Một đặc trưng điển hình cho sinh hoạt xã hội của người Việt, đó là cái chợ. Nó hiện diện từ tấp nập đô thị đến những nơi hẻo lánh vùng xa. Và phong phú đa dạng đến mức, gần như không có cái chợ nào lại giống cái chợ nào. Miền núi có cái lãng mạn hoang sơ của miền núi, miền biển có cái phóng khoáng đậm đà của miền biển. Có thể nói, chợ Việt chính là chỗ kết tụ lắng đọng văn hóa độc đáo của từng vùng. Khách phương xa tới một nơi đất lạ, thì một trong những đệ nhất thú là được đi chơi chợ. Không có gì dễ làm người ta thấu hiểu cộng cảm với vùng đất đó bằng chợ. Không phải ngẫu nhiên mà với từng người dân bản địa, đặc biệt là ở những vùng cao, mỗi một phiên chợ là một lễ hội.
Chủ nhân của chợ, đương nhiên là những người mua và bán ở đấy. Do tập tính của một nền kinh tế tiểu nông, thao tác buôn bán chính ở chợ Việt vẫn là lẻ và nhỏ. Nó tạo ra một văn hóa rất riêng và đôi lúc thăng hoa thành tâm tính thuần Việt. Nó có thể là một kiểu cách hơi “chanh chua” khi “mặc cả” hay nói thách ở các chợ miền xuôi. Hoặc có thể hồn nhiên khăng khăng giữ giá “bất cần lý” ở các chợ miền ngược. Nhưng cao hơn hết vẫn là một thuần hậu chữ “tín”, nhất là trong quan hệ giữa các bạn hàng ngồi buôn chung chợ. Kể cả giờ đây, khi ở những thành phố lớn đã nhan nhản những siêu thị sáng choang lấp lánh tối tân mầu sắc thì cái văn hóa đó tuy có phôi phai nhưng không hề mất. Và điển hình cho những nét tính cách này thường rất dễ thấy ở những bà những cô khoảng từ băm nhăm đến sáu nhăm có thâm niên ngồi ở các chợ trong phố Hà Nội. Ngày xửa xưa, họ đã được những nhà văn tầm cỡ Thạch Lam Vũ Bằng miêu tả rồi. Sắc sảo, tần tảo, nhu hoạt, thương chồng chiều con. Ngày nay đại loại họ vẫn thế thôi, bởi họ là đời thứ hai đời thứ ba. Thậm chí hiếm hoi như bên ngoại của kẻ viết bài này, nối nhau bốn đời chuyên ngồi chợ Đồng Xuân. Thật may mắn được là đứa con trai sinh ra từ một gia đình như thế.
Nhân nhắc về chợ trong phố, thì cũng xin được nói luôn, Hà Nội có một thời gian dài, chính danh được gọi là Kẻ Chợ. Đám người phương Tây, lần đầu tiên tới đất Việt, thích cái chữ này lắm. Những biến âm của nó, được thấy nhan nhản trong các tư liệu lịch sử thời kỳ đầu thực dân “cachao, catchou, kacho, kichou...”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết “cho đến thế kỷ 16, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ, còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”. Ngày xưa, cũng chưa hẳn xưa lắm, chợ thường họp ở cửa ô, cửa thành hay bến sông. Ngày nay, những “bãi bể” ồn ào nhếch nhác ấy theo thăng trầm thời gian đã thành những phố “nương dâu” nhang nhác văn minh. Có phải thế chăng mà một đặc điểm dễ thấy của chợ ở Hà Nội là luôn chìm nổi cùng với phố. Hình như từ đó mà có chữ “chợ búa”. Theo học giả An Chi thì “Búa thực ra là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ có âm Hán Việt hiện đại là Phố, có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Ở Hà Tĩnh người ta vẫn gọi những chợ nhỏ là Búa”. Nếu đúng là vậy thì lịch sử của phố cổ Thăng Long cũng chính là lịch sử của những cái chợ. Không phải ngẫu nhiên mà trong tính cách của từng thị dân Hà thành, kể cả những người kinh lịch dày dặn chữ nghĩa, cũng luôn đầm đậm một chất “chợ búa”.
Thực ra điều này cũng đâu phải ngẫu nhiên, bởi đơn giản nó đã được thời gian che chở. Theo sứ giả người Tàu là Trần Phu ghi trong “An Nam tức sự” thì ngay từ đời Trần, cả thành Thăng Long đã là một chợ lớn. “Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bầy la liệt. Hễ cách năm dặm thì dựng một ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ”. Những thế kỷ tiếp sau, nhất là ở các giai đoạn chế độ phong kiến thịnh trị, số lượng chợ luôn bạt ngàn tăng. Vào cuối thế kỷ 18, cảnh họp chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông, khoảng phố Hàng Buồm ngày nay) được coi là một trong “bát đại cảnh sinh hoạt”, Phạm Đình Hổ có ghi lại ở “Vũ trung tùy bút”. “Là một chợ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta lấy hết cả”. Như vậy có thể thấy, việc móc túi ở các chợ trong phố đã có hẳn một chiều dài lịch sử, nó sắc sảo tạo ra một câu thành ngữ khét tiếng “nhanh như ăn cắp chợ Đồng Xuân”. Nạn nhân hầu hết là người ngoại tỉnh, cho dù thuộc lòng cái câu thành ngữ kia. Tay trái giữ túi trên, tay phải bịt túi dưới, nhưng chỉ cần hơi lơ đãng lập tức sẽ bị “thó”. Mà kẻ cắp chợ Đồng Xuân thì tài hoa thật, đủ ngón đủ nghề đủ loại. Trong đám đấy, chiếm số lượng không ít là phụ nữ. Hoặc cao ráo chân dài như mấy em người mẫu, hoặc lầm lỳ tinh quái vô cảm như Tám Bính ở mấy chương cuối của kiệt tác “Bỉ Vỏ”. Khi bị bắt phải lăn tay, hầu như các em đều có đủ hoa tay ở mười ngón. Xuất xứ đa phần đều đáng thương, đại loại hoàn cảnh hao hao như chị Bính hồi chưa lấy Năm Sài Gòn.
Ở Hà Nội vài mươi năm lại đây, ngoài lừng lẫy cỡ như Đồng Xuân-Bắc Qua hay kém hơn một tý, chợ Hôm-Đức Viên thì còn vô số những chợ cóc, chợ tạm, chợ đuổi... (người ở Hà Nội ít dùng chữ chợ dù). Và ở những chợ đó cũng không hẳn chỉ là thế giới riêng “của hai đàn bà và con vịt”, nó còn có nhiều đàn ông ngồi bán. Sau hồi bao cấp, đàn ông thường ngồi bán lẻ ở những loại chợ “mới” như chợ Giời hay chợ xe đạp xe máy, phần lớn có vẻ ngoài phóng khoáng ngầu ngầu anh chị. Hỗn danh “con phe chợ Giời” khét tiếng chẳng kém gì “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Bọn họ xuất xứ khá tạp. Có thể là đi bộ đội nửa chừng về. Có thể là vỡ nợ xuất khẩu lao động về. Cũng có thể hết hạn từ một trại nào đấy về. Lấy đâu ra trong trắng sinh viên, ngơ ngác cán bộ hay bơ vơ thi sĩ mưu sinh. Chính vì ồn tạp như thế nên không khí của những chợ trong phố của dạo ấy kha khá giống văn đàn ở ta như lời một nhà thơ cám cảnh. “Những tưởng đầu đường thương xó chợ. Ai ngờ xó chợ cũng tương nhau”. Có điều, ngược với tính cách “hơi bị giang hồ”, bọn họ thường yêu chung thủy, nhất là những cặp vợ chồng cùng đứng bán chung một mặt hàng.
Thị trường bán lẻ Việt vài năm gần đây đang lao đao bởi nhiều lý do. Khách quan thì đến từ những mưu tính từ các “siêu” thương hiệu của các hệ thống siêu thị nước ngoài. Bọn họ đã và đang lăm le chiếm giữ nhiều thị phần bán lẻ nằm ngay trong những chợ đầu mối của người Việt. Nhưng đáng lo hơn là những nguyên nhân chủ quan của chúng ta trong cách quản lý một số chợ truyền thống. Đâu có phải cứ “ắp đết” lên đời những ngôi chợ thân thương tấp nập người mua người bán theo kiểu cũ, thành những siêu thị lộng lẫy nhưng vắng ngắt. Có thể do ai đấy đã hiểu nhầm hai khái niệm “văn hóa” và “văn minh”. Thí dụ dễ thấy nhất là khi chợ Hàng Da hay Cửa Nam lên đời thành siêu thị, cả hai đều đang lay lắt, ngắc ngoải. Văn minh chỉ là chuyện “cần”, văn hóa mới là chuyện “sinh tử”.minh họa: lê thiết cương
Kết Thúc (END) |
|
|