Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thấm Thoắt Trăm Năm Có Là Bao Tác Giả: Hồ Nữ Vương    
    Long thành giai nhân
    Tính thị bất ký thanh
    Độc thiện Nguyễn cầm
    Cử thành chi nhân dĩ cầm danh
    Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc
    Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
    (Đất Long thành khách giai nhân nọ,
    Không nhớ ra tên họ là gì.
    Nguyễn Cầm nổi tiếng đương thì,
    Tên Cầm mượn của đàn kia gọi người,
    Khúc cung phụng những đời vua trước,
    Tưởng quân thiên nhã nhạc khôn bì)(*)​Chú thích (Cần đọc trước khi bắt đầu truyện):
    
    (*): Trích bài thơ “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du (1776-1820, tên chữ là Tố Như). ”Long thành cầm giả ca” (Bài ca về người gảy đàn đất Long thành) – bản dịch của Hoàng Tạo. Bài thơ kể về 1 ca kỹ với cuộc sống thăng trầm dưới 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Từ lần đầu gặp gỡ, Nguyễn Du (Tố Như) đã có ấn tượng sâu sắc với nàng, nhiều năm sau gặp lại người cũ, cảnh như xưa mà người đã đổi thay, khiến ông cảm thán và viết bài thơ này để bày tỏ nỗi lòng.
    (**) Bối cảnh lịch sử: Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Sau khi chiếm được kinh đô Phú Xuân, ông cho người kéo quân đánh ra Bắc Hà, tiêu diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn. Những quân thần từng phò tá nhà Tây Sơn đều bị giết hại, trả thù.
    1. Đêm trăng bóng nước nhạt nhòa, một khúc Giám Hồ(1) tịch mịch.
    Thuyền nan cô độc, rèm trúc nghiêng nghiêng in bóng ai.
    Lòng khẽ động, chân đã tò mò bước xuống thuyền.
    “Xin hỏi, nhà thuyền đây… đã đi nghỉ hay chưa?”
    Bóng dáng yểu điệu khẽ động đậy, run lên nhè nhẹ, rồi an ổn trở lại.
    “Chưa. Quý khách đây… muốn nghe ca xướng?” E ngại.
    “Thật ngại, đi qua Giám Hồ, không nghe cầm ca, uống phí một đời.”
    “Khách nói phải. Chẳng hay… ngài muốn nghe khúc nào?”
    “Một khúc của Tố Như(2). Nàng đoán xem?”
    “Là Long thành cầm giả ca?”
    “Phải, nàng hiểu lòng ta đó.”
    “Vậy… thiếp xin mạn phép.” Thẹn thùng.
    Là đàn Nguyễn, nguyệt cầm(3). Nàng ca kỹ khi xưa, như ẩn như hiện.
    Tiếng đàn như tiếng ma tiếng quỷ, hân hoan rạo rực như lần gặp đầu tiên, quyến luyến, nhớ thương, rồi nỉ non than khóc.
    Nàng ca kỹ xinh đẹp, nay đã già nua, ngồi bên lề đường, không ai gọi tên nàng.
    Chỉ còn tiếng cầm ai thán cho cuộc đời của nàng, thầm nhắc nàng về Tố Như.
    Thấm thoắt, đã qua một đời, khúc nhạc có hay, cũng không kéo dài mãi mãi.
    Rèm che khẽ động. “Quý khách? Ngài muốn nghe tiếp?”
    Không có tiếng đáp lại.
    “Quý khách?”
    “Ta muốn một đêm với nàng.”
    Ca kỹ Giám Hồ đêm đêm neo thuyền bên bến, ca xướng mua vui, bán nghệ hay bán thân, cũng không có gì lạ.
    Bóng hình in nghiêng trên rèm mơ hồ lay động.
    Lát sau, từ trong rèm vang lên một giọng nói bình thản: “Muốn nhìn mặt ta, cũng không cần lòng vòng như vậy.”
    “Nếu nương theo tiếng đàn trong Long thành mà tìm được ta, ta sẽ là của ngài.”
    “Nàng chắc chắn?”
    “Lời nói như bát nước hắt đi, không thể lấy lại.”
    “Nàng rất thú vị. Được, một lời đã định.” Bên kia rèm, một tiếng cười khẽ.
    2.
    Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
    Thử thời tam thất chánh phương niên
    Xuân phong yểm ánh đào hoa diện
    Ðà nhan hám thái tối nghi nhân
    Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
    Hoãn như lương phong độ tùng lâm
    ​
    (Nhớ hồi tuổi trẻ xưa kia,
    Đêm bên hồ Giám một kỳ tiệc vui.
    Xuân độ ấy đương hồi ba bảy,
    Ánh hồng trang lộng lẫy mặt hoa.
    Não người vẻ rượu ngà ngà,
    Năm cung dìu dặt này qua phím đàn.(4))​
    
    Ba năm sau, tiết thanh minh, kinh đô Phú Xuân.
    Đầu cành hoa lê điểm, dưới chân cỏ mướt xanh.
    Trai thanh gái lịch, ngựa xe như nước, áo quần như nêm(5).
    Bên bờ Hương giang, những ngôi đình các thấp thoáng ẩn dưới hàng liễu,kẻ nói người cười, đàn ca sáo nhị nỉ non hát giữa trời xuân.
    Những nhà quyền quý đều ngồi trong đình lớn, đối đáp ngâm thơ bên những chiếc bàn gỗ giáng hương sơn son thiếp vàng, uống rượu làng Vân bằng chén gốm đỏ.
    Gấm lụa ánh lên dưới nắng xuân, rèm trúc che không hết cảnh phong lưu.
    Tân khoa trạng nguyên bảy bước làm thơ, sánh ngang Tào Thực(6) năm nào. Lại thêm, khuôn mặt kia tuấn nhã như ngọc, phong thái ung dung, tà áo thiên thanh lướt qua, khiến má phấn ửng hồng, giai nhân xấu hổ.
    Thái sư đương triều kính trạng nguyên một hồi rượu, liếc thấy con gái yêu ngồi bên kia thẹn thùng nhìn trộm sang, khóe mắt già nua đều là hài lòng. Xem ra, đã tìm được con rể như ý.
    Cao hứng, liền phất tay ra hiệu cho quản gia. Tiệc xuân của phủ thái sư luôn luôn đặc biệt, khác hẳn với những bữa tiệc tầm thường khác trong kinh thành.
    Rèm trúc được cuốn lên, thân hình uyển chuyển bước vào đình. Yếm đào, váy lụa cánh sen. Một cây đàn nguyệt, một đôi mắt trong trẻo u buồn.
    Nàng đàn, nàng hát, vẽ nên muôn vàn tươi đẹp, cũng khơi lên vạn nỗi sầu bi. “Xuân lai ký”, “Điểm xuân”, “Hồng nhan mộng”, dù đã nghe trăm ngàn lần, lại vì nàng mà trở nên ám ảnh khôn nguôi.
    Khi nàng lui xuống, trong đình, có tiếng người đánh rơi chén rượu.
    Trạng nguyên trẻ tuổi vốn phong nhã ung dung, sau ba khúc nhạc, lại vì nàng mà thất thần, không để ý tới ánh mắt ghen ghét của tiểu thư nhà thái sư mà đuổi theo nàng.
    Giữa trăm ngàn người, gặp được nàng, đời này không hối tiếc.
    3. Nàng lẳng lặng ngồi bên giường. Áo dài trắng tân nương, chăn đệm thêu uyên ương cát tường, hai chén rượu hợp cẩn nằm lặng lẽ bên mâm trầu cau.
    Canh hai, cửa gỗ mở, một người hầu bước vào khuyên nàng nghỉ sớm, vẻ mặt ái ngại.
    Nàng mi mắt cũng chưa từng nâng lên, chỉ nhàn nhạt gật đầu, mặc cho hầu gái giúp mình cởi xiêm y, thổi tắt đôi nến long phượng chưa kịp cháy hết.
    Bóng tối bao trùm lên những dải lụa đỏ treo trên cao, xa xa mơ hồ vọng tới tiếng nói cười, tựa như ở một thế giới khác.
    Đêm nay, hai cỗ kiệu hỉ cùng được nâng vào phủ trạng nguyên. Ai cũng nói, được làm con rể thái sư, đối với tân khoa trạng nguyên, chính là tiền đồ vô lượng.
    Còn tân nương vào bằng cửa nhỏ phía sau phủ kia, một chữ cũng chưa từng được nhắc tới.
    Trời dần sáng, nàng trở mình dậy từ cơn mơ.
    Một con thuyền nhỏ chập chờn trên sóng nước Giám hồ, bóng người kia sau tấm rèm trúc như ẩn như hiện, chỉ giơ tay là sẽ chạm tới. Một tiếng cười khẽ khiến nàng đỏ mặt, như có như không.
    Nàng khoác áo, bước tới bên chiếc bàn gỗ ngẩn người nhìn hai chén rượu hợp cẩn nằm sát bên nhau. Bàn tay mảnh khảnh nâng chén lên, rượu chảy tràn trên nền đá, chốc lát đã thấm xuống đất lạnh.
    Một đêm động phòng qua đi, chỉ còn hương rượu thoang thoảng, đắng chát.
    
- o O o -

    Quanh quẩn trong mảnh sân nhỏ ấy ba ngày, nàng được gọi tới dâng trà cho chính thất.
    Thay một bộ váy lụa xanh nhạt đơn giản, vấn tóc cài trâm, một hầu gái che ô giấy dầu dẫn nàng bước ra khỏi sân, đi qua hoa viên tới một căn nhà gỗ lim ba gian sâm nghiêm lộng lẫy.
    Xuyên qua làn mưa xuân lất phất, cửa chính sơn son thiếp vàng khép hờ, loáng thoáng bên trong vài tiếng nói cười. Hai hầu gái đứng trước cửa trông thấy nàng, chỉ liếc mắt một cái rồi vào thông tri.
    Bên trong cánh cửa, không còn âm thanh đùa vui.
    Lát sau, một giọng nữ nhàn nhạt cất lên: “Vào đi.”
    Vào trong rồi mới biết, một lần dâng trà này chẳng khác nào một bữa Hồng Môn yến (7).
    Hương trầm nhẹ nhàng tỏa ra từ đỉnh đồng, vài vị phu nhân ngồi trên ghế gỗ đàn hương, đầu cài trâm vàng, tai đeo khuyên ngọc, phú quý hết sức. Nổi bật nhất là một nàng ngồi ở chính giữa, mặt trái xoan trắng nõn điểm trang tỉ mỉ, một thân váy lụa đỏ thắm tôn lên vẻ đẹp thanh xuân, hai bên là hai hầu gái mặt mũi xinh xắn đương châm trà.
    Hẳn đây là người gọi nàng đến ngày hôm nay.
    Nàng điềm tĩnh bước vào, nhún gối hành lễ.
    “Phu nhân vạn phúc.”
    Người kia, tay ngọc đang nâng lên một bức tượng đất nung nhỏ hình uyên ương tung cánh, khẽ nghiêng người sang bên cạnh tiếp tục câu chuyện dang dở với một vị phu nhân.
    Vị phu nhân kia sau nháy mắt đánh giá nàng, liền tươi cười tiếp chuyện phu nhân trạng nguyên. Mọi người dường như bừng tỉnh, ánh mắt vốn dính chặt vào nàng hầu thiếp mới bước vào đã nhanh chóng đảo lại, vội vàng khen ngợi bức tượng tinh xảo nọ. Nói tân khoa trạng nguyên không chỉ tài mạo vẹn toàn, còn biết chiều chuộng phu nhân. Phu nhân trạng nguyên thật là người có phúc, lúc trước là thiên kim phủ thái sư được nâng niu trong lòng bàn tay, nay gả cho một nam nhân công thành danh toại, khoác triều phục của tam phẩm(8) phu nhân, chỉ e dưới gầm trời này ít ai sánh bằng.
    “Cho nên, những thứ nhỏ nhặt vớ vẩn, người như phu nhân trạng nguyên đây, thật sự không cần để mắt tới mà phiền lòng.” Một vị phu nhân kết luận.
    “Ta thì có gì mà phiền lòng?” Phu nhân trạng nguyên nhấp một ngụm trà, khóe miệng xinh đẹp khẽ nhếch lên. “Phượng hoàng dù có thành tro cũng vẫn tái sinh làm phượng hoàng”.
    Đôi mắt kiêu sa như có như không đảo qua góc phòng “Còn thứ như bùn đất…. dù có nhào nặn thành món đồ gốm xinh đẹp tinh xảo đến đâu… thì bản thân vẫn chỉ là bùn đất mà thôi.”
    “Đúng thế, phu nhân trạng nguyên nói rất phải.” Những vị phu nhân khác đều gật đầu tán thưởng, còn có người lấy làm thú vị, nâng khăn tay che miệng, cười khẽ.
    Xế chiều, tiệc trà cũng vãn, các vị phu nhân hồi phủ.
    Hầu gái vào dọn dẹp, lại bưng lên một khay trà mới, đặt vào tay nàng hầu thiếp vẫn lặng lẽ đứng trong góc phòng.
    Nàng chầm chậm tiến tới chiếc ghế chủ vị, hành lễ một lần nữa, dâng trà lên.
    “Trà nóng, thỉnh phu nhân cẩn thận.”
    Người kia đón chén trà, trong chớp mắt, nước trà nóng bỏng đổ ập xuống, một hầu gái thét lên.
    Sảnh chính hỗn loạn.
    Ngoài cửa, tiếng người hầu truyền tới: “ Đức ông hồi phủ!”
    4.
    Canh hai, mưa vẫn rơi.
    Nàng xoa xoa khớp gối, khoác áo ngồi dậy. Cơn đau nhức ập đến, mặt nàng lại bình thản, dõi ra màn đêm ngoài cửa sổ.
    Căn bệnh viêm khớp này, mỗi khi trở trời lại tái phát. Nếu phải đi lại nhiều hoặc quỳ lâu trên nền đất lạnh, cơn đau càng kéo dài, dai dẳng.
    Lúc đầu, nàng cơ hồ không thể chịu đựng được. Nhưng trải qua những ngày đói đến mức phải dùng tay bới rễ cây ăn, nuốt từng vốc từng vốc bùn đất để lấp đầy dạ dày, rồi những đêm đông ôm trên mình mảnh áo rách rưới nằm trong đống rơm rạ tránh gió, nối tiếp với chuỗi ngày lang thang xin ăn, cơn đau này hình như là thứ duy nhất bầu bạn với nàng bên cạnh cây đàn nguyệt cha để lại. Dần dà, những cơn đau không còn làm nàng thống khổ. Chúng chỉ nhắc nhở nàng nhớ về quá khứ.
    Đã từng, có một người, vuốt lên đôi mắt nàng, che cho nàng hết thảy những đau thương.
    Đã từng, có một người, nắm tay nàng cười, hứa với nàng trọn đời trọn kiếp.
    Năm năm, rồi mười năm, một kiếp qua đi, ai còn đợi ai?
    Thở dài, nàng chống tay lên tường, bước từng bước tới bên cửa sổ. Đêm xuân gió lạnh, khiến lòng người tỉnh táo mà tịch mịch.
    Không biết là bao lâu, có một chiếc áo khẽ choàng lên vai nàng.
    “Khuya rồi, tại sao chưa ngủ?”
    Nàng xoay người lại, muốn quỳ xuống hành lễ, lại bị một đôi tay rắn chắc kéo lên. Nhất thời, sa vào một vòm ngực ấm áp.
    “Nàng đang giận ta?”
    “Bẩm đức ông, thiếp không dám.”
    “Như Xuân” Hắn gọi tên nàng, lần đầu tiên kể từ khi gặp mặt. “Chuyện hôm nay, tại sao nàng không nói?”
    “Hầu gái đó đã kể hết mọi chuyện, tường tận như vậy, lại được nhiều người chứng thực. Thiếp còn gì để nói.”
    “Nàng… “ Thở dài, siết chặt nàng trong tay. “Còn đêm tân hôn… tại sao nàng không hỏi?”
    “Là phận làm lẽ, đâu có quyền hỏi.” Nàng nằm trong ngực hắn, giọng có phần mệt mỏi, không hờn không giận.
    “Như Xuân”, hắn lẩm bẩm tên nàng, hôn lên tóc nàng. “Thiệt thòi cho nàng quá.”
    Nàng khẽ đẩy tay.
    “Đêm đã khuya, thiếp hầu ngài đi ngủ.”
    Mưa xuân xiên xiên hắt qua cửa sổ chưa kịp khép, ánh nến chao đảo, hai bóng hình mông lung trên vách tường , như gần lại như xa.
    
- o O o -

    Sau đêm đầu tiên đó, mỗi tháng số lần hắn ghé lại mảnh sân nhỏ của nàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
    Nàng cũng không có chút oán hận hay tranh giành, chỉ ngày ngày bầu bạn với cây đàn nguyệt. Tuy tịch mịch nhưng bình thản.
    Phía sau mảnh sân nhỏ, nàng tự tay trồng một ít hoa cúc, xen với những luống ngải cứu. Hoa để trang trí, nấu ăn, ngải cứu để chữa chứng viêm khớp ngày một chuyển biến xấu.
    Những ngày nắng ấm, khoác một chiếc áo tơ, thêm một chung rượu nhạt, ca những khúc nhạc cũ. Trong hương cúc thanh nhã dịu dàng, nàng một mình trở lại quá khứ vàng son khi xưa.
    Lúc ấy, có cha có mẹ cùng nàng ngồi sưởi nắng, cha cởi bỏ triều phục, gảy một khúc cổ cầm, mẹ ngồi bên mỉm cười thành kính lắng nghe. Nàng, khi đó vẫn chưa đến tuổi cập kê, ngây ngô ngồi ngắm hai người, chẳng biết rằng đây chính là hạnh phúc chốn nhân gian.
    Trong chuỗi ngày đói rét khổ đau cùng cực sau đó, mỗi lần quan binhtruy giết, nàng ôm cây đàn nguyệt trong tay chạy trốn cùng một đám lưu dân không nhà không cửa, trong sợ hãi lại chợt nhớ tới những cảnh tượng đầm ấm bình dị như thế.
    Càng chạy càng xa.
    Đêm nằm cuộn mình trong một căn nhà bỏ hoang, nàng khóc, nhưng không còn ai vì nàng lau nước mắt, vì nàng gảy một khúc nhạc về quê hương.
    Long thành còn đó, nhưng người chẳng còn.
    Đêm cuối ở Long thành, nàng trốn trên một chiếc thuyền nan, bên bờ Giám hồ gảy khúc nhạc cuối cùng của cha trước khi người cùng mẹ tự sát. Tiếng đàn của nàng, không ngờ lại dẫn tới cho nàng một mối duyên nợ, dây dưa cả đời.
    Nàng nói, nếu nương theo tiếng đàn trong Long thành mà tìm được ta, ta sẽ là của chàng.
    Sau đêm hôm đó, nàng rời Long thành. Gặp được nhau, nhưng sai thời điểm, thì nên buông bỏ. Tránh cho tình khắc quá sâu, đến khi tỉnh mộng chỉ thấy đau.
    Nhưng nàng sai rồi.
    Chạy được, không có nghĩa là tránh được.
    Lưu lạc một đường, vì miếng cơm manh áo, một thiên kim như nàng cuối cùng trở thành ca kỹ, bán rẻ tiếng đàn, vì người cất tiếng cười mua vui. Danh tiếng của nàng ngày một lan xa, là đệ nhất ca kỹ chốn kinh kỳ.
    Mỗi khi diễn xong, đứng giữa những lời tán dương, khinh miệt, lụa là gấm vóc ban thưởng được ném lên đài, nàng chỉ lặng lẽ cúi chào, lui vào sau màn.
    Trong khoảnh khắc đó, một giọt nước nặng nề rơi dưới chân nàng, thấm vào nền đất lạnh, không ai kịp nhìn thấy, mà cũng chẳng ai để tâm.
    Ca kỹ như nàng, ngày ngày đàn hát mua vui cho người, nhưng nào có được một khúc nhạc khóc cho mình.
    Nàng vốn nghĩ, cả đời cứ như vậy đi, khi đã già, nàng sẽ ngồi trong một góc chợ, tóc bạc da mồi, đàn một khúc nhạc, nhớ về Tố Như của riêng mình.
    Cho đến ngày, chủ gánh hát gọi nàng tới hầu một vị khách đặc biệt.
    Sau tấm rèm tre, hương rượu thoang thoảng, người ấy hỏi nàng thích khúc nhạc nào.
    Nàng lẳng lặng cúi đầu, nói ra cái tên bị cấm kỵ bấy lâu. Kể từ khi Chúa đổi ngôi, triều đại cũ lụi tàn, một khúc nhạc ai thán khóc thương cho quá khứ cứ như vậy rơi vào quên lãng.
    Người ấy nói, nàng thích gì thì đàn cái đó đi.
    Nàng ngạc nhiên ngẩng đầu, nhìn trân trân vào hình bóng mờ ảo sau tấm rèm. Ngàn vạn lời muốn nói, một chữ cũng không thể thốt lên.
    Vậy thì, để một khúc “Long thành cầm giả ca” thay lời cho ca kỹ hèn mọn này.
    Đàn được một nửa, hương rượu càng nồng. Rèm tre bị xốc lên, ảo ảnh tan biến, thay vào đó là một đôi mắt sáng rực hun hút như sông nước Giám Hồ những đêm trăng đang chăm chú nhìn nàng.
    Say, không biết là vì rượu, vì nhạc, hay vì người.
    Sau đó, nàng cũng say.
    Hắn tháo trâm cài của nàng, ba nghìn sợi tóc buông xuống như thác đổ, thì thầm hỏi nàng có nhớ ta.
    Nàng khóc bảo hắn, hãy gọi ta là Tư Cầm. Hãy nhớ, trên đời này, chỉ có cha mẹ và chàng, là ba người duy nhất có thể gọi tên ta, tên thật của đệ nhất ca kỹ Như Xuân.
    Đêm đó, đã không biết bao nhiêu lần, hắn kề bên tai nàng, thổn thức gọi tên nàng.
    Cùng rất nhiều đêm khác…
    5.
    Hoãn như lương phong độ tùng lâm
    Thanh như chích hạc minh tại âm
    Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch
    Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm
    Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện
    Tận thị Trung Hòa Ðại Nội âm
    ​
    (Tiếng khoan gió thoảng rừng thông,
    Trong như tiếng hạc từng không đêm mờ.
    Mạnh như sét đánh bia xưa,
    Đau như Trang Tích ngâm thơ Việt buồn.
    Người nghe say đắm tâm hồn,
    Đẹp sao tiếng nhạc lầu son Trung hòa. (9))​
    Sau đó…
    Phải rồi, giữa họ vốn không có sau đó.
    Ban ngày, nàng là một ca kỹ, hắn lang bạt kỳ hồ. Chỉ khi đêm xuống, liền gắn bó như keo sơn, hận không thể một đêm bạc đầu.
    Có những đêm, hắn mang một thân đầy máu, lảo đảo đi tới nơi ước hẹn. Nàng không nói một lời, chỉ lẳng lặng thức canh cho hắn, ban ngày đi hát nhiều hơn, kiếm thêm tiền thuốc.
    Có những đoạn thời gian, hắn không trở về. Đuốc cháy sáng rực khắp thành, quan binh cầm cáo thị đi gõ cửa từng gian nhà. Nàng ngồi trên căn gác nhỏ của hai người, gảy đi gảy lại một khúc đàn, tưởng tượng hình bóng hắn bình an trở về, đang đứng sau rèm mỉm cười lắng nghe.
    Hắn không nói, còn nàng, vĩnh viễn sẽ không hỏi.
    Trầm mê như vậy, dấn sâu đến mức không thấy được ngày mai.
    Đêm cuối cùng, hắn che lên đôi mắt nàng, nói, Tư Cầm, đừng khóc. Nàng khóc, trong lòng ta rất đau.
    Tân khoa trạng nguyên kia, hắn là người tài đức vẹn toàn, được thánh thượng trọng dụng. Đi theo hắn, tốt hơn là làm một ca kỹ, tốt hơn là lang bạt kỳ hồ.
    Còn ta, ta chẳng thể cho nàng cái gì. Nàng nói tương lai ư? Tư Cầm, ngay từ đầu, nàng đã biết chúng ta là những kẻ không có ngày mai.
    Nàng nói, thiếp biết, nhưng thiếp chỉ không cam lòng.
    Nếu vậy, hãy giả như, lần li biệt này chỉ là tạm thời chia cách.
    Như những đêm trước đây, khi hắn phải đi xa.
    Hắn nói, chờ ta, chờ ta trở về, sẽ chuộc thân cho nàng, nắm tay nàng đi hết vạn dặm non sông.
    Hắn nói, Tư Cầm, đến lúc đó, đừng để ai khác được gọi tên nàng ngoài ta.
    
- o O o -

    “Nắng ấm như vậy, lại ngồi uống rượu một mình.”
    Nàng thảng thốt quay đầu lại. Mảnh sân nhỏ của nàng không biết từ lúc nào đã có thêm một bóng áo xanh, nhập nhòa như trùng với hình bóng sau tấm rèm kia.
    Nàng biết mình đã say, nhưng bước chân không tự chủ được, cứ từng bước từng bước đến gần. Nàng muốn hắn gọi tên nàng.
    Nhưng hắn lại gọi: Như Xuân.
    Mộng tưởng của nàng, trong phút chốc vỡ vụn.
    
- o O o -

    “Như Xuân, sinh cho ta một đứa con.”
    Hắn vuốt ve mái tóc dài của nàng, thanh âm trầm thấp.
    “Vâng.”
    “Nàng không vui?”
    “Thiếp nào có. Đức ông muốn vậy, là phúc phận của thiếp.”
    “Nàng nghĩ, ta muốn nàng sinh con cho ta, chỉ vì bổn phận?”
    “Nối dõi tông đường, kéo dài hương khói, vốn là bổn phận của hầu thiếp. “
    “Không còn lí do nào khác?”
    “Thiếp ngu muội, không rõ.”
    “Nàng… “ Hắn có chút bực bội, nhưng nhìn hàng mi dài đang run rẩy của nàng, chỉ biết thở dài, siết chặt nàng vào trong lòng.
    Nàng không yêu hắn, hắn chẳng có cách nào.
    Ai bảo hắn trầm mê như vậy.
    Trầm mê đến mức không nhìn thấy ngày mai.
    “Như Xuân, ngày rằm hàng tháng, hãy cùng ta ngồi ngắm trăng, tấu cho ta một khúc nhạc. Từ nay về sau, ta muốn nàng chỉ đàn cho mình ta nghe.”
    
- o O o -

    Những ngày tháng sau đó, trên khắp phố phường chốn kinh kỳ, người ta thường nhân dịp trà dư tửu hậu mà luận bàn một chút chuyện ở phủ trạng nguyên.
    Đồn rằng, người thiếp thân phận thấp hèn nhưng muốn chim sẻ hóa phượng hoàng, dùng tiếng đàn của ca kỹ đệ nhất kinh thành để mê hoặc trạng nguyên.
    Mỗi đêm trăng tròn, tiếng đàn của nàng, tựa như đang khóc, tựa như đang cười, dịu dàng chơi vơi truyền tới, như người đàn bà kể chuyện.
    Chồng nàng luôn ngồi bên, lẳng lặng nhìn ánh trăng trên cao, có lúc lại lặng lẽ nhìn nàng, không ai biết hắn có nghe, có hiểu hay không.
    Hắn đôi khi kể chuyện cho nàng nghe, về tuổi thơ nghèo khó của hắn, về những tháng ngày nuôi chí lớn, về non nước hùng vĩ nơi hắn từng đi qua.
    Nàng đàn, hắn kể, không ai biết nàng có nghe, có hiểu.
    Chốn nhân gian, vạn dặm hồng trần, ai cũng có câu chuyện của riêng mình.
    Trong những chuyện đó, lại là câu chuyện của kẻ khác.
    6.
    Thùy tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhất điệu
    Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy
    Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
    
    (Tài danh bậc nhất cô đào,
    Canh khuya bỗng vút lên cao tiếng đàn.
    Khúc xưa, nghe những lệ tràn,
    Lòng đau chợt nhớ gặp nàng như mơ.(10))​
    Tết Đoan ngọ, nơi nơi thơm hương mật, ngọt mùi đường, bánh tro xếp trên mâm, xông thêm chút hương bạch đàn, cả nhà quây quần lúc chính Ngọ (11), cùng nhau tẩy trần.
    Xẩm tối, trên khắp các phố, đèn lồng được treo lên, thắp sáng cảnh lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Tài tử giai nhân dập dìu hò hẹn, hát đối, ngâm thơ, hương rượu cay thoang thoảng khiến không khí thêm phần nồng say.
    Dưới một căn gác nhỏ, bóng hình yểu điệu đứng lặng, ngơ ngác nhìn lên tấm rèm tre đã nhuốm một tầng bụi.
    Đã từng, có một ca kỹ ngồi sau tấm rèm, ôm cây đàn nguyệt, hát chờ phu quân của nàng.
    Chờ người trở về, thân thể vô thương, vén lên tấm rèm tre đơn sơ, nhìn nàng mỉm cười.
    Ấm áp như vậy.
    Có duyên gặp gỡ, lại chẳng có duyên bạc đầu.
    Nàng cười. Dưới ánh đèn lồng, lại soi tỏ hai hàng lệ.
    Dợm bước quay đi, phía sau chợt truyền tới thanh âm nàng quen thuộc nhất.
    
- o O o -

    “Nàng sống có tốt không?”
    “Thiếp sống ổn.”
    “Ổn? Chỉ là ổn thôi sao?”
    “Nếu nói thiếp rất hạnh phúc, liệu chàng có tin?”
    “Đừng trách ta, ta chỉ muốn tốt cho nàng.”
    “Tốt? Ở bên chàng, là hạnh phúc của thiếp. Chàng tước bỏ hạnh phúc của thiếp, còn muốn chúc phúc?”
    “Tư Cầm, đi theo ta, nàng vĩnh viễn chỉ là ca kỹ.”
    “Trong lòng chàng, thiếp là gì thì thiếp chính là cái đó.”
    “Tư Cầm, nàng không hiểu. Ta không thể lấy nàng.”
    “Lần này, ta đến, để từ biệt. Chúng ta mãi mãi không thể gặp lại nhau.”
    “Tư Cầm, hãy đàn cho ta nghe. Đó là nguyện vọng cuối cùng của ta.”
    
- o O o -

    Trệ khách yêm lưu nam hải trung
    Tịch liêu lương dạ dữ thùy đồng
    Quy hồng bi động thiên hà thuỷ
    Thú cổ hàn xâm hạ dạ phong
    Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
    Thiên hồi khổ ải xúc phù tung
    Phong trần đội lý lưu bì cốt
    Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng. (12)
    
    Biển nam khách trọ quá lâu rồi
    
    Vắng vẻ đêm lành chẳng có ai
    
    Trống thú lạnh se cơn gió hạ
    
    Hồng kêu sầu động nước sông trời
    
    Ta nay cùng lộ, không còn mộng
    
    Biển khổ trời đưa giục chuyển dời
    
    Xơ xác tóc mai xoà gối khách
    
    Đãy da xương bọc kiếp con người.
    Một khúc nhạc này, nàng nhắm mắt, vừa hát vừa lắng nghe hơi thở của hắn.
    Nhạc hết, người đi.
    Tấm rèm tre khẽ động, vị khách cuối cùng của nàng đã rời khỏi.
    Những tưởng là tơ duyên một đời, hóa ra cũng chỉ là một người khách qua đường.
    Tiếng bước chân nặng nề xuống lầu, cuối cùng mất hẳn.
    Bấy giờ, nàng mới mở mắt, nước mắt không còn bị kìm nén tuôn từng chuỗi xuống cây đàn nguyệt, tựa như không phải nàng, mà chính cây đàn đang khóc.
    Nước mắt của ca kỹ, như nước mắt của cây đàn, vĩnh viễn không có ai nhìn thấy.
    7. Trở về phủ trạng nguyên, người hầu chặn nàng ở cửa, dẫn tới chính phòng.
    Quỳ gối suốt một đêm giữa sân viện, tảng sáng, một hầu gái đỡ nàng dậy, đưa nàng về mảnh sân nhỏ phía sau.
    Hai khớp gối sưng đến biến dạng, nàng lên cơn sốt, mê man. Người hầu luống cuống chạy ra gọi thầy lang, lại bị người của chính phòng chặn ở cửa, đành quay về.
    Vừa bước vào phòng, đã bị cảnh tượng trước mặt dọa cho thất kinh, lập tức quỳ sụp xuống, không tin nổi nhìn người ngồi bên giường. Chỉ thấy người đó vo một nắm ngải cứu trên tay, hơ nóng bằng bếp lò, tay kia cẩn thận vén chăn đắp nắm ngải cứu lên hai đầu gối sưng to đến đáng sợ, lại cẩn trọng xoa bóp nhẹ nhàng, vừa làm vừa quan sát thần sắc ngươì bệnh.
    “Đức ông, xin hãy để con làm, ngài sẽ bị bẩn áo mất.” Hầu gái sực tỉnh, sợ hãi kêu lên.
    Hắn không quay đầu, giọng hơi đanh lại. “Sốt bao lâu rồi? Sao còn chưa gọi thầy lang?”
    “Bẩm…. con, con đã đi rồi, nhưng…. người ở chính phòng không cho con ra ngoài.”
    Hắn quăng cho nàng một tấm thẻ gỗ. “Đây là lệnh bài của ta, cầm lấy đi gọi thầy lang giỏi nhất thành đến đây.Ai chặn lại, nói ta sẽ xử chém ngang lưng kẻ đó.”
    Nửa đêm, nàng tỉnh lại, không còn rét lạnh. Đầu gối ấm áp, hương ngải cứu đốt cháy thơm nồng, bên giường, có người túc trực.
    “Tỉnh rồi?” Giọng hắn khàn khàn, không nghe ra cảm xúc.
    “Đức ông… còn giận thiếp?” Nàng khẽ nhúc nhích ngồi dậy.
    “Giận, rất giận.” Hắn hung dữ nhìn nàng. “Một hầu thiếp đêm hôm bỏ trốn, nhà khác sẽ không chỉ phạt quỳ. Là cạo đầu, bôi vôi, bêu xấu trước đường cái, rồi ném tới kỹ viện hạ đẳng nhất.”
    “Thiếp biết.” Nàng cúi đầu, nhàn nhạt thỉnh cầu. “Thiếp xin nhận tất cả trừng phạt.”
    “Nàng có biết hắn là ai không?”
    Nàng giật mình, ngước nhìn hắn, đôi mắt trống rỗng.
    “Nàng có biết, vợ con hắn cũng đang chờ hắn ở quê nhà?”
    “Nàng có biết, tại sao hai tháng nay, giờ giới nghiêm dài hơn hai canh giờ?”
    “Nàng có biết, ta bận rộn suốt nhiều ngày nay, là vì cái gì?”
    “Trong mắt nàng, ta là cái gì? Ta là cái gì?”
    “Đức ông… xin ngài cứ trừng phạt thiếp, thiếp không oán không hối.”
    “Trừng phạt nàng?” Hắn ném bát thuốc xuống sàn “Là trừng phạt nàng, hay là trừng phạt chính ta?”
    Hắn nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của nàng, cười to, để mặc máu trên tay thấm đẫm vạt áo lụa. “Nàng có tin trên đời này có chân tình không?”
    Nàng giật mình, thu lại nét mặt, dường như tự hỏi chính mình. “Đối với một ca kỹ, có lẽ là không.”
    
- o O o -

    Đã tròn ba tháng, hắn không tới thăm nàng.
    Nàng nghĩ, như vậy rất tốt. Một hầu thiếp bỏ trốn như nàng, mất mặt xấu hổ khắp nơi, hắn không giết nàng, đã là cử chỉ khoan dung nhất.
    Dù sao, chuyện đã qua, nàng không còn gì hối tiếc.
    Mảnh sân nhỏ này, sẽ là nơi nàng sống quãng đời còn lại, cũng chứng kiến nàng biến thành cát bụi.
    Hoa cúc sẽ đưa tiễn nàng. Còn cây đàn nguyệt, sẽ khóc thương cho nàng.
    Chỉ tiếc, sẽ không còn ai gọi nàng là Tư Cầm.
    “Phu nhân, đức ông tới.”
    Hầu gái thì thầm nhắc nàng.
    Nàng mở mắt, sửng sốt quay đầu nhìn ra ngoài.
    Bên những chậu cúc đang nở rộ, hắn, không biết từ lúc nào, đang chăm chú nhìn nàng.
    Ánh mắt lạnh lùng chuyển xuống đầu gối đã trở lại bình thường của nàng, rồi chầm chậm nhìn lên khuôn mặt nàng.
    “Không chào đón ta?” Hắn mím môi, vẻ mặt càng băng giá.
    Nàng đứng dậy, mỉm cười hành lễ. “Thiếp không dám.”
    “Nàng vốn to gan, có gì không dám?”
    “Đức ông nói phải, thiếp từ nhỏ không sợ gì hết. Chỉ có một thứ là ngoại lệ.”
    “Là gì?”
    “Rắn.”
    “Ở đây không có rắn.”
    “Đức ông, thiếp không ra nghênh đón ngài… là vì dưới chân ngài, đang có một con.”
    Trạng nguyên xưa nay đạo mạo, trong buổi sáng đầu thu, lại làm ra hành động khiếm nhã. Hắn nhảy cóc ba bước về phía sau, trừng lớn mắt nhìn chỗ mình vừa đứng.
    “Nàng thật sự to gan…. Dám trêu chọc chồng nàng.”
    Đứa hầu vội bịt miệng, hai vai run run.
    Nàng cười. “À, là thiếp mắt kém, nhìn nhầm cái dây mây.”
    “Hừ, nàng phải bồi thường cho ta, ta đang rất muốn phạt nàng.”
    Nàng ngoan ngoãn tiến tới, ghé vào tai hắn, thì thầm.
    “Vậy… bồi thường cho chàng… một thằng nhóc, có được không?”
    
- o O o -

    Hoa cúc nở rồi tàn, khi ngọn gió đông đầu tiên thổi tới kinh thành, từ trong phủ trạng nguyên truyền ra tin vui.
    Mà tin vui này, không xuất phát từ chính phòng.
    Đối với việc đổi nét mặt của đám người hầu gió chiều nào che chiều ấy, nàng không để ý, vẫn giữ lại người hầu cũ, chỉ nhận thêm một bà vú già có kinh nghiệm.
    Ngày rằm hàng tháng, nàng vốn muốn theo lệ cũ. Nhưng cây đàn vừa lấy ra, đã bị người nào đó tịch thu, không quên nghiêm mặt răn dạy một chút.
    Cuối cùng, nàng thỏa hiệp với hắn, cây đàn nguyệt không bị tống vào nhà kho, mà được bày trong thư phòng của hắn. Hắn nói, muốn nhìn đàn, trước tiên phải nhìn ta.
    Nàng cười, a, trạng nguyên, hóa ra chàng cũng có chút trẻ con.
    Nàng không thích sao?
    Không, rất dễ thương.
    Dám nói ta dễ thương? Ta lại muốn phạt nàng.
    Nàng đưa tay xoa xoa bụng, bé con, cha muốn phạt mẹ, nhanh ra cứu mẹ con đi.
    Hắn hừ hừ, nhóc con, ra nhanh đi còn chịu phạt thay mẹ mi.
    Đứa hầu đứng nãy giờ, rốt cuộc không nhịn nổi nữa, phì cười.
    Bà vú già cười hiền hòa “Đức ông và phu nhân hòa thuận, cậu cả đầu thai tới đây, thật là có phúc.”
    
- o O o -

    Cơ thể nàng dần trở nên nặng nề, chỉ còn hai tháng nữa sẽ lâm bồn.
    Đêm trước ngày đi xa, hắn nắm tay nàng, dặn dò đủ điều.
    Nàng cười, nói hắn còn giống bà vú hơn cả “hàng thật” ở trong viện.
    Hắn cốc nhẹ trán nàng, là ai khiến ta phải lo lắng như vậy.
    Nàng nói, bình an trở về, ta và con sẽ đợi chàng.
    Hắn gật đầu, không kìm được ôm nàng vào lòng.
    Nàng nói, trở về, rồi ta sẽ đàn cho chàng nghe khúc nhạc ta thích nhất.
    Còn nữa, nàng thì thầm, tên của ta, không phải là Như Xuân.
    Chỉ cần chàng vô thương trở về, ta sẽ nói cho chàng biết.
    Hắn hôn lên trán nàng. Với hắn, nàng có phải là Như Xuân hay không, cũng chẳng có gì khác biệt.
    Tất cả hạnh phúc của hắn, vẫn nằm ở nơi đây.
    
- o O o -

    Hắn đi được bảy ngày, nàng ngồi trong sân sưởi nắng, đọc thư của hắn lần thứ mười, đọc xong lại ngồi đếm từng ngày.
    Mỗi sáng, nàng đều đi lại một chút theo lời bà vú già để sinh nở thuận lợi hơn, mười lần thì chín lần lạc bước đến thư phòng của hắn.
    Hôm nay, lại đụng phải một người đã lâu không gặp.
    Vị phu nhân ở chính phòng vẫn xinh đẹp diễm lệ, nhưng phấn son cũng không che nổi nét sầu bi.
    “Một ca kỹ hèn mọn bẩn thỉu như ngươi, vậy mà phúc phận thật không tầm thường.”
    “Phu nhân vạn phúc. Ngài có điều gì chỉ bảo, thiếp xin lắng nghe.”
    “Không có gì nhiều, chỉ là…” vị phu nhân xinh đẹp đi lướt qua, ghé vào tai nàng, giọng nói cao quý dịu dàng cất lên khe khẽ “tình lang kia của ngươi… thân phận thật không nhỏ.”
    Nàng chấn động, trong lòng đổ ra trăm loại tư vị.
    Người kia như không để ý, vẫn dùng chất giọng dịu ngọt rót từng lời vào tai nàng “Sao? Ngươi chả lẽ không biết? Ta nghĩ phu quân của chúng ta hẳn phải nói với ngươi rồi chứ.”
    “Hai năm nay, cha ta nâng đỡ hắn hết sức, mới được một lần trọng dụng này. Thái tử tiền triều, chậc chậc, nếu lần này thành công trói được về kinh đô, với phu quân của chúng ta, chính là một bước lên trời. Cái chức quan tam phẩm của hắn sẽ không còn là bù nhìn.”
    “Nhưng… hỡi ôi, nếu… có người biết được… hầu thiếp đang mang thai của hắn lại từng là ca kỹ, từng bỏ trốn theo trọng phạm triều đình… Cái thai này, là của ai đây, liệu có phải… “
    Vị phu nhân chính phòng liếc nhìn sắc mặt nàng, cười nhạt bỏ đi.
    Nàng không biết mình về phòng bằng cách nào, chỉ nhớ bà vú già đã rất hoảng hốt, liên tục gọi nàng.
    Nàng chỉ thấy rất nhức đầu.
    Bà vú già khuyên nhủ nàng không được, đành thở dài bê mâm thức ăn nguội lạnh lui ra ngoài.
    Màn đêm buông xuống, nàng ngồi dậy, tìm một cây bút, pha chút mực. Trải giấy ra, bàn tay đã lâu không cầm bút của nàng khẽ run lên.
    May mắn, vẫn chưa quên hết mặt chữ.
    Nàng tay trái nắm tay phải, cuối cùng cũng viết hết non nửa mặt giấy.
    Thật ra, cũng chẳng có gì nhiều để viết.
    Xong nét bút cuối cùng, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Trăng đã lên cao, hôm nay , là ngày rằm.
    Nàng khe khẽ ngân nga khúc nhạc mình thích, lầm bẩm “Cái này, ta tặng cho chàng. Không có đàn, chàng cũng đừng chê giọng hát của ta. Viết chữ xong, ta vốn đã rất mệt.”
    “Còn nữa, tên của ta, là Tư Cầm.”
    8.
    Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì
    
    Thương tâm vãng sự lệ triêm y
    
    Nam Hà quy lai đầu tận bạch
    
    Quái để giai nhân nhan sắc suy
    
    Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
    
    Khả liên đối diện bất tương tri.
    
    (Thấm thoắt trăm năm có là bao
    
    Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt
    
    Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
    
    Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.
    
    Trừng hai mắt nhớ lại chuyện cũ
    
    Thương cho đối mặt mà chẳng nhận ra nhau.(13))​
    Khi hắn về tới nơi, mảnh sân nhỏ vắng bóng người, chỉ có những chậu hoa cúc đang nở rộ, cúc vàng rực rỡ xen lẫn cúc trắng tang thương.
    Đứa hầu nghe tiếng động chạy ra. Nhìn thấy chủ nhân, liền quỳ sụp xuống khóc thảm thiết.
    Bà vú già cũng bước tới, lau nước mắt.
    Hắn ngơ ngẩn nhìn căn phòng treo đầy vải trắng trước mặt, hỏi hai người “Như Xuân đâu? Con ta đâu?”
    “Đức ông”, đứa hầu lê tới dưới chân chàng “Sao ngài không về sớm hơn chút nữa?”
    “Phải rồi, sao ta không về sớm hơn chút nữa.” Hắn thì thào, bước chân vô lực tiến vào phòng. “Như Xuân, ta đã về.”
    “Như Xuân?” Hắn giật xuống một tấm vải xô trắng, vày vò trong tay như thể tìm kiếm cái gì, lại giật xuống một tấm, lại một tấm.
    Vải trắng chất đầy trên mặt đất, căn phòng lộ ra, chẳng có gì thay đổi, trừ bỏ một tấm bài vị bằng gỗ, một linh cữu cô độc đặt giữa phòng, bên trên kết bằng hoa cúc trắng.
    Hắn bước qua đó, gọi “Như Xuân?”
    Không có ai trả lời hắn.
    Hắn lại gọi, một lần, hai lần, ba lần, dần dần chuyển thành những tiếng kêu gào xé gan xé ruột.
    Vẫn không ai đáp lại hắn.
    Bên cạnh hắn, đứa hầu và bà vú già đã khóc không thành tiếng.
    Hắn đi lòng vòng quanh mảnh sân nhỏ, đi tới thư phòng nhìn cây đàn phủ bụi, ngơ ngẩn gọi liền một ngày một đêm.
    Sau đó, dường như tuyệt vọng, hắn quay lại, hỏi những chậu cúc “Như Xuân đâu? Con ta đâu?”
    Những bông cúc từng đưa tiễn nàng và đứa con nhỏ của họ chỉ một mực im lặng.
    Khi nàng đẩy ngã chiếc ghế dưới chân, khuôn mặt nàng trông ra ngoài cửa, một tay vịn lên đoạn lụa trắng, một tay cố ôm lấy đứa bé đã thành hình trong bụng.
    Nàng muốn cùng con ngắm cúc nở trong đêm, và nhìn phu quân bình an trở về.
    
- o O o -

    Mười năm sau đó, là một quãng thời gian nhiều biến cố.
    Trạng nguyên trẻ tuổi chỉ bằng một bản tấu sớ vấn tội mà lật đổ thái sư đương triều, ruồng rẫy phu nhân chính phòng, đuổi về nhà mẹ đẻ. Con gái không chịu nổi ô nhục, treo cổ trong khuê phòng, thái sư một đêm bạc đầu trong lao ngục, hôm sau xử chém ngang lưng, phơi thây ngoài chợ,toàn bộ gia quyến sung quân đi đày.
    Triều chính một phen đảo điên, chưa kịp yên ổn trở lại đã thêm một sự kiện chấn động.
    Trạng nguyên, nay đã là thái sư, đã bắt được thái tử tiền triều chạy trốn nhiều năm, giải mối sầu lo cho Hoàng đế.
    Nghe nói, trước đêm hành quyết, vị Thái sư trẻ tuổi khiến người người kinh động đã đến tử ngục gặp thái tử tiền triều. Hắn ôm theo một cây đàn nguyệt đã phai màu, cũ kĩ nhưng được lau chùi cẩn thận, sạch sẽ.
    Bọn cai ngục có nghe lén được một chút, cảm thấy kì lạ bèn truyền tai nhau.
    Thái sư hỏi: “Ngươi có nhớ cây đàn nguyệt trên tay ta?”
    Tên tử tù ngẩn người, một lát sau mới đáp khẽ: “Của nàng ấy, phải không?”
    Thái sư lại hỏi: “Vậy ngươi có nhớ khúc nhạc nàng thích nhất?”
    Tên kia ngơ ngẩn hồi lâu, lẩm nhẩm trong miệng, trả lời: “Có, ta nhớ rất rõ. Đó là…” Hắn nói rất nhỏ, gần như không thể nghe thấy.
    “Vậy sau đêm Tết Đoan ngọ ấy, quãng thời gian sau này, ngươi có từng nhớ đến nàng?”
    “Đêm Tết Đoan ngọ… sao ngươi lại biết? Ngươi theo dõi bọn ta?”
    “Phải. Nhưng ta đã không bắt ngươi, vì nàng ở đó cùng ngươi.”
    “Ta hiểu.” Tên tử tù nhếch miệng cười “Ngươi… yêu nàng ấy sao?”
    “Phải, ta đối xử rất tốt với nàng, nhưng nàng lại chết vì ngươi. Nàng đã chết từ mười lăm năm trước.”
    “Ngươi… nói lại đi, ta không nghe được.”
    “Nàng treo cổ trên xà ngang cạnh giường. Khi ấy, nàng đang mang thai. Nàng nói đó là con của ngươi. Nàng hổ thẹn với ta, viết một bức huyết thư rồi tự vẫn.”
    “Sao… sao có thể? Sao đêm hôm đó nàng không nói gì?”
    “Sao ngươi không xuống đó mà hỏi nàng? Khi chết, nàng rất hận ngươi.”
    Dứt lời, thái sư cẩn thận bọc lại cây đàn trong tay, rồi bỏ đi. Bỏ lại tên tử tù đang trừng mắt, bứt tóc, lảm nhảm như kẻ điên, hắn một chốc lại khóc, một chốc ngồi ngơ ngẩn, lẩm bẩm một giai điệu nào đó. Có cai ngục đến đưa cơm, nghe loáng thoáng được mấy chữ, ghép lại thành “Long thành giai nhân”, “nguyễn cầm”, thật vô nghĩa.
    
- o O o -

    Lại một mùa cúc nở rộ.
    Trong mảnh sân nhỏ, vẫn là một bà vú già và một đứa hầu gái, nay đã trùm khăn vấn tóc kiểu phụ nhân. Hôm nay là một ngày nắng ấm. Thái sư ngồi sưởi nắng bên chiếc bàn đã cũ mòn vẹt, bên trên đặt một chung rượu. Trong lòng hắn, cây đàn nguyệt nằm lặng im, những dây đàn không có người chỉnh, hơi chùng xuống, mang vẻ ủ rũ, cô đơn.
    Tư Cầm, thái tử tiền triều đã bị hành quyết, khi người ta giải hắn ra pháp trường, hắn ngồi trên xe tù, vẫn ca hát. Hắn sinh ra là thái tử cao quý, lại sống chui sống lủi, cuối cùng chết như một kẻ điên. Ta nói dối hắn như vậy, nàng có vui hơn chút nào không? Rốt cuộc, hắn vẫn không thể quên được nàng.
    Nhưng hắn chết rồi, được giải thoát, còn ta, vẫn bị đày đọa trên nhân thế này. Nàng có nhớ những ngày rằm, nàng đánh đàn, ta kể chuyện không? Lí tưởng của ta, còn rất nhiều. Ta đang rất cố gắng, làm xong sẽ lập tức xuống đó sum họp với nàng và con.
    À, thật ra, ta cũng có một chuyện, vốn định trở về sẽ kể cho nàng.
    Ta biết tên thật của nàng, không phải nhờ bức hưu thư(14) nàng viết cho ta trước khi chết.
    Nàng biết không, lần đầu tiên gặp nàng, không phải là tiết thanh minh ở Hương giang.
    Năm ấy, trên đường chạy nạn ở Long thành, ta đã gặp một cô gái nhỏ. Nàng chỉ có một mình, lẻ loi giữa một đám lưu dân đói khát. Nàng rất gầy, luôn luôn ôm một cây đàn nguyệt. Những khi mệt mỏi nghỉ chân, thường hay nghe được tiếng đàn của nàng, khi gần khi xa. Dần dà, ta lúc nào cũng cố ở gần nàng.
    Khi ta chia chỗ đồ ăn ít ỏi cho nàng, nàng cười với ta, rất xinh đẹp.
    Nàng nói, hãy gọi nàng là Tư Cầm.
    Khi gặp lại nàng, ta không dám gọi tên nàng, bởi thân phận nàng đã khác trước. Ta không muốn nàng cảm thấy tủi nhục.
    Khi nàng nói muốn sinh con cho ta, ta nghĩ, cuối cùng mình đã tìm thấy hạnh phúc.
    Đời người chỉ như một chớp mắt ngắn ngủi của Phật Thích Ca, có bao nhiêu lần mỉm cười, là bấy nhiêu lần rơi nước mắt.
    Thấm thoắt trăm năm có là bao…
    Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 3) ghi: vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831) quan quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục truy tầm hậu duệ của Tây Sơn, bắt được Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương và Nguyễn Văn Đâu, Đâu là con của Đức tất cả đều bị xử “chém ngang lưng”. Theo liệt truyện, tất cả đều là con cháu của Nguyễn Nhạc. Riêng Nguyễn Văn Đức có nhiều khả năng chính là thái tử Đức, con của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân, đã trốn thoát khỏi trận tàn sát năm 1802. Đến nay vẫn chưa rõ thực hư.
    Chú thích:
    (1) Giám Hồ: Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)
    (2) Tố Như: Tên chữ của Nguyễn Du
    (3) Nguyệt cầm (đàn nguyễn ): xem hình trong phần giới thiệu
    (4) Trích “Long thành cầm giả ca” – bản dịch của Hoàng Tạo
    (5) Trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du
    (6) Tào Thực: văn nhân nổi tiếng thời Kiến An, Trung Quốc. Sau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, nhà vua lấy đầu đề “Anh em” (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng “anh, em”) bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội. Và Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:
    Chử đậu nhiên đậu cơ,
    Đậu tại phù trung khấp.
    Bổn thị đồng căn sinh,
    Tương tiễn hà thái cấp.
    Dịch:
    Nấu đậu bằng dây đậu,
    Đậu ở trong nồi khóc.
    Rằng cùng một gốc sinh,
    Đốt nhau sao mà gấp!
    (7) Hồng Môn Yến: dùng để ví với một cái bẫy. Ngoài mặt thì là một bữa tiệc vui vẻ, nhưng trong đó ẩn giấu đầy hiểm nguy, cạm bẫy.
    (8) tam phẩm: chỉ cấp bậc quan lại trong triều, từ cửu phẩm là thấp nhất tới nhất phầm là cao nhất
    (9), (10): Trích “Long thành cầm giả ca”, bản dịch của Tố Hữu
    (11) Tết Đoan ngọ (tết Đoan dương, tết giết sâu bọ): ngày 5/5 âm lịch. Theo lệ, trong ngày này, mọi người ăn hoa quả, rượu nếp để diệt sâu bọ. Miền Nam Trung bộ và miền Nam Việt Nam thường ăn bánh tro (bánh gio) vào ngày này, ăn kèm với đường hoặc mật.
    (12) Bài thơ “Trệ khách” (người khách ở lì) của Nguyễn Du
    Nguồn: nguyendu.vn
    (13) Trích “Long thành cầm giả ca”, bản dịch nghĩa của Sóng Việt Đàm Giang
    (14) hưu thư: thư bỏ vợ (hoặc bỏ chồng)
    Lời tác giả: Phóng tác theo sự kiện lịch sử, không nên sử dụng làm tài liệu tham khảo

Kết Thúc (END)
Hồ Nữ Vương
» Thấm Thoắt Trăm Năm Có Là Bao
» Tuyết
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam