Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Chuyến Nhảy Dù Tác Giả: Trần Nguyễn Anh    
    
    Bác Tiêm nguyên công tác bên ngành nhảy dù. Tôi đi viết báo, tìm tư liệu thời chiến tranh, hay gặp bác ở con phố nhỏ ven hồ Tây để nghe kể chuyện. Bác Tiêm bảo: “Người ta cứ nói bộ đội dù phải khỏe, nhanh nhẹn, dũng cảm, bắn súng hai tay, bơi lội giỏi, hành quân giỏi, tác chiến mọi địa hình. Nhưng phẩm chất quan trọng nhất của người bộ đội dù chính là sự lãng mạn, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đã làm nên người bộ đội nhảy dù”.
    Trong số học trò của bác có anh tên Mai, người miền trung, nghe đâu ở Huế. Gia đình Mai đi theo cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, mấy đời lưu lạc từ tận bên Lào mà về tới Việt Nam. Thật sự Mai lớn lên không biết đến Huế, đến miền trung. Chiến tranh cách trở, dòng sông Bến Hải tạm chia đôi miền. Những lá thư cứ gửi đi, gửi lại mà chẳng bên nào nhận được. Lâu lâu nghe một điệu hò điệu lý bồi hồi gợi cảnh cố hương. Quê hương cứ như cổ tích.
    Gia đình tập kết, neo người như Mai, được ưu tiên lắm. Ra bắc, muốn học trường nào, ở đâu, nguyện vọng ra sao, đều được ưu tiên xét trước. Bạn bè cùng lứa nhiều người tu học nước ngoài, hẳn cơ cấu sau này đất nước thống nhất sẽ làm chức vụ quan trọng. Một số khác cũng được phân bổ về các lâm trường đời sống khá ổn định, tránh được bom đạn. Ai cũng biết gia đình mấy đời theo kháng chiến tổn thất hy sinh nhiều, vậy nay ưu tiên. Người ta bảo anh Mai: “Đồng chí thấy ngoài này cô nào xinh, hợp với đồng chí, cứ nói, tổ chức sẽ vun vào. Sớm ổn định gia đình, yên tâm công tác”.
    Ấy vậy mà khi nghe tin qua người thân đi tuyển vào đơn vị bộ đội dù mới thành lập, Mai gác mọi kế hoạch học hành, gia đình xin vào đơn vị. Thanh niên lại được học hành tốt, sức khỏe tốt, muốn cùng bạn bè cống hiến cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Không quản ngại hy sinh, không ỷ vào truyền thống gia đình để xin xỏ, đòi hỏi. Mai hiểu rằng ai cũng muốn nước mình sớm được thống nhất, nhưng thống nhất không tự nhiên đến, mà người ta phải đấu tranh cho ngày đó, con người ta phải tìm đến với nhau. Chẳng có câu: “Gần nhà xa ngõ”, “xa mặt cách lòng” đó sao. Ví thử không thống nhất đất nước, hai miền cách nhau một con sông, mãi thế, đời này qua đời khác, chẳng phải con người quên đi cả nguồn cội của mình? Con chim quên tổ, con người quên quê hương, cuộc đời buồn bã lắm.
    Khi thầy Tiêm hỏi Mai: “Cậu có thể chọn nhiều đơn vị và binh chủng, bộ đội dù rèn luyện vất vả, cực kỳ nguy hiểm. Chưa kể binh chủng này thực hiện nhiều nhiệm vụ khá đặc biệt, ít người biết, hưởng vinh quang ít và thử thách lại nhiều hơn”. Thầy còn khuyên Mai nên thi tuyển phi công, như vậy sẽ được nhiều người biết tên. Bộ đội dù, nhiều khi công việc bí mật đến người yêu còn chẳng biết tí gì. Việc khen thưởng lắm khi chỉ trong đơn vị biết với nhau thôi.
    Mai bèn bảo thầy: “Em thích đi bộ đội dù. Em muốn được nếm trải cảm giác từ trong đám mây mù từ từ đặt chân lên quê hương em. Mảnh đất ấy em chỉ biết qua lời kể của mẹ. Chúng em xa quê bao nhiêu năm ròng rã. Chờ đợi ngày về mòn mỏi, khắc khoải từng đêm. Nhìn lên bầu trời sao, biết rằng người trong nam cũng nhìn lên, cũng cùng thấy đó. Mà gặp được nhau khó khăn biết mấy”.
    Người thầy bảo: cuộc chiến tranh còn dài còn khó nói trước được điều gì. Ai cũng mong nam bắc mau về cùng chung tổ ấm, không bom đạn, không hằn thù, không nghi kỵ, như bao nhiêu năm trước kia chưa có kẻ thù ngoại bang xâm lược. Nhưng vết thương nào không đau và nỗi đau nào không chua xót. “Đã quyết vậy, Mai phải cố gắng nhiều. Cuộc sống không như bài thơ mà mình muốn viết thế nào nó thành như thế ấy. Hãy biến ước mơ đẹp thành một cái kết đẹp”. Anh Mai không nói nhiều, bụng mừng lắm.
    “Có lẽ con sắp được về Huế rồi mạ!”. Ở nhà, theo truyền thống gia đình, anh gọi mẹ là mạ. “Răng mi biết?”. Mẹ anh tò mò: “Cách chi cho tau đi với”. Mai lắc đầu: “Con đoán rứa thôi. Nhiệm vụ ni khi mô đi mới biết. Mấy hôm ni con thấy qua cách tập luyện, cách nói chuyện, nghe đài báo đưa tin chiến trường, cộng thêm linh cảm, con nghĩ rứa thôi”. Mẹ anh lại bảo: “Để tau gửi vô trong nhà mấy thứ quà ngoài ni. Cả thư từ gửi cho các dì, các chú. Mang được ai ra nhớ mang hết cả đó”. Mai cười: “Con đi chiến đấu mà mạ cứ nghĩ như con đi du lịch rứa. Con mang theo ảnh của mạ, để mọi người nhận họ hàng, cho con vô trong nhà thờ”. Mạ anh lại cười: “Thằng ni hay đáo để, chục năm rồi tau có chụp ảnh mô nờ”.
    Cố anh trước thích đàn nguyệt, ước chi hòa bình, Mai vô ngồi trước mộ cố, đàn bài nhạc dân ca. Nhưng lần này anh vô mang theo nhiều lương thực, thả vào thành nội, tiếp tế cho đồng đội đang kẹt trong thành. Một số đồng đội cũng được trao nhiệm vụ nhảy dù, phá vây cho các đồng đội. Chiến tranh thật khốc liệt, đồng đội của Mai thiếu cả lương thực và đạn sau nhiều ngày bị đối phương vây hãm. Họ không thể phá vây ra ngoài, dù quãng đường đến vùng an toàn cũng không phải quá xa. Hơn nữa, đơn vị của Mai cũng sẽ chứng minh cho người dân nội thành Huế biết rằng dù gian khổ đến mấy thì các anh cũng không bao giờ để đồng đội của mình trong vòng vây.
    Những chuyến bay đêm bắt đầu. Chiếc máy bay chở Mai và các bạn của anh men theo các rặng núi tiến vào trung tâm thành phố với tốc độ vừa phải. Những lưới đạn từ dưới đất đỏ rực bay lên. Lần đầu tiên người ta nghe thấy tiếng máy bay của bộ đội ngoài bắc. Súng càng nổ nhiều người ta càng tin vào điều lạ thường ấy. Máy bay đã vào tới nơi rồi. Vào đến Thành Nội rồi. Những chiếc dù bung ra, vũ khí, lương thực rơi vào trận địa nơi các đồng đội Mai đang chờ đón.
    Mai đã tận mắt nhìn thấy quê hương mình, thành phố thân yêu của anh, như trong câu chuyện cổ tích hiện ra với dòng sông Hương trôi lờ lững, bên thành quách nghiêng mình soi bóng.
    Những làng quê trải dài bên cửa biển và những lăng tẩm đền đài trầm mặc uy nghi nơi núi non. Hình ảnh quê hương hiện lên giữa những làn đạn và những phát súng dẫn đường, trong ánh chớp lửa và tiếng nổ rung chuyển mọi ngóc ngách từ đất đai cho đến không trung.
    Chung, người chỉ huy của Mai nói rằng “Trong số đạn kia không biết lẫn vào đạn của quân ta không? Bởi chuyến thả dù này hoàn toàn bí mật, hơn nữa rất ít người tưởng tượng được cảnh máy bay ta lại tung hoành trên Đại Nội”. Không sao, chỉ vài loạt đạn, nghe tiếng súng rối loạn của đối phương, mọi người sẽ mừng vui bởi quân ta đã xuất hiện ngay giữa muôn trùng vòng vây lớp lớp của quân thù. Họ đang vỗ tay chào mừng những người bạn của mình từ binh chủng đặc biệt mà họ cũng mới chỉ nhìn thấy lần đầu tiên.
    Trong chớp lòe anh vẫn đi tìm những đốm lửa bé nhỏ chờ đợi lương thực tiếp tế trong Thành Nội. Kia rồi, những đốm lửa được đốt theo ám hiệu. Liên tục dù thả đúng vị trí, một vài chiếc dù lương thực được thả hẳn ra khu dân cư như một món quà đặc biệt dành cho các cơ sở trong nội thành và những người dân yêu nước đã kiên cường đấu tranh cho thống nhất. Bộ đội dù đã thả dù chính xác như trong một cuộc hội thao quốc tế.
    Mai nhìn thấy trước mắt anh chiếc máy bay cùng đơn vị đang xuyên qua lưới lửa. Đạn bắn xoẹt qua máy bay tóe lửa. Những chiếc máy bay vận tải kiên cường vẫn hướng về phía kỳ đài đang chìm trong đất đai tung tóe do những đợt pháo kích hủy diệt. Ai đó chạy ra khỏi những ngôi nhà lợp ngói bên vườn cây xanh lá và ngước nhìn lên cao. Người cậu, người cô của anh đó chăng? Họ nhìn thấy anh không?
    Mai muốn chào mọi người mà nhiệm vụ của đơn vị bộ đội dù lại là bí mật. Không sao, anh đã nhìn thấy họ. Anh đã nhìn thấy những hiệu sách, những trường học, những phố xá và cả những hố bom hố đạn ngổn ngang. Anh sẽ không rơi lệ bởi vì tất cả. Quê hương anh đã trải dài dưới những cánh bay và được nối liền bằng những cánh dù từ nơi xa bên kia giới tuyến.
    *
    * *
    Thầy của Mai, sau chuyển sang ngành thể dục thể thao, phát triển môn dù lượn. Với các nước văn minh, môn dù lượn phổ biến. Người ta mặc sức bay lượn ngắm thiên nhiên, phong cảnh thật hữu tình. Ông đã sống sót qua chiến tranh trong khi một số học trò mình đã ngã xuống. Ông thường nhắc tới họ, mặc dù chính ông cũng đã suýt hy sinh trong khi huấn luyện vì những trục trặc kỹ thuật.
    Hòa bình và thống nhất đã tới mà Mai không kịp mời nhiều đồng đội anh về thăm xứ Huế. Một số người bạn thân thiết của Mai trong đơn vị hy sinh ngay trên quê hương anh, trong những chuyến thả dù năm ấy. Mỗi lần nhắc tới họ, anh lại thấy họ như những đám mây là là bay đó bay đây, bất chợt tan thành sương đậu cành lá xanh biếc. Anh vẫn nhớ những nụ cười của họ trong buổi chiều ầm ầm tiếng súng. Nụ cười thay mọi lời chào.
    Khác với trù tính của nhiều người, sau khi thống nhất, mạ của anh vẫn ở lại ngoài bắc. Với bà, quê hương mãi không mất đi đâu cả. Bà về thăm, rồi lại ra bắc. Quê hương không bao giờ thay đổi. Đất nước là vĩnh cửu. Mai cũng vậy. Anh chiến đấu, anh vào bộ đội binh chủng dù không phải chỉ vì được về nhà bằng những chuyến bay. Anh chỉ mơ ước điều đó, như mọi mơ ước trên đời, mà không hẳn tin điều đó là sự thật. Chuyến đi thả dù với anh bất ngờ, đột xuất, khó tin, như thể một bài thơ ta chưa đọc thấy bao giờ.
    Ngày thống nhất, anh về quê trên chiếc xe khách, với giấy thông hành qua cầu Hiền Lương. Người làng đón anh, như đón một đứa con bé bỏng. Bằng cách nào đó mọi người đều biết trên đời này đã có anh, tên như vậy, đi bộ đội, mà không ai biết ở binh chủng nào.
    Làng anh chẳng còn gì ngoài những chiếc cầu gãy và ruộng đồng đầy hố bom, mảnh đạn. Hàng trăm trận đánh từ thời Pháp đến giờ, hỏi còn chi sống sót nổi ngoài con người. “Làng ta đã bị bom đạn cày xới hết cả rồi” - người chú anh nói như thế. Ông là bộ đội địa phương, cũng thương binh như anh. Ông chú bảo: làng nào càng chiến đấu nhiều, càng lắm nguy cơ bị bom đạn hủy diệt. “Chú chẳng có lỗi gì cả” - Mai nói - “nếu con ở nhà, con cũng sẽ theo chú”. Người chú không nói gì, đôi mắt bất chợt đỏ hoe.
    Có tiếng động cơ ầm ĩ trên đầu. Họ cùng ngẩng lên và thấy chiếc máy bay dân sự chở khách du lịch, chở người về thăm quê sắp hạ xuống sân bay thành phố. Người chú bảo: “Ngoài đó, đi bộ đội, con lái máy bay à?”. Anh đáp: “Không, con là bộ đội nhảy dù”. Hẳn lần đầu tiên chú nghe đến binh chủng bí mật này nên định hỏi câu gì đó rồi lại thôi.
    Chia tay chú, Mai hứa sẽ thường xuyên về thăm quê hương. Thành phố đổi thay nhiều và làng quê thanh bình trở lại. Thành phố của anh có rất nhiều công trình văn hóa lịch sử, một địa chỉ du lịch nổi tiếng. Chú anh nói: “Giờ máy bay ngày mấy chuyến, xa mấy cũng thành gần”.
    Trời đã về chiều và những đám mây xa xa nơi dãy núi đầu nguồn sông Hương cũng tắt nắng như năm nào. Núi như mái tóc mẹ già trải gió sương. Mai hứa với ông chú nơi đầu làng: “Vâng, con sẽ về bằng máy bay”.

Kết Thúc (END)
Trần Nguyễn Anh
» Gia Đình Làng Quê
» Một Chuyến Nhảy Dù
» Tiếng Sáo Nơi Lưng Trâu
» Đảo Nước Mắm
» Những Chuyến Tàu Chở Tết
» Chuyến Xe Qua Bão Ngọt Ngào
» Vóc Dáng Quê Hương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết