Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mờ Trong Sương Khói Tác Giả: Sưu Tầm    
    1. GẢ ĐI XỨ MAN DI​
    - Hạ Liên, em có khỏe không?
    Thiếu phụ nghiêng mình nói chuyện với bông sen hồng thắm đang khoe sắc trong ao, chóp mũi người ửng đỏ. Tôi đứng gần đó chỉ muốn đến gần nói vài câu an ủi người nhưng nhớ ra bản thân mình không cách nào đến được, đành đứng im nhìn người rơi từng giọt lệ trong suốt.
    Ráng chiều ửng đỏ làm bừng sáng cả nền gạch, thiếu phụ khẽ lau đi những giọt lệ rồi quay người đi vào trong. Tôi vẫn đứng im tại chỗ, bởi bên trong đó, tôi không được phép bước vào. Chờ đến khi bóng áo nâu sòng khuất hẳn sau cánh cổng màu vàng sậm, tôi nhún một cái đã ngồi hẳn lên bờ tường thành gần đó, đung đưa chân theo làn gió đợi nghe tiếng gõ mõ vọng ra từ bên trong.
    Trong ánh tịch dương và tiếng gõ mõ đều đều, tôi bỗng nhớ đến lần đầu tiên được diện kiến công chúa.
    Lúc đó tôi tám tuổi còn công chúa vừa tròn mười tuổi. Người xinh đẹp mỉm cười nhìn tôi rồi nói với thái hậu rằng người chọn tôi làm cung nữ của người. Đúng vậy, tên tôi là Hoan Hi, tôi là cung nữ của công chúa Huyền Trân.
    Công chúa Huyền Trân xinh đẹp lộng lẫy nhưng là vẻ đẹp của tiên nữ không nhuốm bụi trần, mỗi bước đi đều như có hoa sen nở ra nâng gót chân người. Công chúa chính là viên ngọc quý giá nhất trong hoàng cung. Người luôn được thái thượng hoàng và hoàng thượng hết mực yêu chiều.
    Từ lúc tôi đi theo hầu hạ công chúa thì người đã được hoàng thượng cho mời rất nhiều thầy dạy học đến dạy từ thơ văn đến nhạc họa, thêu thùa… Mà công chúa bất kể là vẽ tranh hay làm thơ đều thông thạo càng khiến cho hoàng thượng ngày càng sủng ái. Nhờ vậy, đến một cung nữ nhỏ nhoi như tôi cũng có thể hếch mũi lên khi nói chuyện với cung nữ ở các cung khác.
    Năm công chúa mười ba tuổi, thái thượng hoàng nhân chuyến du ngoạn vào Chiêm Thành mà hứa gả công chúa cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân nhằm kết tình bang giao hai nước. Lúc tin tức đến Thăng Long, tôi nghe đồn rằng ai ai cũng bất bình, quan trong triều cũng đồng loạt phản đối, còn công chúa biết tin thì chỉ ngồi thẫn thờ ở bàn đá. Lúc ấy tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng thái hậu sẽ bảo vệ công chúa, sẽ không để người bị gả đi xứ xa xôi mà không hề biết rằng, lời nói của thái thượng hoàng có mấy ai dám can ngăn, huống chi thái hậu lại không phải mẹ đẻ của công chúa. Hôm đó thái hậu cho vời công chúa qua cùng ăn cơm với người, suốt bữa ăn người chỉ nói về bổn phận của công chúa Đại Việt. Tôi nửa hiểu nửa không nhưng dường như công chúa đã thấu hiểu rất rõ.
    
- o O o -

    Mười sáu tuổi, hoàng thượng sai quan Đại hành khiển Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung dạy công chúa thêu thùa. Tay nghề thêu thùa của quan Đại hành khiển tuy không xuất thần như người ta vẫn hay đồn nhưng ngài lại hiểu biết rất nhiều kỹ thuật thêu thùa mới lạ. Nhờ sự chỉ dạy của ngài và sự khéo tay của công chúa, những bức tranh thêu ngày càng sống động khiến cho thái thượng hoàng và thái hậu rất hài lòng. Có điều họ không biết, các bức tranh thêu ngày càng có hồn là vì công chúa đã phải lòng quan Đại hành khiển. Việc này chỉ có mình tôi biết.
    Trước mỗi lần gặp quan Đại hành khiển, công chúa đều sẽ đứng trước gương đồng rất lâu, người thường hay hỏi tôi:
    - Hoan Hi, em thấy ta có đẹp không?
    Những lúc ấy tôi sẽ tủm tỉm cười với công chúa và trả lời:
    - Công chúa, người luôn xinh đẹp nhất.
    Công chúa sẽ thẹn thùng hỏi lại:
    - A phó sẽ nói như thế với ta chứ?
    Tôi gật đầu cái rụp, không phải vì để đối phó với công chúa mà thực sự chính là như vậy. Nếu hỏi bất cứ ai trên đất nước Đại Việt này, cho dù là kẻ mù thì đều sẽ nhận được một đáp án: công chúa Huyền Trân là đẹp nhất. Huống chi quan Đại hành khiển vẫn còn trẻ, nếu ngài nói không bị vẻ đẹp tựa tiên nữ và tuổi mười sáu tràn đầy sức sống của công chúa quyến rũ thì tôi sẽ nghi ngờ ngài còn thua cả thái giám trong cung.
    Nói về quan Đại hành khiển, ngài tuy làm quan đại thần nhưng tính tình ôn hòa, khéo léo, chính trực. Trong những buổi tiệc của hoàng cung, hoàng thượng cũng không ít lần khen ngợi ngài giữa quần thần, họ Trần của ngài là do thái thượng hoàng ban cho. Mỗi lần tôi thuật lại từng chuyện mà tôi nghe ngóng được về quan Đại hành khiển, công chúa đều chống cằm lắng nghe rất chăm chú, mắt người sáng lấp lánh như sao Bắc Đẩu, vừa lung linh, vừa huyền ảo.
    Thế nhưng tìm cảm của quan Đại hành khiển đối với công chúa như thế nào thì tôi vẫn không đoán được. Trong giờ học thêu thùa, quan Đại hành khiển luôn giữ một khoảng cách nhất định với công chúa, giọng nói trầm ổn chỉ từng đường thêu mũi chỉ. Đôi khi công chúa sẽ hỏi ngài về cuộc sống người dân bên ngoài hoặc về chuyến đi sứ sang nhà Nguyên trước đây. Đáp lại, quan Đại hành khiển sẽ khẽ mỉm cười dịu dàng với công chúa rồi giải đáp từng chuyện, từng chuyện một.
    Tôi đặc biệt thích ngắm nhìn công chúa và quan Đại hành khiển đứng cùng nhau, trai tài – gái sắc, đẹp như một bức tranh. Chỉ là tôi quên mất, công chúa vốn đã có hôn ước từ năm mười ba tuổi.
    
- o O o -

    Năm công chúa mười tám tuổi, vua Chiêm Thành sai sứ mang sính lễ qua hỏi công chúa về làm vợ. Tôi nhớ ngày sứ thần Chiêm Thành đến Thăng Long đã làm hỗn loạn cả một góc phố phường, sính lễ chất đầy thuyền rồng, toàn trân bảo quý giá. Nhưng với Đại Việt thì châu báu ấy có là gì so với công chúa Huyền Trân mười phân vẹn mười, vì vậy mà không ít người cảm thán và tiếc nuối, có người còn phẫn nộ thay cho công chúa. Hoàng thượng cũng chần chừ chưa trả lời sứ thần Chiêm Thành. Thế nhưng công chúa lại bình tĩnh như không hề có chuyện gì xảy ra. Người ngồi ở tầng trên của Nguyệt Các, thong thả thêu bức tranh Sơn Vân đang dang dở. Chỉ có tôi ngồi ở bên cạnh luồn chỉ giúp công chúa mới thấy được mũi kim của người đã không còn sắc sảo và dứt khoát như trước nữa.
    Thái thượng hoàng lúc đó đang tu trên núi Yên Tử, hoàng thượng vẫn chưa ra được quyết định bèn cho gọi quần thần vào chầu hỏi ý kiến. Lúc đó, tôi mượn quen biết đổi ca trực với cung nữ ở điện Cần Chánh để nghe ngóng tin tức của buổi thiết triều.
    Vấn đề vừa được đưa ra, hầu hết triều thần đều ra sức phản đối việc gả công chúa cho vua nước Chiêm Thành, lý do là nước ta đã đủ mạnh, cớ sao phải gả công chúa hòa thân với một nước man di? Duy chỉ có hai người đứng ra tán thành mà một trong hai người đó lại là quan Đại hành khiển Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung. Ngài nói:
    - Khởi bẩm hoàng thượng, thái thượng hoàng trước kia đã có lời đồng ý gả công chúa nay hoàng thượng lại bội ước lời hứa với Chiêm Thành thì Đại Việt sẽ trở thành nước không giữ chữ tín, thái thượng hoàng biết được nhất định sẽ rất tức giận.
    Hoàng thượng và bá quan văn võ trong triều đồng loạt trầm ngâm, bầu không khí trở nên nặng nề. Quan Đại hành khiển cúi đầu nói tiếp:
    - Thêm nữa, chúng ta vừa mới đuổi được nhà Nguyên xâm lăng, e rằng chúng vẫn còn chưa chịu dừng lại mà tấn công Đại Việt thêm một lần nữa. Thần thiết nghĩ, thái thượng hoàng đồng ý hòa thân với Chiêm Thành chính là góp phần thắt chặt tình bang giao của hai nước nhằm chống lại một kẻ thù chung. Hoàng thượng xin hãy đừng do dự mà khiến vua Chiêm Thành nghi hoặc Đại Việt ta.
    Từng lời nói của quan Đại hành khiển như gáo nước lạnh tát thẳng vào lòng tôi khiến tôi run rẩy. Công chúa, người có phải đã yêu lầm người rồi hay không?
    Điện Cần Chánh lại rơi vào im lặng xen lẫn vài tiếng thở dài. Hoàng thượng mặc hoàng bào thêu rồng nạm đá quý ngồi trên ngai vàng nhíu mày nhìn quần thần một lượt rồi cũng lắc đầu mà nói:
    - Trẫm đã có quyết định. Buổi chầu dừng tại đây.
    Tiếng quan thái giám the thé, tiếng hô vạn tuế đồng thanh… Hoàng thượng đi trước, bá quan cũng lần lượt ra về, chỉ còn tôi vẫn đứng ngây như phỗng bên cạnh sân điện. Hoàng thượng đã có quyết định, là người sẽ nghe theo quan Đại hành khiển hay sẽ không?
    - Hoan Hi! – Tiếng cung nữ bên cạnh gọi tôi khiến tôi bừng tỉnh.
    Tôi phải về báo lại với công chúa. Ngay lập tức. Vì thế tôi cúi đầu chạy một mạch đến Từ Ninh Cung, lúc vào đến trước cửa Nguyệt Các thì tóc cũng rối bù, vài sợi bị xõa ra ướt nhẹp mồ hôi dính vào bên má. Cố gắng điều chỉnh lại hơi thở, tôi đi vào trong, lên bậc thang đến nơi công chúa đang ngồi thêu tranh.
    - Công chúa.
    - Hoan Hi, em nhìn xem, ta đã thêu gần xong rồi. – Công chúa quay sang cười với tôi, tay người chỉ vào bức tranh Sơn Vân trước mặt.
    - Công chúa… – Tôi không nhìn bức tranh. Tôi chỉ muốn nói với công chúa mọi chuyện nhưng lại không biết nên bắt đầu như thế nào.
    Công chúa trở lại với gương mặt bình thản, vừa đâm kim thêu qua tấm vải vừa nói:
    - Em nói đi.
    Vì vậy tôi đem hết sự việc ban nãy trong điện Cần Chánh ra nói tỉ mỉ, không bỏ sót một câu nào. Công chúa nghe xong mặt khẽ biến sắc, còn tôi thì hoảng hốt la lên:
    - Công chúa, người bị kim đâm trúng tay.
    Công chúa giật mình nhìn xuống, ngón tay trỏ của người bị kim thêu đâm chảy máu, vài giọt máu đào rơi xuống bức tranh Sơn Vân khiến bức tranh đang núi xanh mây trắng bỗng thêm vài chấm hồng quỷ dị. Tôi cầm lấy tay người, nhanh chóng rút khăn tay bọc nó lại. Công chúa nhìn tôi, khóe miệng người cong lên:
    - Hoan Hi, em đừng lo, chỉ là vài giọt máu.
    Tôi hỏi:
    - Công chúa không lo sao?
    Người trầm ngâm một hồi mới trả lời:
    - Ta đã đoán trước sẽ có ngày hôm nay. Công chúa cành vàng lá ngọc thì sao? Ta cũng không thể tự quyết được vận mệnh của mình, gả cho ai đều là do hoàng huynh và triều đình quyết định.
    Công chúa đứng dậy, người đến bên lan can nhìn xa xăm mà nói:
    - Dù rằng ta không hi vọng sẽ được ở lại nhưng ta cũng không nghĩ đến, A Phó lại kiên quyết gả ta đi như vậy.
    - Công chúa, người đồng ý bị gả đi như vậy sao? – Tôi nói, giọng nghèn nghẹn, sống mũi cay cay.
    Công chúa khẽ thở dài rồi gật đầu. Người nói:
    - Thái hậu nói công chúa như ta sao có thể ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân được. Bổn phận của ta là phải giúp đỡ phụ hoàng, giúp đỡ hoàng huynh bớt đi nỗi lo của đất nước. – Người khẽ cười rồi nói tiếp. – Như công chúa An Tư chịu gả cho tướng giặc để thư nạn cho nước, còn ta gả cho vua một nước để kết tình bang giao lẽ nào lại không làm được?
    Tuy tôi chỉ mơ hồ hiểu ra được đôi phần trong lời nói của công chúa nhưng nó cũng đủ để tôi dâng lên một nỗi sợ hãi khác. Tôi quỳ thẳng thớm, ngẩng đầu nói với người, giọng kiên quyết:
    - Công chúa. Cầu xin người, công chúa nhất định phải mang em theo.
    2. HẠNH PHÚC NGẮN CHẲNG TÀY GANG​
    Hoàng thượng nghe lời quan Đại hành khiển, đồng ý gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành nhưng lại ra thêm một điều kiện, đó là cống nạp thêm đất đai, gọi là “lễ nạp trưng” theo phong tục Đại Việt. Ngỡ rằng vua Chế Mân sẽ từ chối việc dâng đất nhưng ngài lại thực sự đồng ý dâng hai châu Ô, Lý * làm sính lễ cưới hỏi.
    Tháng 9 năm Hưng Long thứ 13, công chúa mặc áo cưới đỏ thẫm, vạt áo thêu chim phượng, hai bên vai đính chuỗi hồng ngọc, đầu đội mũ miện bằng vàng quỳ giữa sân vái tạ tổ tiên sau lại quay qua dập đầu với thái thượng hoàng, thái hậu. Từ kinh thành Thăng Long ra đến bến sông Hồng Hà, dân chúng đứng chật hết hai bên đường và bờ sông tiễn công chúa lên đường. Sau khi lên thuyền, công chúa vẫn không rời mắt những người đang đứng trên bờ. Tôi đứng cạnh người, lòng buồn rười rượi, sống mũi cay cay.
    Ngoài thuyền rồng của công chúa còn có năm chiếc thuyền của đoàn tùy tùng hộ tống, năm chiếc thuyền của đoàn sứ thần Chiêm Thành dẫn đường. Đoàn thuyền theo sông Hồng Hà ra cửa biển xuôi về hướng Nam. Ngồi thuyền ròng rã một tháng trời chúng tôi mới đến được Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành.
    Thuyền vừa cập bến đã thấy trên bờ rất đông người với cờ hoa bay phấp phới. Từ trong kiệu vàng, vua Chế Mân bước ra, ngài cao lớn, nước da sáng, tóc hơi gợn sóng, mũi cao, đôi mắt sáng ngời, dáng vẻ uy dũng. Ngài đội vương miện vàng cao hình trụ, trên đỉnh vương miện gắn một viên ngọc tỏa sáng lấp lánh. Trên người ngài mặc một bộ áo lụa thượng hạng màu trắng, hai hàng nút chạy dài trước thân áo màu bạc, đường viền cổ áo và hai tay áo đều bằng kim tuyến màu vàng, đai vàng thắt ngang lưng, bên hông mang một thanh kiếm báu với vỏ kiếm bằng vàng, chuôi kiếm bằng ngà voi khảm ngọc. Khoác ngoài một chiếc áo lông bào, chân đi hia màu đen, ngài từng bước đến gần kiệu hoa của công chúa, mỗi bước đi đều thể hiện được phong thái của một bậc đế vương.
    Thấy vua Chế Mân đến gần, tôi đưa tay vén màn che trước kiệu công chúa, một tay khác đỡ người từ trong kiệu đi ra. Công chúa nhìn thấy vua Chế Mân thì chắp hai tay trước ngực, quỳ xuống chào theo phong tục của người Chiêm Thành. Vua Chế Mân nhẹ nhàng đỡ công chúa đứng dậy rồi mới mỉm cười dịu dàng hỏi công chúa bằng tiếng Việt:
    - Nàng có khỏe không? – Ngài âu yếm nhìn công chúa rồi nói tiếp. – Ta lo lắng nàng đi đường xa xôi, sóng nước trùng dương khiến nàng mệt mỏi.
    Công chúa khẽ đáp lại bằng tiếng Chăm:
    - Nhờ hồng ân của bệ hạ, thiếp và mọi người trong đoàn vẫn khỏe.
    Công chúa vừa nói dứt lời tôi đã nhìn thấy sự ngạc nhiên cùng vui mừng hiện ra nên gương mặt của vua Chế Mân. Tôi thầm quan sát xung quanh, không chỉ có ngài ấy mà các quan đại thần, lãnh chúa, binh lính và nữ tỳ của Chiêm Thành đều ngạc nhiên. Sau đó họ đều mỉm cười nhìn công chúa bằng ánh mắt “tôn thờ”.
    Họ đâu biết rằng trước khi lên thuyền hoa hai tháng, công chúa đã phải học tập vất vả như thế nào? Hoàng thượng sai một quan viên biết tiếng Chăm đến dạy công chúa, sau lại nhờ một người trong đoàn sứ thần Chiêm Thành đến dạy công chúa về phong tục, tập quán và rất nhiều thứ liên quan đến đất nước Chiêm Thành. Tối đến, công chúa còn phải học múa điệu múa của người Chiêm Thành cho đến khi mệt mỏi mới ngủ.
    Tôi suy nghĩ rất đơn giản, công chúa sang đó làm hoàng hậu chứ không phải làm vũ công, sao người phải học ngày học đêm vất vả như vậy? Có một hôm tôi hỏi công chúa:
    - Công chúa, sao người phải học cả điệu múa của họ?
    Công chúa lúc ấy chỉ cười trả lời:
    - Đó là em không biết, với người Chiêm Thành, điệu múa rất quan trọng và linh thiêng. Ta mang danh công chúa Đại Việt gả đi thì không thể làm xấu mặt nước Đại Việt được.
    
- o O o -

    Sau khi đoàn sứ thần Đại Việt đến chào vua nước Chiêm Thành xong, vua Chế Mân mới cầm tay công chúa đến ngồi cùng kiệu với ngài rồi cả đoàn người cùng đi về hướng kinh thành Đồ Bàn. Tôi đi bộ ở đằng sau kiệu, mắt không khỏi trợn tròn lên khi nhìn thấy cảnh vật trước mắt. Kinh thành Đồ Bàn rộng mênh mông, đền đài cao lớn uy nghiêm, thành quách tráng lệ vây quanh. Đến khi vào hoàng cung thì tôi càng không khỏi kinh ngạc, lâu đài điện các, gác tía cung son, tháp nước, miếu đường, đại sảnh nguy nga, sơn màu rực rỡ…
    Dọc lối đi đến Tây Cung - cung điện dành riêng cho công chúa - là hoa thơm nở ngào ngạt, lối đi lát gạch xanh ngọc. Cung điện của công chúa là một tòa tháp lớn bằng gạch, nền lát đá bóng loáng, sảnh vừa đủ rộng có kê bàn ghế sơn son thiếp vàng. Bên trong nữa là phòng ngủ của công chúa với giường rộng được chạm trỗ hoa văn của Đại Việt, mọi vật dụng trong phòng đều được sắp đặt hài hòa. Sau đó tôi lại phát hiện ra các cung nữ người Chiêm Thành được chọn hầu hạ trong cung điện đều có thể nói được tiếng Việt. Thế mới thấy được tấm lòng của vua Chế Mân đối với công chúa, nhất định là ngài đã hao tâm tổn sức rất nhiều.
    Công chúa đứng bên cạnh cửa sổ nhìn ra bên ngoài, đôi mắt người sáng lấp lánh. Người gọi tôi:
    - Hoan Hi, em đến xem.
    Tôi đặt hộp gỗ lên tủ rồi đi đến đứng bên cạnh công chúa, cùng người ngắm khu vườn nhỏ bên ngoài kia.
    - Oa, ra tiếng chim hót nãy giờ là ở đây. – Tôi cảm thán.
    - Hoan Hi, phụ hoàng ta nói vua Chế Mân là một bậc minh quân, là hào kiệt trong thiên hạ. Ngài ấy không chỉ giỏi về trị nước mà còn nhân hậu, biết yêu thương và trân trọng dân chúng. Phụ hoàng ta còn nói, Chiêm Thành là một đất nước đẹp đẽ, người dân ở đây hiền lương… Em nghĩ sao?
    Tôi không do dự đáp lại:
    - Thái thượng hoàng quả là có con mắt tinh tường. Những người nói Chiêm Thành là xứ man di đều sai bét.
    Công chúa khẽ cười:
    - Phụ hoàng ta mà nghe được liệu có ban thưởng cho em hay không?
    Tôi giả bộ tỏ vẻ sợ hãi, năn nỉ người:
    - Công chúa, người tha cho em. Thái thượng hoàng mà biết được thì đầu em không còn trên cổ mất.
    Nói qua nói về vài câu, tôi và công chúa đều cười rất vui vẻ.
    Sáng ngày hôm sau, tôi giúp công chúa mặc trang phục của người Chiêm Thành. Đó là một bộ váy nhung rực rỡ, phần trên bám sát vào đường cong cơ thể, phần dưới váy xòe rộng phủ xuống đất. Chiếc khăn quàng bằng kim tuyến đỏ với các tua vàng quàng từ trên vai trái xuyên qua hông phải, vừa khéo che đậy phần bó sát phía trên người nhưng khi di chuyển sẽ quyến rũ đến chết người. Mang đủ loại trang sức bằng vàng lên khắp người công chúa rồi đội cả chiếc vương miện bằng vàng nặng trịch lên đầu người, tôi không ngừng cảm thán:
    - Công chúa, họ dường như có rất nhiều vàng.
    Công chúa bật cười, sau đó mới nói:
    - Hoan Hi, nhập gia tùy tục.
    Hôm đó, giữa sảnh lớn của hoàng cung, trước sự chứng kiến của các vị lãnh chúa đến từ các lãnh địa, các bậc tăng lữ và quần thần văn võ Chiêm Thành, vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) chính thức sắc phong công chúa thành hoàng hậu, tước hiệu hoàng hậu Paramecvari. Sau đó lại bố cáo ra ngoài cho toàn thể dân chúng nước Chiêm Thành được biết, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang lên không ngừng.
    Buổi tối là yến tiệc, tôi giúp công chúa thay vương miện trên đầu bằng một chiếc vương miện khác nhỏ hơn, thay một bộ đồ màu đỏ tía pha ánh vàng rực rỡ không kém bộ đồ buổi sáng. Sau khi tuyên bố bắt đầu yến tiệc, vua Chế Mân nắm lấy tay công chúa đi ra giữa sảnh, tiếng trống và kèn nổi lên, ngài và công chúa bắt đầu múa vũ khúc Mia-Harung.**
    Trong mắt của vua Chế Mân là sự trìu mến và thương yêu, trong mắt công chúa là sự dịu dàng và thẹn thùng.
    Nếu là trước đây tôi mong ước công chúa được ở bên cạnh quan Đại hành khiển thì lúc này tôi muốn xóa sạch mong ước đó để thay vào một mong ước mới. Đó là công chúa sẽ hạnh phúc mãi mãi với vua Chế Mân. Họ mới chính là dành cho nhau.
    Công chúa chính thức là hoàng hậu của Chiêm Thành nhưng tôi vẫn không sửa đổi được thói quen, suốt ngày mở miệng ra vẫn là công chúa, công chúa… Vua Chế Mân có vài lần nghe được chỉ cười nói với công chúa:
    - Hoàng hậu, tuy nàng đã gả cho ta nhưng cái danh công chúa Đại Việt thì vẫn không thể xóa bỏ được. Cung nữ của nàng từ từ luyện tập sẽ thành quen.
    Vì thế tôi chỉ gọi công chúa khi ở trong Tây Cung, ra bên ngoài sẽ cố gắng sửa thành hoàng hậu. Riêng vua Chế Mân thì tôi gọi là bệ hạ một cách tôn sùng. Với trình độ tiếng Chăm có hạn của tôi nhưng tôi vẫn biết được người dân trong kinh thành Đồ Bàn ai ai cũng hết lòng khen ngợi vị vua đang trị vì đất nước họ. Ngài quả thật văn võ song toàn, vừa trí dũng lại vừa nhân hậu. Duy chỉ có một lần tôi nghe được cung nữ nói chuyện với nhau về vị hoàng hậu bên cung điện Đông Cung mới làm náo loạn đòi tự vẫn nhưng bệ hạ vẫn làm ngơ. Tôi kể chuyện mình nghe được với công chúa, người nghe xong chỉ thở dài nói:
    - Em ngốc, bệ hạ không phải người vô tình như vậy.
    Sau đó tôi mới biết được chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra trước khi công chúa đặt chân đến đất nước Chiêm Thành này. Hoàng hậu Tapasi ở Đông Cung là công chúa nước Java
- o O o -
, tuy bà không thể sinh con nhưng bệ hạ vẫn rất yêu mến bà. Chỉ là bà ta vẫn không hài lòng, luôn ghen ghét với một bà phi tần trong cung vừa sinh hạ hoàng tử. Lòng đố kị dẫn đến hành động tội ác, hoàng hậu Tapasi đã đầu độc hoàng tử khiến cho bệ hạ biết được vừa đau lòng vừa tức giận. Nhưng vì quan hệ với nước Java, bệ hạ không phế bỏ vị trí hoàng hậu của bà mà biến Đông Cung thành lãnh cung, suốt đời cô quạnh.
    
- o O o -

    Vua Chế Mân hết lòng yêu thương công chúa. Chỉ cần có thời gian rảnh, vua Chế Mân sẽ đưa công chúa Huyền Trân đi du ngoạn các nơi có phong cảnh đẹp, thăm viếng các đền thờ thần linh của Chiêm Thành… Công chúa cũng thường đến viếng các chùa chiền trong kinh thành để cầu phúc cho dân hai nước Chiêm – Việt. Người còn xin bệ hạ cho lập các trại tế bần để nuôi nấng, chăm sóc người già, người bệnh tật đơn côi…
    Cuộc sống êm đềm hạnh phúc lại thêm phần hạnh phúc khi công chúa biết tin mình có thai, bệ hạ vì thế càng thêm sủng ái người, bất kể vật ngon của lạ đều sẽ đem tặng công chúa.
    Tháng 4 năm Hưng Long thứ 15 theo lịch Đại Việt, công chúa hạ sinh một tiểu hoàng tử. Bệ hạ rất vui mừng đặt tên cho hoàng tử là Chế Đa Đa.
    Tháng 5 năm Hưng Long thứ 15 theo lịch Đại Việt, tiểu hoàng tử Chế Đa Đa vừa tròn một tháng tuổi. Một ngày, hoàng tử cứ khóc liên tục, dỗ thật lâu hoàng tử mới chịu ngủ. Công chúa mệt mỏi nói tôi đi nấu cháo yến lát nữa bệ hạ qua dùng, mấy ngày gần đây thần sắc của bệ hạ không được tốt, có lẽ do ngài xử lý việc triều chính quá nhiều. Đúng lúc ấy, một cung nữ hốt hoảng chạy từ ngoài vào, vừa nhìn thấy công chúa thì quỳ sụp xuống mà khóc lớn:
    - Hoàng hậu, bệ hạ đã băng hà.
    Như sét đánh ngang tai, công chúa quỵ xuống rồi bất tỉnh. Tôi dùng hết tất cả sức lực cố gắng đỡ lấy người, miệng hét lên:
    - Mau đến giúp tôi.
    Tháng 5 năm Hưng Long thứ 15 theo lịch Đại Việt, vua Chế Mân của nước Chiêm Thành qua đời vì đột quỵ. Cả đất nước Chiêm Thành chìm trong đau buồn. Công chúa mặc áo tang trắng che phủ cả người từ trên xuống dưới quỳ khóc một bên cỗ quan tài của bệ hạ. Tôi nghe tiếng khóc của người, nước mắt cũng không ngừng rơi xuống.
    Cuộc sống đang màu hồng bỗng chốc trở thành một màu tăm tối. Tôi khóc cho số phận của công chúa, hạnh phúc của người quá ngắn ngủi.
    ----------------------
    * Châu Ô, Lý: hay châu Ô, Rý là vùng đất từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế kéo dài đến phía bắc Quảng Trị ngày nay.
    ** Vũ khúc Mia-Harung: là vũ khúc cung đình hoan ca có từ hơn một ngàn năm trước của người Champa.
    
- o O o -
Nước Java: Nước Indonesia ngày nay.
    3. HẠ LIÊN​
    Tôi đang ngồi trên bậc thềm đếm hoa sứ nằm vương vãi khắp sân. Đây là một trong những sở thích giết thời gian của tôi, thỉnh thoảng có vài cơn gió thoảng qua làm rụng thêm vài hoa sứ, vậy là tôi ngồi đếm lại từ đầu.
    Kéttt…
    Cánh cửa gỗ mở ra, thiếu phụ mặc áo nâu sòng mang trên tay chiếc giỏ tre bước ra, đi ngang qua tôi, mắt không nhìn lấy tôi một lần. Tôi dừng việc đếm hoa sứ, đứng dậy lẽo đẽo theo người ra gần bờ ao sen. Thiếu phụ quỳ xuống, lấy từ trong giỏ tre ra một nải chuối, nhang và tiền mã. Tôi nhíu mày đứng bên cạnh nhìn người thắp một bó nhang rồi đốt tiền mã. Khói từ bó nhang lượn lờ rồi xộc thẳng vào mũi tôi khiến tôi khó chịu phải bước lùi hai bước. Sau khi cắm bó nhang xuống đất, thiếu phụ đang quỳ hai chân dưới đất, mắt ngân ngấn nước nhìn trời mà nói, giọng tang thương:
    - Hạ Liên, em mất nơi đất khách quê người, đến một ngôi mộ cũng không có. Là ta đã hại em.
    Người nói xong, nước mắt lại không ngừng rơi xuống ướt đẫm tà áo màu nâu sòng. Tôi thở dài nhìn người, sau đó đi đến gần bó nhang chu miệng thổi mạnh. Bó nhang bùng cháy lớn. Người thiếu phụ thoáng sững sờ rồi ngừng khóc, khuôn mặt người buồn u uất đốt từng tờ tiền mã. Năm nào cũng như vậy. Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu tôi thổi bó nhang mà người thiếu phụ kia đốt vào ngày này trong năm.
    Gió nhẹ thổi qua, từng tờ tiền mã đang cháy dang dở bay lượn lờ trong không trung. Tôi đứng ngây ra nhìn chúng, cảm thấy thứ mà lửa đang đốt cháy kia không phải là tiền mã, mà là thân xác của tôi… Bỏng rát.
    
- o O o -

    Tang lễ của vua Chế Mân kéo dài bảy ngày, nghi lễ cuối cùng là nghi lễ hỏa táng diễn ra trong bốn ngày ba đêm. Người Chiêm Thành quan niệm phải làm lễ hỏa táng thì linh hồn người chết mới siêu thoát và lên miền cực lạc, nếu không linh hồn người chết sẽ lang thang ở trần gian và phá hoại cuộc sống của người khác. Nghi lễ hỏa táng vua kết thúc, cờ tang và hoa trắng vẫn treo đầy trong hoàng cung. Tôi đỡ công chúa lúc này đang kiệt sức về Tây Cung nghỉ ngơi. Nhìn sắc mặt nhợt nhạt của công chúa, tôi xót xa trong lòng bèn sai một cung nữ gần đó canh chừng người, sau đó tôi đi về phòng bếp trong cung nấu thuốc bổ cho công chúa uống. Tôi mang chén thuốc bổ vừa mới sắc xong đang còn nóng hổi, từ từ đi về phía Tây Cung. Trên đường đi gặp phải một đám cung nữ đang giục nhau:
    - Nhanh chân lên, từ giờ đến nghi lễ tuẫn táng công việc còn rất nhiều.
    Tôi cầm chén thuốc một tay, một tay kéo áo cung nữ đi sau cùng lại hỏi chuyện:
    - Các chị đang đi đâu vậy? Nghi lễ tuẫn táng là gì?
    - Này, tôi đang rất bận. – Cô ta nhìn tôi rồi nhìn chén thuốc trên tay tôi, sau đó chỉ thở dài. – Tội nghiệp hoàng hậu Paramecvari.
    - Là sao? – Tôi bất an hỏi lại.
    - Nghi lễ tuẫn táng là dành cho hoàng hậu và phi tần của bệ hạ để họ có thể theo bệ hạ đến miền cực lạc.
    Cô ta nói xong thì bỏ đi, đi rất nhanh, rất vội, có lẽ là muốn đuổi kịp đám cung nữ phía trước. Còn tôi vẫn chưa kịp hiểu hết những gì cô ta vừa nói, chỉ đứng sững một chỗ nhìn theo đám cung nữ mất hút ở góc đường. Hoàng hậu và phi tần theo bệ hạ đến miền cực lạc?
    Ầm. Tiếng sét đánh thẳng vào đầu tôi. Choang. Tiếng chén thuốc rơi vỡ.
    Nước thuốc nóng bỏng văng vào chân tôi khiến tôi giật mình. Mặc kệ ánh nhìn của lính gác và cung nữ gần đó, tôi co chân chạy thật nhanh về Tây Cung. Công chúa lúc này đã tỉnh giấc, người đang ngồi trên ghế nhìn ra khu vườn qua khung cửa sổ. Tôi chạy đến, ôm lấy chân người, khóc nấc lên:
    - Công chúa…
    Công chúa hoảng hốt lau nước mắt trên mặt tôi rồi hỏi:
    - Hoan Hi, có chuyện gì?
    Tôi vừa thút thít vừa kể lại việc tuẫn táng theo phong tục của người Chiêm Thành. Công chúa nghe xong chỉ ngồi yên, ánh mắt nhìn xa xăm không nói gì. Được một lát, công chúa quay qua vỗ về tiểu hoàng tử Chế Đa Đa đang nằm ngủ trên giường:
    - Hoàng nhi, mẫu thân sẽ đi theo phụ hoàng của con.
    Mặc cho tôi khóc lóc van xin, công chúa chỉ nói:
    - Thứ nhất ta đã là hoàng hậu của Chiêm Thành, là người của Chiêm Thành thì nên theo phong tục của Chiêm Thành. Thứ hai, ta đã gả cho bệ hạ, một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng huống chi bệ hạ yêu thương ta như vậy, ta cũng nên làm trọn đạo người vợ. – Công chúa nhìn tôi, đưa tay vuốt tóc tôi, người nói tiếp. – Hoan Hi, trước khi ta ra đi, ta sẽ sai người đưa em trở về Đại Việt. Em cũng đừng trở lại hoàng cung, kiếm một người tốt lấy làm chồng rồi sống thật vui vẻ. Có biết không?
    Tôi lắc đầu, nước mắt vẫn rơi không ngừng. Từ lúc tám tuổi gặp được công chúa, người chính là người thân duy nhất của tôi. Tôi không thể nhìn công chúa xinh đẹp của tôi từ từ chìm vào trong biển lửa mà không làm được gì.
    Ngày vua Chế Mân băng hà, thái tử Chế Chí đã cho người truyền tin về Đại Việt. Tính toán kỹ lưỡng thời gian, người truyền tin nếu cưỡi ngựa băng rừng ngày đêm thì mất khoảng mười ngày, cộng thêm thời gian sứ thần Đại Việt đi thuyền mất một tháng, vậy tổng cộng một tháng mười ngày là nhanh nhất để sứ thần Đại Việt đến Chiêm Thành. Từ đây tới ngày diễn ra nghi lễ tuẫn táng còn đúng một tháng mười lăm ngày. Trong thời gian này, công chúa cùng hoàng hậu Tapasi và các bà phi tần trong cung thường xuyên tham gia các nghi lễ cúng bái và tẩy trần.
    Một mặt tôi cầu trời cho thuyền của sứ thần Đại Việt mau đến, một mặt tôi cố trấn an bản thân bình tĩnh để có thể chăm sóc tốt cho công chúa.
    Nhanh hơn so với cả dự tính, đúng một tháng sau, đoàn sứ thần Đại Việt cập bến kinh thành Đồ Bàn, Chiêm Thành. Sau khi sứ đoàn đi viếng lăng vua Chế Mân thì được thái tử Chế Chí đón tiếp tại sảnh lớn của hoàng cung. Hôm ấy, tôi lẻn vào đám cung nữ rót rượu, ôm một bình rượu lớn, từ từ đi về phía bàn của đoàn sứ thần Đại Việt. Bước chân của tôi khựng lại khi nhìn thấy quan Đại hành khiển ngồi ở bàn trên, ngài đang nói chuyện với thái tử Chế Chí. Nhớ lại lần trước ở điện Cần Chánh, chính ngài là người khuyên hoàng thượng gả công chúa đi Chiêm Thành tôi bất giác bước thụt lùi hai bước. Đang do dự không biết nên tiến hay lùi thì bắt gặp ánh mắt của quan Đại hành khiển, ngài nhìn tôi chăm chú. Sau đó tôi quay đầu nói với cung nữ bên cạnh là bình này hết rượu rồi lui ra.
    Sau khi nhận được truyền tin từ một tên lính Đại Việt trà trộn trong hoàng cung, chờ công chúa ngủ, tôi liền đi đến khu vườn nhỏ gần kề nơi nghỉ ngơi của sứ đoàn Đại Việt. Tại đó, quan Đại hành khiển đang đứng dưới hàng chuối rẽ quạt chờ tôi. Ngài nói với tôi, hoàng thượng cử ngài qua đây với nhiệm vụ là đưa công chúa trở về Đại Việt. Ngài còn nói, ngài đã có kế hoạch, tôi phải nghe theo mọi chỉ dẫn của ngài.
    Tháng bảy, nghi lễ tuẫn táng bắt đầu. Trước tiên là nghi lễ tẩy trần lần cuối, mỗi hoàng hậu và phi tần đều được tắm và ngâm mình trong các bồn nước có tinh dầu thơm. Sau đó họ sẽ mặc một bộ tang phục màu trắng, quấn một tấm khăn trắng lớn phủ từ trên đầu xuống đất, mang mạng che mặt cũng màu trắng.
    Sau nghi lễ tẩy trần, quan Đại hành khiển nói với thái tử Chế Chí để công chúa ngồi thuyền ra giữa biển làm lễ chiêu hồn cho nhà vua theo phong tục Đại Việt trước rồi trở về tiếp tục nghi lễ tuẫn táng của người Chiêm Thành. Nghe qua thì có vẻ không có lý nhưng dưới tài năng thuyết phục của quan Đại hành khiển thì thái tử Chế Chí đã đồng ý.
    Hôm đó tôi ngồi thuyền cùng công chúa ra giữa biển, các cung nữ khác lập đàn ngay trên thuyền, đang cúng bái giữa chừng thì một toán thuyền nhỏ áp sát đến, một đám người mặc đồ đen xông lên chém giết bừa bãi. Tôi kéo tay công chúa chạy vào trong thuyền, nhanh chóng cởi tấm khăn trắng quấn trên người công chúa ra rồi nói:
    - Công chúa, người nhất định phải sống.
    Công chúa giật mình, người dường như đã hiểu tất cả những động thái kỳ lạ của tôi dạo gần đây. Người lắc đầu nói:
    - Hoan Hi, em dám cấu kết với A Phó, ngài ấy bày kế bắt cóc ta sao?
    Tôi quỳ xuống khóc lớn:
    - Công chúa, quan Đại hành khiển tuân theo mệnh hoàng thượng đến cứu người trở về. Em cũng không muốn người bị thiêu sống như vậy.
    Công chúa đỡ tôi đứng dậy, nước mắt người cũng đã chảy dài hai bên má.
    - Không được… – Công chúa chưa nói xong đã ngất xỉu, một người áo đen vừa đánh nhẹ vào gáy của người.
    Tôi nhìn ánh mắt của người áo đen liền hiểu, nhanh chóng choàng vào người công chúa một lớp áo của cung nữ rồi để người áo đen kia cõng công chúa đi. Còn một mình tôi trong thuyền, tôi thay bộ tang phục trắng rồi phủ tấm khăn choàng trắng lớn lên người, mang mạng che kín khuôn mặt rồi ngồi trên ghế chờ đợi. Một lát sau, tiếng gươm kiếm chấm dứt, một vị quan võ của Chiêm Thành đi vào trong thuyền, thấy tôi thì quỳ xuống:
    - Hoàng hậu, người có thương tích chỗ nào không?
    Tôi lắc đầu. Sau đó họ đưa tôi trở về hoàng cung. Thái tử Chế Chí giận dữ bắt lính phải truy đuổi xem thử bọn hải tặc nào dám ngang nhiên tấn công thuyền của hoàng cung giữa biển. Quan Đại hành khiển đứng ra khuyên ngài nên để nghi lễ tuẫn táng được tiến hành trước rồi từ từ hãy tìm bắt quân hải tặc. Sau đó đoàn sứ thần Đại Việt xin được về nước vì không muốn chứng kiến công chúa Đại Việt bị hỏa thiêu, thái tử đồng ý. Ngày đoàn thuyền của sứ thần Đại Việt giong buồm ra khơi, tôi vẫn mang một tấm khăn trắng che kín cả người chỉ trừa hai con mắt chuẩn bị cho nghi lễ cuối cùng.
    Suốt nghi lễ, tôi và các phi tần, mỗi người được xếp đặt ngồi ở một hang tối trong ngôi đền. Sau khi tiếng đọc kinh chấm dứt, các thầy cúng rót rượu vào chén, đem đến đặt trước mặt mỗi người rồi lui ra. Tôi đưa tay cầm chén rượu, tay kia khẽ kéo mạng che mặt xuống rồi ngẩng đầu đổ hết thứ chất lỏng đó vào miệng. Cay nồng. Chếnh choáng. Trước khi mất hết cảm giác tôi đã kịp kéo lại mạng che mặt và chỉnh cho khăn trùm đầu được kín đáo. Sau đó có người đưa tôi ra khỏi ngôi đền, đặt vào quan tài nhỏ trên giàn thiêu. Giàn thiêu bắt đầu cháy, khói lửa mịt mù dâng cao, lửa đỏ cháy bừng bừng lan dần đến chỗ tôi nằm.
    Nhắm mắt. Điều cuối cùng tôi nghĩ đến là: “Công chúa, người đã bình an. Cha mẹ ơi, xin thứ lỗi cho con.”
    Mở mắt. Tôi trở thành một linh hồn lang thang vất vưởng trên trần gian. Tôi bay khắp nơi, mất rất lâu cuối cùng cũng tìm được công chúa. Nhưng lúc này người đã cạo đầu, mặc áo nâu sòng và nương nhờ cửa Phật.
    
- o O o -

    Công chúa sau khi đốt xong tiền mã, người cho tay vào túi áo lấy ra một mảnh giấy nhỏ đã úa màu, tay người khẽ vuốt theo hàng chữ trên đó: “Công chúa, tên thật của em là Hạ Liên.”
    Đó chính là mảnh giấy tôi nhét vào túi áo cung nữ mặc cho công chúa trên chiếc thuyền ngày hôm ấy giữa biển.
    Hạ Liên là tên thật của tôi. Mẹ tôi nói tôi sinh vào mùa hạ, ngày tôi sinh ra, cha tôi thấy ao sen trước nhà đồng loạt nở hoa thơm ngát nên đặt tên tôi là Hạ Liên.
    Tám tuổi, cha ôm tôi lao ra khỏi biển lửa rồi lại quay vào nhà để cứu mẹ đang mắc kẹt trong đó.
    Tám tuổi, tôi trở thành đứa không cha không mẹ, không nhà để trở về.
    Tám tuổi, cô tôi bán tôi vào hoàng cung, trở thành Hoan Hi - cung nữ bên người công chúa.
    Mười tám tuổi, tôi thay công chúa nằm trên giàn hỏa thiêu.
    Tôi được cha tôi cứu ra từ lửa rồi tôi lại tự nguyện nhảy vào lửa…
    Hỏa là mệnh của tôi.
    

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân