Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gia Đình Làng Quê Tác Giả: Trần Nguyễn Anh    
    Câu chuyện của một gia đình được tác giả đặt vào hoàn cảnh oái oăm, khi người vợ đi công tác ở thành phố, có cương vị và bằng cấp mà chồng lại ở nông thôn để chăm con và gia đình. Song bằng cái nhìn ấm áp tình người, với sự xử lý tâm lý và cách kiến giải các trạng huống truyện hợp lý, truyện ngắn Gia đình làng quê ai ai cũng có thể soi vào, để nhận ra được một điều giản dị rằng, hạnh phúc mọi gia đình sau hôn nhân vốn mong manh lắm, nếu không biết tựa vào sự nhường nhịn, hy sinh, hiểu biết của cả chồng và vợ.
    Lời bình của nhà văn Nguyễn Văn Thọ
    Không phải mùa mưa ngâu mà chính cơn mưa mùa xuân kết nối vợ chồng Cảnh. “Bao giờ mẹ về hả bố?” - ba đứa con cứ hỏi bố từ mùa thu. Cảnh lại bảo: “Mưa xuân bay lất phất mẹ con sẽ về”. Chúng bảo: “Mẹ giống như con chim én”. Đứa lớn bảo: “Nhỡ không có mưa xuân thì sao?”. Chàng giải thích cho từng đứa: “Mẹ không phải là chim, mẹ về bằng ô-tô. Mưa hay không, mẹ chẳng bị ướt, mẹ sẽ về”.
    Vợ chồng lấy nhau đã mười năm có lẻ mà Cảnh vẫn “gà trống nuôi con” ở quê. Họ quen nhau trong thành phố, người yêu của Cảnh lúc đó còn làm nghiên cứu sinh, đề tài về sự vận động của văn hóa đô thị. Cảnh hay đi thư viện, hai người gặp nhau ở trong quán cà-phê sau thư viện, dưới gốc cây đa trăm tuổi. Cảnh giỏi ngoại ngữ, thường giúp Phượng dịch mấy cuốn tài liệu nước ngoài. Một hôm trời mưa, chủ quán và nhân viên về hết, cô nghiên cứu sinh rét run, anh chàng thầy giáo bèn cởi chiếc áo của mình mặc cho cô. Từ đó Phượng mới thấy anh phiên dịch riêng của mình cơ thể thật đẹp, rắn rỏi, cân đối, mạnh mẽ mà không thô kệch. Cô bảo: “Anh rét quá thì cứ dựa vào em đi”. Trời tạnh mưa, họ khô ráo còn sách vở ướt hết cả.
    Ngay sau đám cưới, mỗi người đi một ngả. Họ bên nhau trọn vẹn đúng một tuần hai ngày, không tính thứ bảy, chủ nhật. Chẳng phải vì nhiệm vụ gì hệ trọng, Phượng phải lo bảo vệ luận án, còn Cảnh về quê chăm sóc bố mẹ già.
    Con chăm sóc động viên, mẹ qua cơn nguy kịch, từ đó, Cảnh không trở lại thành phố được nữa. Cảnh nghiên cứu thuốc Nam ta để chữa bệnh cho mẹ. Ngày ngày anh nấu cháo, sắc thuốc, đọc thơ cho mẹ nghe. Bố anh yếu, lẫn từ lâu, người bạn lớn của anh lúc này chỉ còn mẹ. Đôi khi mẹ cũng mệt, lại quên, hỏi: “Ảnh cưới của ai mà đẹp vậy con! Ước gì cô gái trong hình này là con dâu của mẹ”.
    Thật may mắn cho Cảnh, vợ anh thông cảm với hoàn cảnh của chồng, với lại cô cám ơn anh đang thay vợ làm công việc của người dâu hiền. “Xong việc em sẽ về với anh!”, Phượng nói như vậy trong mỗi lần về quê chớp nhoáng. Sau khi làm tiến sĩ, công tác ở một cơ quan nghiên cứu văn hóa, vợ anh càng phải đi công tác xa nhiều. Cô không muốn mang tiếng tiến sĩ giấy. Con cái đều đem về quê sống cùng ông bà. Mỗi năm trung bình tiến sĩ Phượng viết khoảng 3.500 trang nghiên cứu và phần lớn chúng được in ấn, được đánh giá cao. Cô từ bỏ thói quen viết thư mà thay bằng nhắn tin, dòng chữ ngắn gọn, kiên quyết, không dấu: “Tet em ve!”. Vâng, đúng Tết Phượng cũng về với chồng con. Người cơ quan cảm thông, bảo với theo: “Cô về Tết mà chẳng khác gì đi du lịch nhỉ. Chuyện gì vui, ra Giêng kể chúng tôi nghe”. Kể gì đây. Những đứa con của cô đều sinh ra trong cùng một tháng, bởi chúng đều được hình thành từ những chuyến về Tết. Sinh nhật của chúng được làm chung trong một ngày cho rôm rả.
    Phượng bảo chồng: “Anh hy sinh tất cả vì mẹ, còn em hy sinh tất cả vì sách”. Chồng cô bảo: “Em cứ yên tâm mà làm việc. Em chỉ cần hứa với anh một điều: khi về hưu em sẽ chuyển về quê sống với anh”. Phượng vẫn quyết đoán như mọi ngày: “Em xin hứa”. Vừa nói xong, lại điện thoại của bạn bè và cơ quan: Sao về quê lâu thế? Bao giờ chị lên? Ba hôm nữa là hội nghị quốc tế đấy em nhé. Đồng chí viết báo cáo đề dẫn xong chưa? Phượng lẩm bẩm: “Giới khoa học không có khái niệm Tết thì phải?”.
    Tết mà Phượng chạy tới chạy lui cả ngày. Cô thích đi đền thờ Mẫu, đi xem hát dân ca. Tới đâu, Phượng cũng phải bận rộn với tư cách một nhà khoa học uy tín nên gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí phát biểu trong hội diễn địa phương và một lễ hội truyền thống mới được khôi phục. Chiều Ba Mươi, về tới nhà, chồng đã làm cơm cúng xong rồi. Mấy đứa con được đi chơi theo mẹ, mệt nhoài, lúc giao thừa lay gọi mãi, không đứa nào dậy nổi. Khi chúng mở mắt thì đã sang năm mới rồi, òa khóc inh ỏi đòi làm lại giao thừa.
    Cảnh rất thương Phượng thiếu thốn tình cảm. Ngày về Tết, nhìn đàn con ríu rít, vợ anh không cầm được nước mắt. Lâu lâu lại bảo: “Mẹ nhớ các con quá”. Rồi lại bảo: “Khi nào các con lớn để làm việc cùng cơ quan với mẹ, cùng nhau đi sưu tầm tục ngữ dân ca”. Đứa lớn mới mười tuổi, bảo: “Mẹ cho con đi cùng nhé”. Nó bảo: “Con thích cái ô-tô mẹ mới mua. Ở nhà, trời mưa, bố chở xe máy chúng con đi học bị ướt lạnh lắm”. Phượng nói: “Thì mẹ cũng mới mua xe được vài năm chứ hồi trước mẹ đi cả trăm cây số điền giã đều bằng xe máy cà tàng con ạ”. Cảnh bụng bảo dạ: khi con trở thành nhà khoa học trẻ thì mẹ đã về hưu. Mải nghiên cứu nên khi vợ chồng gặp nhau họ đã đều ngoài ba mươi tuổi.
    
- o O o -

    Thứ tài liệu quan trọng nhất của Cảnh bây giờ không phải các cuốn sách nghiên cứu mới nhất của giới học giả phương Tây mà chính là việc viết gia phả. Anh giành nhiều thời gian học cổ ngữ và đọc, dịch, ghi chép về gia phả dòng họ của mình. Anh dùng vi tính để vẽ những cây phả hệ, mỗi gia đình tượng trưng một nhánh nhỏ, mỗi người là một quả. Người nào mất đi, anh lại vẽ một trái cây rơi xuống đất. Đứa trẻ sinh ra anh vẽ một mầm cây.
    Mỗi lần vợ về, tiếp khách, chào hỏi, anh phải nhắc nhở gọi đúng tôn ti người nào là cô, ai là chú, là dì. Vợ anh nôm na, thường gọi tất cả già trẻ nam nữ là bác. Chồng thì thường hiếm khi giới thiệu đầy đủ học vị tiến sĩ cũng như chuyên ngành nghiên cứu của vợ mình.
    Hồi mùa hè năm nay, Phượng về ngang nhà, đi trên chuyến tàu tốc hành, không ghé làng được. Ga ở quê chỉ tàu chợ mới dừng thôi. Cả nhà đèo nhau đi cả dăm cây số, ra đứng ở gần đường ray, chờ mẹ. Bây giờ điện thoại di động sẵn rồi, gọi í ới, lúc mất sóng lúc nghe không rõ. Tàu chạy qua quê, cả đoàn cán bộ khoa học áp mặt vào cửa kính nhìn đàn con của tiến sĩ Phượng. Bốn bố con Cảnh đứng bên chiếc xe máy cũ, bên vệ đường, vẫy chào mẹ và các cô các bác đi hội nghị. Mỗi người cầm một nhánh hoa dại trên tay. Cảnh gầy gò nhưng bọn trẻ khỏe khoắn hoạt bát. Chúng muốn chạy theo đoàn tàu nhưng bị bố trừng mắt. Phượng chuẩn bị cho cả nhà ít quà quần áo mới, giáo sư trưởng đoàn mở cửa kính ném quà xuống, quần áo tung bay đủ màu.
    Mỗi lần bên chồng, cô thường cất lên tiếng hát. Tiếng hát tự trong trái tim, không lý giải được. Cô hát những câu như: Rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ. Hay câu: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Bọn nhỏ tỉnh giấc: “Mẹ tập văn nghệ à?”. Bố bảo: “Mẹ mới được lên chức trưởng phòng tư liệu nên vui vẻ thế”. Đôi khi chàng thở dài thấy con đường công danh sự nghiệp của mình nửa đường đứt gánh. Mừng cho vợ theo đuổi sự nghiệp. Đôi khi thấy mình không xứng với vợ. “Em lấy anh thiệt thòi”. Vợ anh thật thà: “Chồng ta áo rách ta thương”.
    Từ hồi internet kết nối, mỗi lần về quê, vợ lại đưa hình ảnh gia đình lên trang cá nhân, thấy Cảnh đang cuốc đất trồng ngô, mồ hôi ướt đẫm, đám nhỏ đánh đáo dưới gốc cây xoài cổ thụ, khuôn mặt lấm lem. Cảnh bảo vợ đừng nên đưa hình lên như thế. Người ta đang phấn đấu công nghiệp hóa, mình lại đề cao cuộc sống nông thôn, liệu sái không? Phượng nói: “Ai phấn đấu em không biết, em chỉ biết đây là nhà em”. Cảnh mừng thầm trong bụng. Thật ra, từ hồi về quê, Cảnh cũng mong trở lại thành phố, được ung dung vào thư viện, nhâm nhi một ly cà-phê nhìn dòng người như thác đổ. Anh đang tích cóp để kiếm ít vốn liếng cho các con sau này vào thành phố học đại học. Nào chăn nuôi, vườn ao chuồng, dạy thêm, dịch gia phả, thậm chí đôi khi xem giùm người ta ngày khởi công, ngày tổ chức đám cưới nữa. Lâu lâu, anh gom góp mua được một chỉ vàng.
    Cô chủ tiệm vàng không phải ai khác mà chính là người bạn gái thân thiết hồi còn phổ thông. Cô tên Tình, chồng làm nghề tài xế chuyên buôn gỗ lậu đã bị nghiện và chết cách đây bốn năm. Khi còn đi học đại học, Tình và Cảnh có tình cảm với nhau. Buổi chiều, họ đi khỏi trường đại học, sang bảo tàng quân đội kế bên, xem trưng bày xe tăng, súng pháo. Cảnh bảo: “Tôi rất thích Tình”. Cô bạn gái lâu năm từ ở quê mà cùng vào thành phố, vẻ bực dọc: “Hè về gặp bố mẹ mình mà nói”. Đến hè, Cảnh vào nhà Tình. Nhà trên đồi cao, đường đi loanh quanh giữa hai hàng tre xanh mướt. Gia đình Tình kinh tế khá lắm. Bố là giám đốc một lò gạch to, mẹ y tá. Cảnh nói chuyện với mẹ rất lâu, chuyện về đồi chè, về món măng chua, quên mất chuyện hai đứa ở thành phố đã đi chơi riêng với nhau thế nào.
    Tốt nghiệp đại học, khi Cảnh cố tìm một việc làm trong thành phố, Tình lặng lẽ về quê. Cô đi dạy ở trường quê, kinh doanh trong chợ. Một thời gian, Tình đi xuất khẩu lao động. Khi trở về, gặp Cảnh, Tình bảo: “Tớ đi xuất khẩu nhưng làm nghề may nên toàn bộ công ty không ai là nam giới”. Cảnh hỏi mẹ vẫn khỏe chứ, em dạo này học hành ra sao. Sự quan tâm của Cảnh khiến Tình cảm thấy lo lo. Tình nói sắp lấy chồng, Cảnh cũng không phản ứng gì, chỉ thấy giận. Sau Cảnh không liên lạc với Tình nữa.
    Phượng về Tết, câu đầu tiên lại hỏi: “Năm nay bố cháu mua được mấy chỉ vàng?”. Hỏi vậy thôi, cô rất tin chồng, không tin sao đi suốt năm như thế được. Phượng xinh hơn, hiện đại hơn, kinh tế cũng khá giả, ai lại sợ thua một mụ nhà quê. Khi gặp nhau ở thư viện, chồng cô vẫn còn giữ tấm hình của Tình. Một cô gái trắng trẻo, hơi mập, mũi cao, nhưng đôi mắt rất buồn. Phượng nghĩ mình sẽ không để cô gái này một cơ hội nào nữa. Khi cưới nhau, họ đặt nhẫn cưới tại cửa hàng vàng của Tình, cửa hàng vàng duy nhất trong vùng, được mở sau khi Tình xuất khẩu lao động về. Giá hơi đắt nhưng không sao, đỡ phải đi xa.
    Phượng đùa chồng: “Được ở nhà gần người tình cũ, sướng nhất là anh”. Cảnh bảo: “Hạt giống không gieo thì chẳng bao giờ thành cây”. Đôi khi nàng giật mình tự hỏi chẳng biết Cảnh bám trụ ở quê phải chăng bởi Tình vẫn hiện diện nơi đó. Song rồi nàng quên ý nghĩ ấy đi, bởi nàng vẫn bám trụ trong thành phố mà trong lòng không hiện diện một ai ngoài những cái thư viện cũ kỹ và giá in tài liệu ngày một đắt đỏ.
    
- o O o -

    Mỗi lần Cảnh đi mua vàng, Tình lại mời anh vào nhà uống nước. Cô chuẩn bị cho anh thứ trà ngon nhất, thứ cà-phê hảo hạng nhất được trồng trên vùng đất đỏ quê nhà. Phòng khách của cô treo mấy giò phong lan, đặt vài chậu hoa đồng tiền, nhìn ra bên ngoài là dòng sông thao thiết. Cái ti-vi màn hình phẳng mới treo lên đang phát trận đấu bóng đá của đội tuyển quốc gia không phát âm thanh vì mấy chiếc loa xịn đang lan tỏa một bản nhạc giao hưởng âm trầm với tiếng Cello day dứt.
    Tình thường mặc những chiếc áo đẹp nhất tiếp anh, chẳng hiểu sao áo vừa may đã chật, thậm chí cô còn dọn ra mấy đĩa mứt Tết mặc dù bây giờ còn đang mùa hè hoặc mùa đông. “Ông có khi nào tính chuyện trở vào thành phố không đấy?”. Chủ nhà nói rằng mình vừa mua một căn hộ trong thành phố. Họ thật nhiều điểm chung: học cùng trường, cùng các thầy giáo, cùng một ký ức thời sinh viên, cùng một giấc mơ dang dở. “Chắc rằng mấy năm nữa mình sẽ vào thành phố dưỡng già, điều kiện y tế tốt hơn nhiều”. Hừm, vào đấy sẵn nhiều trung tâm thẫm mỹ. Cảnh nghĩ vậy. Cảnh biết giữa hai người không còn tình yêu, nếu yêu nhau, họ sẽ không đánh mất tình yêu dễ dàng như thế. “Mọi chuyện giữa tôi và ông, chỉ có súng đạn trong bảo tàng biết thôi” - Tình nói như vậy. Cảnh hơi bực mình, tính hỏi lại: giữa bà và tôi thì có chuyện gì? Ôi những chuyện tầm phào thời sinh viên ấy mà.
    Năm nay, Phượng tính sẽ xin nghỉ Tết kết hợp nghỉ phép, thời gian dài hơn và cô sẽ chở cả gia đình đi chùa, lên đền phủ. Họ sẽ sống một mùa xuân ấm áp và sung túc sau một năm làm việc miệt mài. “Mình sẽ khóa máy hoặc ném điện thoại ở nhà cho nó đầy những cuộc gọi nhỡ”. Mọi năm, Phượng đi lên Phủ vào ngày mồng Hai để tránh gặp Tình. Năm nay có đôi chút thay đổi. Tại sao nhường ngày tốt cho người khác? Vợ chồng họ sẽ lên phủ từ sáng sớm ngày đầu tiên của năm và cầu xin cho gia đình cùng chúng sinh một năm mới viên mãn. Phủ nằm bên dòng sông nhỏ thờ Mẫu thượng ngàn, phong cảnh mùa xuân thấp thoáng cỏ hoa và những con thuyền chở đầy hương khói, lấp lánh ánh lửa.
    Phượng chưa bao giờ nói chuyện với cô chủ tiệm vàng dù họ nhìn thấy nhau không biết bao lần kể từ khi đi đặt nhẫn cưới. Điều này nên thay đổi vào Tết năm nay, chẳng lẽ ngày đầu năm lại im lặng? Phượng chẳng có lỗi gì trong chuyện này. Học cùng nhau một thời sinh viên chưa là quá đủ hay sao!
    Sẽ nói gì nhỉ? Phượng ít nói chuyện riêng tư. Cô thao thao bất tuyệt cả ngày mọi chuyện từ đời sống đến chính trị, từ văn hóa qua kinh tế thể thao. Riêng chuyện tình cảm, gia đình, chuyện cô nghĩ gì về đời sống riêng, Phượng không hé lộ với ai. Sẽ phải thay đổi đôi chút. Mình cần cởi mở hơn. Liệu cần phải nói với Tình mình nhìn thấy ảnh cô ta từ hơn chục năm trước không nhỉ, tấm hình đen trắng bé xíu trong cái ví rách của chồng mình. Chắc không cần. Tình sẽ đáp: “Tôi biết rồi”.
    “Cô là chủ tiệm vàng à? Trên đời này nhiều thứ còn quý hơn vàng cô ạ” -Phượng sẽ nói vậy. Phượng vẫn nói điều đó trên các giảng đường. “Cái gì quý hơn vàng?” - Tình hỏi lại Phượng. Chắc mình cần nghĩ ngợi đôi chút để giải quyết ca khó đỡ này đây. Phượng thường dạy sinh viên thứ quý giá nhất của con người chính là tình yêu quê hương đất nước. Tình không phải sinh viên của Phượng để dạy dỗ điều đó, hơn nữa tình cảm lớn ấy thì cả Phượng và Tình đều có.
    À, Phượng vẫn giữ tấm hình đen trắng cũ mờ của Tình đấy chứ. Nếu cần, Tết này sẽ trả lại cho cô ta. Phượng kẹp tấm hình cô sinh viên có khuôn mặt bánh đúc ấy vào trong một cuốn tuyển tập truyện cười, với lời nhắc nhở rằng mình luôn phải ý thức giữ chồng kẻo rơi vào tay người khác đấy. Cuộc đời luôn lắm chuyện khó lường lắm.
    Những cơn mưa mùa xuân bắt đầu rơi đâu đó từ nơi biên thùy. Những mùa ngô trên rẻo cao đã thấm đẫm thứ sương thơm ngát. Một năm mới sắp về rồi. Năm nay Phượng đánh ô-tô du lịch về làng chứ không mua vé tàu qua mạng như mọi năm. Phượng vẫn chưa biết sẽ nói chuyện với Tình thế nào nếu gặp nhau trong dịp Tết. Gọi điện về nhà, chồng hỏi: “Năm nay đi chùa mồng mấy mình nhỉ?”. Nàng đáp ngay: “Vẫn mồng Hai!”.

Kết Thúc (END)
Trần Nguyễn Anh
» Gia Đình Làng Quê
» Một Chuyến Nhảy Dù
» Tiếng Sáo Nơi Lưng Trâu
» Đảo Nước Mắm
» Những Chuyến Tàu Chở Tết
» Chuyến Xe Qua Bão Ngọt Ngào
» Vóc Dáng Quê Hương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ