng nổi, từ góc sân đang ấm chỗ tôi phải lết lại tới chỗ cổ xem có bất ổn gì không. Thấy tôi, cô nhìn rồi nghĩ như kiểu tôi là một con chó ngu ngơ không biết gì nên cô cũng lờ tôi nhanh mà tập trung vào cái màn hình điện thoại cô cầm trên tay, nhạc vẫn reo, rõ ràng cô đang phân vân có nên nghe hay không.
    - Gọi cái gì mà gọi, đã bảo đừng liên lạc nữa, con anh có người nuôi hộ rồi khỏi phải lo...
    Vậy đó, loài người, một lần nữa tôi đứng người vì một câu nói mà không tài nào hiểu nổi. Cậu chủ tôi quả đáng thương. À, cũng đúng thôi, cậu chủ tốt bụng mà ngu ngơ quá mà. Ai bảo cậu ấy thiếu thốn tình cảm quá. Ai bảo cậu ấy tin người quá. Ai bảo... thôi thôi, có vịn vào lí do gì thì sự cũng rồi. Tôi bực thay cho cậu ấy. Tôi phát điên. Tôi chỉ mong cậu ấy ở đây chứng kiến tất cả.
    Một lát sau sau cậu ấy về, tôi chạy thật nhanh tới bên mà sủa inh ỏi như một con chó bị mắc bệnh dại. Tất nhiên cậu ấy chả hiểu gì, cứ mắng chửi tôi bữa nay Bị sao. Bị sao thì tôi cũng không cần biết, tôi chỉ biết cậu ấy phải lắng nghe mà hiểu lời tôi mách. Ấy thế mà tôi cũng chỉ có sủa, chỉ sủa được chứ biết làm gì. Tôi là một con chó bất lực, biết sự thật mà chỉ có biết inh ỏi lên mà thôi.
    Tôi phải làm gì? Tôi dùng cái não của một con chó để nghĩ suốt một thời gian đủ dài. Nhưng không đi về đâu cả. Tôi không học nói tiếng người, nó là thứ ngôn ngữ văn minh khó hơn tất cả.
    Rồi cứ thế, tôi bắt đầu dần muốn bỏ quan tâm đến loài người, tôi càng biết nhiều về họ tôi càng cảm thấy thế giới ấy đáng sợ và nhất là khi tôi biết nhiều sự thật mà cũng chả làm được gì thay đổi được cục diện. Tôi đành để yên vậy, tôi đành hi vọng, chỉ dám hi vọng cậu chủ sớm biết sự thật này.
    Tôi nghiễm nhiên trở thành một con chó tồi tệ, buồn bã, tăm tối.
    Điều duy nhất, ánh sáng nhỏ nhoi trong cái bóng tối đen kịt này, có lẽ, chỉ là chuyện bốn anh em nhà số 6 chuyển hộ khẩu qua đây, nhà tôi. Tôi được gần chó anh cả. Tôi được nói, với loài của tôi.
    (Gửi cậu út bán bóng) - Hồi 5: Màu hồng cũng...thơm
    Tôi nói, loài chó tụi tôi đơn giản lắm. Ai có lòng tốt vứt cho gặm vài cục xương là y như rằng lần sau gặp lại vẫy đuổi tới tấp chả cần nghĩ ngợi gì. Có người nói bọn tôi ngu, có người lại nói đấy là biểu hiện của sự trung thành vô điều kiện. Ai cũng nghĩ họ là bậc thầy về chó mà cả hai đều không hẳn, bọn tôi cũng chỉ vì miếng ăn cả thôi. Cũng như con người, thay vì kiếm tiền bất chấp thì với loài chó kiếm ăn là tối thượng. Đâu có thể để một chiếc bụng đói chạy tung tăng chân sáo đùa nghịch được. Cái gì cũng phải đi từ căn bản tối thiểu rồi dần dần mới đến những thú vui cao cả hơn. Những thứ cao cả hơn thì tùy, mỗi người một thứ, như đứa em út nhà số 6 đang trong tầm ngắm của tôi đây, để thỏa mãn cái thứ cao cả của nó, nó lại thậm thụt bí mật lởn vởn bên vườn nhà bà Tư béo với nụ cười nhạt nhẽo cùng thần thái đầy khó hiểu.
    Tôi đoán nó lại đi tìm mấy bông hoa màu hồng để ngửi. Từ lâu tôi đã để ý nó, nó khác xa so với mấy người con trai khác, một cách lén lút và giấu diếm. Nói thật chứ tôi chả thấy cái việc ngửi hoa cao cả đến vậy, tôi còn thấy nó bệnh hoạn vô cùng. Nó vốn là một thằng con trai vậy mà tôi còn không dám xưng hô theo đúng với hình dáng bên ngoài của nó. Sao nó lại đi ngửi mấy cái đám hoa màu hồng, trông điệu đà chết đi được. Đến tôi là con gái còn chả ham muốn cái sự đẹp đẽ tinh thần kiểu kiểu vậy. Nó sẽ biến tôi trông ẽo ợt, kệch cỡm, có khi gió thổi bay vì cảm giác mỏng manh đứng bốn chân chả vững. Phải chăng tôi còn phèn nên không thể cảm được cái cao cả theo kiểu quý tộc ấy?
    Tôi muốn qua đó để chứng thực một vài điều, mà có lẽ nhân ngày đẹp trời này tôi cần phải biết chính xác sự thật, sau quãng thời gian tò mò giới tính của nó. Có thể tôi sẽ làm cho nó bẽ mặt trước cuộc đời nó, nó phải được tỉnh ngộ khi nó đang vượt quá mức độ cho phép của cái xóm văn hóa này. Cái quy cách ứng xử của một con chó trai với một con chó gái phải khác nhau, phân loại được rõ ràng như mấy ông anh của nó, chứ không thể như bây giờ chả biết đâu mà lần.
    - Ê, có gì ở đó mà mày cứ ngửi ngửi vậy Út?
    - Nó giúp em no. Thơm thật thơm.
    - Mày đói hả. Đói thì bảo chị, chị qua nhà ăn vụng rồi tiện mang cho em mấy miếng xương. Sao đói lại đi ngửi hoa thì no làm sao?
    - Chị không thấy nó rất thơm và đẹp sao? - Nó phớt lờ lời đề nghị của tôi mà nhắm hờ mắt lại, ra vẻ như nghệ sĩ lắm.
    - Em có biết là cư xử của em rất khác lạ so với cái ngoại hình không?
    - Chị không thấy em màu hồng thật đẹp sao? Em còn sưu tầm một đống màu hồng ở nhà, chị có muốn xem không? -Nó không thèm để ý đến câu hỏi và thái độ khinh khỉnh của tôi, háo hức chạy thật nhanh về nhà.
    Tôi quả thực rất ghét mấy đứa bóng bóng nửa nạc nửa mỡ, cứ cái gì trông gần giống thế khiến tôi dễ dàng liên tưởng đến những thứ gai góc buồn nôn. Tôi nghĩ mình phải lên án, nếu cứ để cho chúng được tự do thì cái xóm ngõ này nát bét, nó có khác nào chà đạp lên chữ văn hóa mà cái xóm này khăng khăng hướng đến. Tôi đã sẵn sàng tâm thế để chửi nó.
    Nó từ xa chạy tới, trên miệng là một cái khăn dài thiệt dài, màu hồng cánh sen, mỏng manh nhưng nhìn khá là chắc chắn. Cái khăn là đồ vứt đi của cô chú nó, nhưng với nó lại chả khác gì một bảo vật.
    - Cái gì nữa, em định làm gì với cái khăn mỏng manh màu sến vắt được ra nước này? - Tôi bĩu môi.
    - Chị nhìn xem, khi em khoác nó lên, nếu em đi nhanh hơn bình thường một chút thì cái tà sẽ bay bay mềm mại như gợn sóng, đẹp thiệt chứ! - Cái sự hạnh phúc của nó in rõ trên ánh mắt của nó, cái ánh mắt sáng rực chỉ chăm chăm theo cái tà khăn một cách hão huyền.
    - Mày dừng lại ngay, trai không ra trai gái không ra gái, xấu mặt cái xóm ngõ văn hóa, ở nơi này không có cái chuyện chấp nhận một đứa như mày. Động não sửa ngay đi, bằng không tao sẽ mách cho cả nhà mày biết mày bị bê đê đấy! - Tôi chịu hết nổi.
    - Em đã làm gì ảnh hưởng cuộc sống của chị sao? - Chỉ khi lời nói của tôi động chạm đến lợi ích của nó, chỉ khi cái sự bí mật này có nguy cơ bị phanh phui ra ánh sáng thì nó mới không dám lơ đi lời tôi. Nó dần hoang mang.
    - Mày khiến mắt tao bị đau nhức, vì cái hình ảnh bê đê nó đập vào thật ghê. Tao cứ nghĩ đến chuyện mày yêu một đứa con trai rồi sao nữa, eo ôi. Rồi mày có nghĩ là bê đê nó sẽ lây cho hai ông anh của mày không. Chứ tao thì lo lắm đó!
    - Nhưng em thấy như vậy mới là em. Em hạnh phúc khi mình như vậy. - Nó có vẻ tự tin, chả khóc ra tí nước mắt mà còn rất bình tĩnh.
    - Hạnh phúc ư? Mày bị bệnh đó, mày chữa ngay đi. Sao mày có thể hạnh phúc khi mày bị bệnh?
    - Hạnh phúc được đo bằng gì? Không phải nó được đo bằng cảm nhận của mỗi người sao? Làm sao chị có thể áp cái hạnh phúc của chị vào cái hạnh phúc của em khi hai ta không cùng một cơ thể? - Giờ nó gân cái cổ lên, lần đầu tiên tôi thấy nó có thái độ muốn lấn át người khác như thế. Có vẻ như nó không muốn ai nghĩ nó bị bệnh, thứ bệnh kì lạ phải giấu diếm.
    - Mày lí sự với tao? - Tôi phải gằn cái giọng to và thách thức cho nó biết tôi không phải dạng dễ để ai đó lấn ất. Nhất là với một đứa bệnh hoạn.
    - Chị thử mặc nó lên người xem, biết đâu chị sẽ thấy thích mà không ghét nó như chĩ vẫn nghĩ. - Thấy tôi căng quá nó tìm cách hạ giọng xuống.
    - Có chết tao cũng chả thử. Có chết tao cũng động vào cái thứ màu hồng thấy gớm. Có chết tao cũng không đụng vào thứ của kẻ bệnh hoạn. Cả mày và cái khăn đó, y chang nhau, đồ bỏ điiii.
    Nói rồi nó vẫn một mực đưa cái thứ đáng kinh tởn ấy lên người tôi, không thể nào chịu nổi tôi quát lớn:
    - Mày không đưa nó ra khỏi người tao ngay lập tức tao sẽ xé nát cái khăn đó ra làm trăm mảnh.
    Vừa nói tôi vừa nhe cái răng đầy nanh ngoặm ngoặm với ý định chỉ để dọa nó. Ấy thế mà cái răng nanh của tôi nó vướng sao mắc đúng ngay đoạn đầu cái khăn, bất ngờ cái rẹt, tôi làm rách, một đoạn khăn rơi ra. Trông nó nham nhở. Tôi biết bảo vật của nó thì quan trọng với nó. Nhưng với đứa bị bệnh như nó coi như đó là một bài học.
    - Tao nói là làm mà. Từ giờ tao cấm mày động lên người tao. Cấm. Cho đến khi mày hết sạch cái bệnh bê đê thì tao nói chuyện.
    Nói xong tôi quay đít đi về. Hiên ngang như người chiến thắng. Tôi có lén ngoảnh đầu lại xem nó sao. Khung cảnh cũng chả mấy bất ngờ lắm. Nó ngồi đần thối, nhìn chằm chằm vào cái khăn màu hồng bị rách, có thấy nước mắt nó rơi, ban đầu thì chỉ rơm rớm, mà chả cần thêm thời gian, nước mắt nó đã ngắn dài, vẫn y như mấy đứa con gái. Tôi thấy phát ớn. Cứ để cho nó ngẫm nghĩ đi. Chỉ khi nào đến bờ vực của thực và mơ nó mới thấy lời tôi có giá. Haha. Tôi thấy mình lớn lao quá. Hôm nay làm được một việc ý nghĩa. Có lẽ phải thưởng cho mình một cái gì đó thật ngon để ăn mừng. Tôi thầm nghĩ.
    Tôi cứ phải bước đi, tôi bước đi. Tôi có nên huýt sáo không nhỉ, mọi giai điệu đã lên sẵn trong đầu tôi, tôi đang vui, tôi bước nhanh dần đầy phấn khích. Rồi tôi cảm thấy có một sự trơn tuột ngay dưới chân mình, "tủm", thứ âm thanh duy nhất tôi nghe thấy trong đầu mình khi giờ đây chỉ có một màu đen bao trùm. Tôi chưa kịp định hình được tại sao cả, nhưng cái thứ mùi ám quanh sao mà...thối quá. Không phải cái thứ chất lỏng này là phân đấy chứ? Tôi cố gắng ngóc cái đầu của mình lên khỏi đống nhày nhụa đặc sệt ấy. Người tôi chìm hẳn trong thứ vừa lạ vừa quen. Trước khi tôi nhận ra mình trượt chân ngã xuống hố phân bên vườn nhà bà Tư khoảng chừng hai giây thì tôi có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột, cho dù là hố gì đi nữa thì nó cũng ghê tởm hơn cái hố địa ngục. Nó thê thảm hơn rất nhiều cái địa ngục của sự chết đói, tôi từng đến đó một lần. Phân của người thối hơn bất cứ thứ phân nào khác!
    Nhưng tôi không thể chết được.
    Làm thế nào để thoát ra cái hố phân sâu hoẳm mà bà Tư đào phục vụ cho cả cái vườn rau rộng chục luống đây. Giờ tôi mới biết đến cái khó của một con mồi rơi xuống đầm lầy, khi cái hố phân này là ví dụ y chang để trải nghiệm. Cứ càng cố vùng vẫy thì càng dễ lún sâu. Người duy nhất có thể giúp tôi, thằng Út, cũng là đứa vừa bị tôi đẩy xuống vực thảm giữa mơ và thực. Tôi hoang mang quá. Bỏ qua cái chuyện tình nghĩa sang một bên thì một đứa thích ngửi hoa hồng làm sao có thể bỏ qua cái dơ bẩn của phân để cứu tôi được đây. Nhưng nếu tôi mà cứ chần chừ thêm một giây phút nào nữa thì khả năng tôi không còn cơ hội để cái mõm và mắt nổi trên không khí được nữa. Tôi phải gọi nó thôi.
    - Út, Út ơi, cứu cứu chị!
    Để chắc hơn nó thoát khỏi mơ và thực tôi vừa đẩy nó xuống, tôi lấy hết sức hét thật to lần nữa:
    - Út, chị ở dưới hố phân. Cứu chịiiiiiiiii!
    Tôi nghe thấy tiếng bước chân của thằng Út, có vẻ nó rất vội vã chạy đến gần.
    - Trời ơi, chị ơi, trời ơi, sao chị lại rơi được xuống đó.
    Trông nó hốt hoảng, cuống cuồng và sợ sệt, tôi cũng chưa bao giờ thấy nó có biểu cảm này bao giờ, trong lúc rối rắm này tôi nghĩ với một người thật khó có thể biết hết về họ.
    - Em ơi nghĩ cách giúp chị với, chỗ này thối quá - Tôi nói chả ra hơi, ho sặc sụa, cứ như cái mùi thối ấy nó làm cản trở việc hô hấp của tôi vậy.
    - Tay em không đủ dài, làm sao đây, nếu không nhanh thì chị sẽ chết chìm mất, không đủ thời gian để kêu người đến cứu rồi. Sao giờ đây.
    - Cứu chị với, chị chưa muốn chết, chị xin lỗi về chuyện lúc nãy, em đừng để bụng mà cứu chị với.
    - Chị nghĩ em độc ác vậy sao. Chị bình tĩnh đi. Em sẽ cứu chị.
    Nói rồi nó quẳng cái khăn màu hồng xuống tôi.
    - Chị bám vào đây, chị bám tạm vào đây nhanh lên.
    - Mà cái khăn này...
    - Nhanh lên không còn thời gian nữa.
    - Nhưng nó là bảo vật của em, hơn nữa chị đã thề không đụng vào nó... chị...chị
    - Giờ này chị còn có lựa chọn nào khác sao? Bám ngay đi để Út nghĩ cách.
    Nói rồi tôi bám vào đó rồi trong lúc chờ Út nghĩ cách, trong sự im lặng khẩn trương ấy, để dành cho tôi nghĩ về việc kì thị, việc đay nghiến của mình. Tôi nhận ra một điều gì đó và tôi hối hận về việc mình làm. Tôi đẩy nó đến bờ vực giữa mơ và thực, còn giờ bờ vực giữa sống và chết đến gần với tôi, khoảng thời gian biết mình sắp chết, được người mình từng xỉ vả chăm chăm cứu mình, tôi trở thành con chó thất bại.
    - Chị ơi, giá như cái khăn nó dài hơn một chút thì em có thể buộc chúng vào cái cây bên cạnh mà tìm người tới cứu chị rồi. Giờ chắc em chỉ có thể đứng giữ nó và chờ điều may mắn đến với chị em mình thôi. - Vừa nói nó lại vừa khóc.
    Cái khăn màu hồng đã cứu tôi thoát chết tức thì, rồi thì chính xác cái màu hồng tôi ghét tôi ghê tởm đã cứu tôi khỏi cái chết, rồi cũng chính cái khăn ấy tôi đã xé toạc nó, nó vẫn quay lại cứu tôi. Ý tôi màu hồng là thằng Út ấy. Giờ thì màu nào với tôi cũng quan trọng như nhau cả, tôi thật sự nhận ra chỉ khi biết được nó ý nghĩa như nào với tôi. Màu hồng, bây giờ, thơm thật. Nó át cả cái mùi phân thối. Nó là gì đó mới mẻ với tôi.
    - Chị vẫn ổn chứ?
    - Ừ, chị ổn. Em ổn chứ?
    - Thực ra không ổn lắm. Tay em mỏi quá, sao không ai đi qua đây nhỉ chị? Chị cố được không?
    - Hay là mình hát bài gì đó cho quên đi mỏi tay đi. - Tôi đưa ra lời đề nghị.
    - Chị thích nhạc gì?
    - Nhạc thị trường nhảy múa, nhưng giờ hát thì không hợp lắm nhỉ? Em hát bài gì em thích đi.
    - Hay em hát bài Sống như một đóa hoa cho chị nghe nha.
    Nói rồi nó hát cho tôi nghe. Lần đầu tiên tôi thấy giai điệu trong trẻo đến vậy...
    Đang đến đoạn "...tỏa ngát hương thơm cho đời" thì từ đâu vọng lại tiếng của cậu chủ:
    - Ôi giời ơi gì thế này.
    Cậu chủ cứu tôi lên, tôi bịn rịn và quấn quýt mừng vui, đến khóc ra nước mắt, sau đó tôi được tắm với sáu bảy lần nước cùng bột giặt mà cái mùi vẫn cứ ám tôi cả một tháng.
    Cũng kể từ đó, cái nhìn của tôi về thằng Út cũng khác hẳn. Tôi coi nó như em trai mình. Không phải vì nó là ân nhân cứu tôi thoát chết nên tôi nghĩ tốt về nó, không phải, vì cái cách nó cứu tôi, trong lúc hoạn nạn ấy, cử chỉ thái độ nó cứu rỗi tâm hồn hạn hẹp của tôi, khiến tôi thoát khỏi cái mơ và thực của mình.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân