Đứng trước giá vẽ hàng giờ nhưng chưa được nét cọ nào cho ra hồn, Lực bỏ ra cổng ngồi châm thuốc.
Ngõ vắng vẻ càng hun hút. Cây tập tàng hai bên ngõ chờm cả vào đường đi, xanh mướt. Cái thứ cây giàu sức sống như mùa xuân, cứ cắt đi lại đâm chồi nảy lộc, xanh miên man, là nơi đỡ lòng lúc nhỡ bữa cho nhiều nhà khi chưa kịp ra chợ hay nhỡ đợt rau trong vườn.
Ngày còn bé, Lực hay theo chị ra ngõ hái rau tập tàng về nấu canh suông. Chỉ có bát canh với ít muối vừng mà cả nhà ai cũng chén ba bốn bát cơm. Có năm đói kém, bố mẹ ăn sắn bung để nhường cơm trắng với canh tập tàng cho hai chị em ăn, bố bảo, ăn cơm trắng với canh tập tàng thì các con mới cao lớn, má hồng, học giỏi để lớn lên còn nuôi bố mẹ lúc về già. Nhưng khi anh vừa tự đi làm kiếm ra tiền thì bố mẹ đã lần lượt theo nhau về cõi, chị gái cũng đi lấy chồng.
Sống một mình, lâu lâu nhỡ bữa thèm rau, anh vẫn ra hái tập tàng nấu canh, lũ trẻ trông thấy tưởng chú họa sĩ đang tìm cảm hứng, đua nhau chạy ra đùa nghịch theo chân anh dọc hai bên ngõ, biết anh hái rau nấu canh, chúng tròn mắt, rồi bắt chước tranh nhau hái rau về bảo cũng để cho mẹ nấu canh, khiến con ngõ tập tàng bỗng ríu rít hẳn lên.
Lực ngồi bó gối một mình, phì phèo điếu thuốc giữa ngõ nhỏ tìm cảm hứng. Nhìn ra xa chỉ thấy một mầu xanh tập tàng quen thuộc mời gọi. Là họa sĩ nghiệp dư, Lực đang dự định sẽ vẽ một bức tranh để tham gia một triển lãm tranh về đề tài “Mùa xuân”, nhưng nét cọ của anh dạo này trì trệ, ảm đạm như cây bàng mùa đông, không có một chút chồi non lộc biếc nào, tự mình nhìn tranh của mình đã thấy chán, anh vẽ rồi lại xé bỏ, lại vẽ, lại bỏ... buồn não nề, chán chường như cái phòng tranh dạo này vắng khách.
- Chú ơi, chú có gì bán không?
Một tiếng nói trong trẻo cất lên làm anh giật mình. Giữa mầu xanh miên man của con ngõ nhỏ hiện ra một cô gái trẻ, cặp má hồng, đôi mắt đen tròn, đang dắt xe đạp đi vào, miệng nhoẻn cười tươi như cánh hoa đào mùa xuân, đằng sau chiếc xe đạp đã lỉnh kỉnh những đồ đồng nát và mấy cái vỏ bao không. Cô nàng dong xe từ đầu ngõ, nên tịch không có tiếng động nào, cho đến khi cô chào hàng Lực mới giật mình.
Lực ỡm ờ:
- Có bán. Chỉ sợ em không đủ tiền.
- Cháu mua cái gì cũng có giá cả hẳn hoi, chú không sợ hớ đâu.
- Thế em định mua cái gì?
- Nhựa, giấy vụn, sắt, nói chung là đồ đồng nát ạ.
- Thế đồ chưa nát nhưng cũng sắp bỏ đi thì có mua không?
- Là cái gì hả chú?
- Là anh đấy. Sắp nát rồi.
Cô gái lúng túng:
- Chú vui tính q
- Em đừng gọi an
Cô gái dựng xe vào tường, đổi giọng ngọt ngào:
- Cháu sợ xưng hô không đúng chú lại mắng. Lúc sáng cháu gọi một người là anh mà bị quạt cho một trận, bác ấy mắng rằng tao đáng tuổi bố mày mà mày dám gọi thế à, đến bây giờ đen đủi vẫn chưa mua được thêm cái gì. Dạ… chú…. à anh… có gì bán cho cháu…à em không để em vào nhặt nhạnh luôn?
Lực lại rít một hơi thuốc, thủng thẳng:
- Anh bán anh đó, có mua không?
Nghe vậy, cô gái đỏ ửng cả mặt.
- Dạ, anh vui tính quá.
Khi cô gái vào trong vườn đi lượm nhặt từng lon bia, mảnh giấy, chai lọ, anh vẫn đứng tựa cửa theo dõi từng cử động của cô ta và thắc mắc tại sao cái cô này đi buôn đồng nát mà lại không rao, chỉ hỏi, thế thì làm sao mua được hàng, thảo nào mà sau xe mới có vài thứ linh tinh. Thấy cô gái có vẻ thật thà, nhanh nhẹn, anh bảo cô vào trong nhà tự thu dọn những đống giấy lộn vứt lung tung mỗi góc một ít, những chiếc lon bia từ một tuần nay anh và nhóm bạn ăn nhậu vẫn lưu đầy thùng rác. Cô gái vâng dạ rồi nhanh nhẹn thu dọn, được ít nào cô mang ra ngoài cổng để, không dám để trong sân nhà anh vì sợ dây bẩn ra sân. Chiếc bàn được cô gái sắp xếp lại gọn gàng, thùng rác sau khi nhặt nhạnh cũng được đem rửa rồi mang để lại đúng vị trí.
Nhìn cô gái thu lượm, Lực chợt nhớ đến Hạ, người yêu đầu tiên của anh. Gian nhà này mới có mỗi Hạ là khách nữ, đến đây chơi và cũng hay lúi húi dọn dẹp nhà cho anh, sau đó Hạ ngồi chỗ ghế gỗ kia để cho anh vẽ. Không biết bao nhiêu bức tranh do Hạ làm người mẫu gửi lên các triển lãm và phòng tranh đều bán được. Thế mà mọi cái đã thành dĩ vãng, giờ thì Hạ lấy chồng, hai người chia tay nhau chỉ vì những lần tranh luận về quan điểm sống khác nhau, bao giờ Hạ cũng đòi thắng, nhưng một lần Lực nhất quyết không nhường, đó là lần Lực mời Hạ thử nếm món canh tập tàng.
- Canh gì thế anh, sao em chưa từng ăn bao giờ?
- Em ăn đi, ngon lắm, về ngõ này làm dâu em sẽ được ăn nó nhiều.
Hạ rón rén thử một thìa canh, lúc lâu mới nuốt hết, cô rên rẩm:
- Chẳng ra cái vị nào cả, anh nấu rau gì đấy?
- Dền cơm, sam, mồng tơi, lá lốt, lá lang… canh tập tàng đấy em ạ, anh hái ở ngoài ngõ.
- Giời ơi, anh hái mấy thứ rau dại vớ vẩn ngoài ngõ mà nấu canh ăn ư? Sao có thể ăn linh tinh như thế được, mất vệ sinh quá!
- Đây là món canh tập tàng mà em, anh ăn từ bé, cả nhà anh rồi cả xóm cũng hay hái rau về ăn như thế. Thỉnh thoảng nhớ lại ngày xưa, anh lại cứ thích ăn, cái vị hỗn hợp của nó không lẫn vào đâu được.
- Anh ở trong cái xóm nghèo kiết xác chẳng có gì ăn mới ăn lăng nhăng như thế, chứ còn ai ăn kiểu người nguyên thủy như cái xóm này nữa đâu?
Nhìn thấy thái độ khinh thường của Hạ với xóm của mình, Lực đập bàn đến rầm, bát canh tập tàng vừa múc còn bốc hơi, sóng sánh rồi đổ tràn xuống mâm.
- Em không được nói như thế!
- Con người anh không thay đổi thì cả đời ăn thứ bờ bụi này, lại còn muốn em về làm dâu cho ăn suốt cái thứ cỏ dại này là muốn em chết không ngóc đầu lên được hả?
Hạ đứng bật dậy định giận dỗi bỏ đi, như mọi khi là Lực sẽ nhún nhường xin lỗi, nhưng lần này anh hét lên:
- Tôi chỉ có như thế đấy!
Thế là giận dỗi, rồi chia tay… Sau những cuộc chia tay, con gái bao giờ cũng muốn giành thế thắng hơn nữa, đó là phải nhất quyết đi lấy chồng ngay, để thể hiện trên một nước, cho biết tay, nên Hạ lấy chồng sau khi chia tay chưa đầy hai tháng. Còn đàn ông thì hậu một cuộc tình là trạng thái buông chèo thả trôi, Lực lao vào vẽ phong cảnh, dưới mỗi bức tranh của anh bao giờ cũng lúp xúp mầu xanh của tập tàng.
- o O o -
- Anh ra cổng để cùng cân hàng nhé! Giấy ba ngàn, nhựa năm ngàn, lon bia thì ba trăm đồng.
Lực mang giá vẽ theo cô đồng nát ra cổng, rồi lúi húi vẽ.
- Của anh tất cả là sáu tám ngàn. Anh tính lại xem đúng không?
- Không c
Cô gái định đem trả tiền cho Lực. Thấy anh đang vẽ, thì kêu khẽ:
- Anh đang vẽ đấy ạ? Để em thu dọn xong đi về thì anh hãy vẽ có được không, cái ngõ đang bừa bãi thế này…
- Nhưng anh thấy có cái để vẽ, em cứ làm việc của em đi.
- Ngày xưa em đi học qua đây cũng thấy anh hay đứng vẽ ở đầu làng, hôm nay mới được vào phòng tranh của anh, đẹp quá. Sau này anh có đồ gì cũ nhớ để cho em đấy nhé, hoặc là mẹ em, mẹ em gầy nhỏ, thường đi chiếc xe đạp cũ mầu đỏ này.
Cô gái cố gắng nhanh tay hơn, đồ đạc đã được chằng lên xe đạp đi, cũng là lúc Lực đã phác qua những nét vẽ cơ bản cho một bức tranh, cô gái đang ngồi thu gom đồng nát, đôi mắt to tròn chăm chú đếm, cân những loại hàng phế phẩm dù rất nhỏ lẻ. Chung quanh cô những giấy, báo, nhựa, lon bia… Lực phết những mảng mầu khác nhau trông như những cánh hoa lạ xếp từng chồng, sau lưng cô gái con ngõ với cỏ cây tập tàng xanh mướt cứ miên man.
Sau khi đã hoàn thành chi tiết cuối cùng cho bức tranh, anh ngả người ra ghế chiêm ngưỡng. Mùa xuân đang cựa mình từ chính nơi đây, mùa xuân bắt nguồn từ những thứ bình dị nhất, nhỏ bé nhất của cuộc sống, từ đôi bàn tay cần lao của người lao động khiến cho những thứ tưởng là phế phẩm bỏ đi lại hồi sinh để luân hồi trong kiếp sống nhân sinh. Anh đã từng say mê với trường phái lãng mạn, những gì trong tranh của anh bao giờ cũng là lý tưởng. Cô gái trong tranh của anh bao giờ cũng đẹp khiến cho người xem dâng trào cảm xúc ngây ngất khi thưởng ngoạn. Nhưng khi cô gái ấy ra đi, ra đi cả trong tranh lẫn trong cuộc đời thực của anh, anh không thể vẽ được những bức tranh như thế nữa. Cảm hứng sáng tác của anh chuyển hướng. Anh thích vác giá đi đến những khu chợ, đến những cánh đồng có thợ cày thợ cấy, đến triền đê có trẻ thả diều…
Treo bức họa cẩn thận lên giá vẽ, Lực nghĩ phải tự thưởng cho mình một bữa tươi tỉnh, anh gọi bạn đồng nghiệp là Giang sang ngắm, cùng bình luận và cùng nhau vui vẻ. Anh đi tìm cái ví. Mọi lần vẫn để ở ngăn kéo. Tất cả giấy tờ như chứng minh thư, bằng lái xe, thẻ ngân hàng và còn hơn triệu đồng tiền tiêu vặt để cả trong đó, nhưng tìm mãi không thấy. Anh xới cả chồng sách vở trên bàn, lật cả gối chăn, lục các túi áo cũng không thấy tăm hơi cái ví đâu.
Anh chột dạ. Cô gái. Cô gái mua đồng nát chăng? Chẳng có ai vào phòng anh, tối qua cái ví vẫn còn. Chắc trong một lúc anh lơ là, cô ta đã cuỗm luôn. Tiền thì không nhiều, nhưng quan trọng hơn nữa là giấy tờ… Mắt anh đập vào bức họa vừa hoàn thành, cổ họng nghẹn ngào như có ai đang bóp chặt không cho anh thở…
Tiếng chuông cổng vang lên inh ỏi, liên tục mấy hồi. Anh chậm chạp lê từng bước ra.
Sau cánh cổng, cô gái lúng túng:
- Anh ơi, lúc sáng em sơ ý không biết trong túi giấy lộn ở góc nhà anh có lẫn cái ví này. Về nhà kiểm lại hàng để mang đi giao em mới thấy nó.
Cô gái mua đồng nát đứng khép nép bên cánh cổng, má còn đỏ hơn cả hồi sáng, đôi mắt đen ngượng nghịu.
Rồi cô nhìn xuống đất. Lực cũng nhìn xuống, những ngọn rau tập tàng như đang muốn vươn ra quấn lấy chân hai người. Anh tự trách mình, con người ta thường mắc sai lầm là hay quy tội lỗi cho người khác.
Anh cảm thấy ngượng nghịu, khi chìa tay cầm lấy cái ví:
- Không phải xem. Em đã mang tới tận đây rồi cơ mà.
Nhưng cô gái dứt khoát:
- Không được, anh cứ kiểm tra đi.
Anh đành mở ví, mấy thứ giấy tờ quan trọng vẫn còn, cả hơn triệu bạc vẫn nguyên trong ví, nhìn cô gái đang căng thẳng chờ đợi.
- Còn nguyên vẹn cả chứ ạ?
- Một số thứ còn nguyên, nhưng…
- Nhưng… sa
- Nhưng có một thứ không còn nguyên…
- Là thứ gì? Em có lấy cái gì của anh đâu?
Lực mở ví ra, ở ngăn ngoài cùng có hình một trái tim bị gập đôi lại, anh chỉ vào đó, nói:
- Cái này đã không còn nguyên vẹn này.
- Anh chỉ hay đùa, làm em toát cả mồ hôi.
Cô gái buông lại câu nói rồi lên xe định đạp đi, nhưng khi mắt cô vừa thư thả chạm vào hai bên bờ cỏ thì cô thốt lên:
- Ôi, nhiều rau tập tàng quá mà chẳng ai hái, anh… cho em xin một nắm về nấu canh nhé!
- Em cũng biết món canh này cơ à?
Lực nghe giọng mình háo hức lạ.
- Đó là món ăn nhà em rất thích.
- o O o -
Giang đến, chưa vào đến nhà, đã oang oang:
- Có việc cho ông rồi đấy, chuẩn bị đi làm cho hết cảnh vật vờ như bóng ma thế này.
- Việc gì?
- Tôi liên hệ được với ông Kha, ông ấy đang mở lớp dạy vẽ, đông học trò lắm, đang cần thêm người đấy, tôi vừa nhắc tới ông, ông ấy gật đầu ngay. Ông có thể thu xếp đi dạy vào ngay chiều nay, và chiều chủ nhật.
Thật là một ngày may mắn với Lực, cả hai hết ngắm tranh lại uống rượu cho đến tận chiều.
Lực được Kha dẫn vào lớp học giới thiệu, chợt phát hiện ra học trò Huệ đi muộn, Kha cau mày khó chịu, phê bình ngay trước lớp. Mấy phút sau, cánh cửa khẽ mở, cô học trò xuất hiện, vừa nhìn lên chào thầy, đã làm cho Lực tròn mắt ngạc nhiên, khi nhận ra cô gái đồng nát ban sáng.
Kha vỗ vai đánh bộp:
- Đây là Huệ, lớp trưởng lớp vẽ này, cô bé có đam mê, đã thi vào kiến trúc chỉ thiếu nửa điểm nên đang muốn “chiến đấu lại đấy”. Duy có điều hay đi muộn nên phần học thầy Lực phụ trách này, thầy nhớ “điều trị” tật ấy cho tôi.
Huệ nhìn thầy giáo mới, hai má bỗng ửng đỏ khi nhận ra anh họa sĩ ở ngõ tập tàng, cô đánh mắt ra ngoài khung cửa sổ, trên cành bưởi nở trắng hoa sớm, mấy chú chim sâu lích chích chuyền cành.
Kết Thúc (END) |
|
|