Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Sông Hiu Hắt Gió Tác Giả: Sâu    
    Hạnh rít thuốc, nuốt trọn cay nồng vào cuống họng, mùi tanh hôi lượn quanh chóp mũi của thứ thuốc lá rẻ tiền không ngăn được ô uế tràn lên từ con sông đen ngòm ở hướng đối diện. Nàng ngồi xổm dưới tán cây xanh - một loài cây không rõ tên có rất nhiều ở thành phố này, đôi mắt nàng lúng liếng nhìn người đàn ông cởi trần nửa thân nằm ngửa người trên chiếc honda dream không có bửng, chiếc xe cũ mèm cọc cạch đến độ làm nàng có cảm tưởng chỉ cần rồ ga thì sẽ vỡ thành từng mảnh vụn. Gã đàn ông đô con, đen nhẻm, trên cánh tay lực lưỡng là một vết sẹo dài nửa gang tay, cuộn cuồn lồi lên trên da. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, vết sẹo như một loại động vật biết ngọ nguậy sống động vô cùng.
    Qua làn khói thuốc, bắt gặp ánh mắt gã đàn ông nhìn mình, nàng cong môi cười, đôi mắt đẩy đưa một lời mời gọi thế nhưng gã chỉ liếc mắt một cái rồi ngoảnh mặt nhìn trời. Nàng cũng chẳng vội.
    - Bánh chưng, bánh giò, chưng gai, bánh giò đây…
    Sau tiếng rao đêm là một chiếc xe đạp đòn dong chở một người đàn ông hơn sáu mươi tuổi và một giỏ to ở yên sau trờ tới, Hạnh vứt thuốc đứng dậy đón người. Nàng cười khúc khích, giọng nói vốn quyến rũ trời sinh vào nửa đêm thanh vắng bỗng phá lệ mềm mại đến trong lành:
    - Bánh còn không bác Tư?
    Bác Tư mặc một tấm áo lính màu xanh lá bạc màu, vai áo sờn trắng, ở thân áo còn có hai mẩu vá được may khéo léo, thân hình gầy gò, khắc khổ, bác hiền lành nhìn Hạnh, đôi mắt già nua nheo lại bởi thứ ánh sáng màu vàng khó chịu. Bác mở lớp vải trên giỏ sau yên lấy từ đó ra một cái bánh giò rồi đưa cho Hạnh:
    - Hạnh lại chờ bác về đấy à? Bác để phần cho con một cái đây, mau ăn đi cho nóng.
    Cầm cái bánh giò chỉ còn chút hơi ấm trên tay, khóe mắt Hạnh cay xè, nàng cúi đầu nhỏ giọng cảm ơn rồi lột bánh để ăn. Từng miếng bánh trôi vào bụng trong ánh mắt vui mừng của bác Tư không làm lòng Hạnh thanh thản. Nàng vừa ăn bánh vừa hỏi chuyện dăm câu với bác, bánh hết, Hạnh giành lấy chiếc xe, liếc mắt nhìn gã đàn ông nằm ngửa trên xe cách đây không xa rồi theo bác Tư bước vào xóm trọ.
    Nàng khóa cửa phòng, tắm rửa rồi đi ngủ. Đêm đó, nàng mơ thấy hắn.
    Hắn tên Tình, một cái tên trung tính. Nàng không biết hắn đến từ đâu, cũng không buồn hỏi giống như hắn chẳng bao giờ bận tâm đến gốc gác của nàng. Hắn làm nghề xe ôm bằng chiếc xe 67 cũ từ đời bố hắn để lại. Nàng nhặt được hắn trong một đêm bay trở về. Hắn chở nàng, nàng ngồi sau đưa tay níu lấy tấm áo sơ mi kẻ rộng thùng thình trên người hắn, qua một đoạn đường dài gồ ghề thì tự nhiên choàng tay ra trước ôm lấy hắn. Nàng thấy hắn cứng người, rồi thôi.
    - Tôi tên Hạnh, cậu tên là gì?
    Tiếng của nàng đong đưa ngược hướng xe chạy, gió thổi đi rất nhanh. Hắn chỉ hả một tiếng, nàng lặp lại câu hỏi. Qua đoạn đường vắng nhiều cây, hắn mới trả lời:
    - Tôi tên Tình.
    - Tình trong tình cảm à?
    Lại qua thêm một đoạn đường nữa, hắn giảm tốc độ xe rồi đáp:
    - Là Tình trong thất tình…
    Nàng ngồi sau vẫn ôm chặt hắn nhưng không đáp lời, câu chuyện chỉ dừng lại ở việc hỏi tên cho đến khi chiếc xe dừng lại ở mé sông, trước xóm trọ nghèo nơi nàng sinh sống. Hắn từ chối nhận tiền, nàng để hắn ở lại qua đêm.
    Sau này, lúc nàng và hắn yêu nhau, nàng mới biết ý nghĩa trọn vẹn của tên hắn. Mẹ hắn chê bố hắn nghèo, đẻ hắn xong thì vứt hắn nằm chỏng chơ trên manh chiếu ướt đẫm nước tiểu, lúc bố hắn trở về người hắn đã tím tái, có một đàn kiến lửa đỏ rực bò xung quanh manh chiếu chực chờ hắn tắt thở sẽ xông vào. Bố hắn bán nhà mới cứu sống được hắn, tài sản còn lại là chiếc 67, hai bố con dựa vào nghề xe ôm nay đây mai đó lay lắt sống qua ngày. Vậy nên người bố ít chữ của hắn lấy Tình làm tên, thất tình, cũng là dứt tình, đoạn nghĩa.
    Nghe đâu, sau này hắn có gặp lại mẹ khi theo bố đến mảnh đất này, hắn kể mẹ hắn đẹp lắm, sống nhung lụa nhưng chẳng thể sinh được con, người chồng sau của bà nay cưới cô này, mốt ở với cô khác. Hắn không tìm gặp bà. Hắn bảo, tình cảm không có thì chẳng nên miễn cưỡng, so với người dưng, mẹ hắn chỉ hơn được ở chỗ đẻ hắn ra đời. Với bà, hắn không hận, chỉ có chút mang ơn, sự mang ơn của hắn giúp bà tránh được những rắc rối khi có sự tồn tại của hắn trên đời. Cùng là người sinh nhưng một kẻ vứt bỏ hắn còn một người coi hắn hơn sinh mạng.
    Lúc nghe hắn kể chuyện đời mình, nàng cười khảy, bảo hắn đa tình quá. Mà hắn đa tình thật, vậy mà yêu một ả điếm như nàng, yêu đến cuồng dại, đến si mê.
    Hắn chết rồi. Xác hắn nằm lại dưới lòng con sông bên cạnh xóm trọ, nơi nàng tá túc đã nhiều năm qua. Vậy nên, bác Tư mới ở lại xóm trọ tồi tàn này, ngày ngày gói bánh, nấu chín bên mé sông, tới chiều là đốt nhang cúng cho hắn cặp bánh giò – thứ bánh hắn mê nhất lúc sinh thời.
    Bác Tư hiền lành chất phác nào hay biết, trong căn phòng trọ của cô gái trẻ luôn chờ bác về trong mỗi đêm bán bánh có bộ quần áo cũ sờn của thằng con trai khờ dại.
    Hắn chết rồi, chết đã tròn hai năm. Đây là lần đầu tiên Hạnh mơ thấy hắn. Chuyện cũ cứ như gió thoảng, phận người giống như lá vàng bên sông, gió cuốn lá rơi, xác lá vùi sâu vào lòng nước trở thành thức ăn cho động vật thủy sinh. Sông dài như vậy, ai biết hắn nằm lại ở chốn nào.
    Cái thuở còn yêu nhau, hắn yêu cuồng nhiệt, tình yêu của hắn ngây thơ đến độ đem cả trái tim đặt lên tay Hạnh mặc nàng nắn, mặc nàng xoay. Nàng yêu hắn, nhưng trái tim chai sạn của nàng vĩnh viễn yêu thương bản thân mình đầu tiên. Hắn về sống với nàng trong căn phòng trọ sáu mét vuông thêm căn gác lửng, đồ đạc chỉ có một manh chiếu, một tấm mền, hai cái gối, một tủ quần áo, một cái bếp nhỏ và vài thứ chén dĩa linh tinh. Ấy vậy mà thành gia đình, gia đình của cặp vợ chồng son biết yêu nhau. Hắn hay ôm nàng thì thầm như vậy, hắn thấy hạnh phúc và hắn hài lòng. Ngày ngày, hắn chạy xe ôm, khi có khách, lúc không nhưng bữa cơm do hắn đi chợ bao giờ cũng có thịt hoặc cá, có đôi bữa hắn còn lãng mạn mua cho nàng một cây hoa hồng. Cuộc sống khi ấy không đầy đủ nhưng tiếng cười lúc nào cũng dư. Được ba tháng.
    Hạnh nhớ có kẻ đã từng hỏi nàng, sắc vóc như thế tại sao phải chọn nghề này, tại sao không phải là PG, ít nhất có thể giữ được tấm thân trong sạch? Khi ấy nàng cười giễu, cả người hỏi lẫn nàng. Nghề PG nói trắng ra chính là tiếp thị, giữa chốn thị phi đàn ông vô số, liệu có thể giữ được bao lâu. Hơn nữa, nếu chọn PG, đứa em bại liệt ở quê cùng mẹ già không có khả năng lao động sẽ do ai chu cấp. Nàng muốn chọn nghề, nhưng nàng càng muốn chọn tiền. Với một cô gái chỉ học hết lớp sáu như nàng, tiền mới là thứ tốt nhất để chọn dù phải đánh đổi tất cả. Dẫu sao, từ lúc có mặt ở trần đời này, nàng đã không có quyền lựa chọn cuộc sống của riêng mình. Giống như một chiếc lá úa tàn, gió thổi đến đâu thì nàng trôi theo đến đó.
    Hắn không hỏi nàng, nhưng hắn có ý bảo nàng nghỉ việc. Nàng an ổn làm vợ hiền, được ba tháng.
    Đứa em trai bại liệt bỗng phát bệnh tim, nàng tức tốc trở về quê rồi lại thất thểu lộn vô. Nàng quay về nghề cũ, để kiếm đủ tiền cho đứa em phẫu thuật. Không phải ai sinh ra cũng là kẻ dư thừa, với mẹ nàng, đứa em trai là đức tin, là đứa con trai bà dùng để tin tưởng rằng ông chồng bội bạc chạy theo tình nhân để kiếm người nối dõi chắc chắn sẽ quay về bên bà. Nàng chịu, không rõ đấy là yêu hay do thói không cam lòng của những người đàn bà từng dốc lòng để yêu.
    Rồi đứa em trai của nàng cũng phẫu thuật thành công. Mẹ nàng là người vui nhất, bà càng vui hơn nữa khi ông chồng bội bạc sau bao năm đi hoang cuối cùng cũng trở về. Nàng trở về vào một chiều mưa lớn, bộ đồ trên người ướt sũng cũng không bận tâm, nàng vào phòng thăm đứa em rồi rời đi trong thoáng chốc, đến tiếng ba cũng chẳng buồn gọi. Với cái nhà này, nàng đã cạn tình, trách nhiệm của nàng bao năm qua đã trọn, nàng quyết định sẽ dành phần đời còn lại cho hắn dẫu đôi mắt của nàng khi nhìn về hướng tương lai chỉ thấy mịt mù khói sương.
    Ấy vậy mà, đời chẳng muốn cho nàng được vui lâu. Hắn vì nàng, vay tiền của bọn nặng lãi, còn dối nàng. Bọn cho vay tìm đến tận chỗ trọ bên mé con sông ô nhiễm, hắn nhảy xuống sông để trốn, bơi được nửa đường thì thiếu hơi mà chết, xác gã chìm sâu rồi chìm vĩnh viễn, chẳng bao giờ tìm được dưới lòng sông có nước màu đen. Suy cho cùng, hắn chết vì người, chết vì tiền. Và nàng quy cả vào thân nên mới tận tình thay hắn hiếu thảo với bác Tư – bố hắn, người đàn ông yêu con hết mực, thương luôn cả một người dưng như nàng. Sự nhân hậu của bác Tư khiến mỗi chiều nàng đứng bên song cửa nhìn ông thắp nén nhang tiễn người đầu xanh là một lần bị dao khoét cạn trái tim khô cằn. Bóng của bác Tư trải dài bên sông, nghiêng nghiêng ngả ngả làm nàng bao lần đều nhịn không được phải bước ra đứng bên cạnh bác, sợ sơ sẩy bác sẽ giống như hắn trôi theo dòng sông kia.
    Đời của nàng, bỗng dưng lạc vào hai người đàn ông không máu mủ lại yêu thương nàng còn hơn ruột thịt đang sống vui vầy ở một phương trời xa.
    Sau một đêm mộng mị, nàng thức dậy thật sớm, khi mặt trời còn chưa mở mắt, khí trời vẫn còn mờ mịt hương đêm, ở phía xa mảnh trăng non lặn dần, sao mai le lói sáng. Nàng đi bộ dọc sông, thả những bước chân nhẹ tênh không đồng đều, suy nghĩ vẩn vơ đến khi mặt trời lên cao mới cầm hai gói xôi thong thả trở về. Xóm trọ nghèo chỉ còn những đứa trẻ con, đôi bà vợ trông nhà, thêm bác Tư và nàng là rỗi. Nàng đưa xôi cho bác Tư rồi ra mé sông ngồi ăn, vừa ăn vừa trò chuyện với người đàn bà đang bận rộn với thau đồ bên lu nước sạch cạnh sông. Chuyện chưa tan thì tiếng ồn ào gần đó đã cắt ngang. Vài đứa trẻ nghịch nhau đuổi theo bóng, một đứa vừa vặn rơi xuống sông.
    Người đàn bà trước mặt nàng la to một tiếng con ơi rồi vội vã chạy ra, nàng tất tả theo sau. Nàng nhìn đứa trẻ chấp chới giữa con nước đen mà nhớ đến hắn. Đêm hắn mất, trời chỉ có mảnh trăng non treo tít ngọn cây không soi rõ bóng hình, sông hiu hắt gió đẩy hắn chìm dần vào làn nước, đẩy cả những tiếng động do hắn gây ra trôi tuột vào một khoảng không vô tận xa mờ. Nàng quay đầu nhìn bác Tư, ngay khi ông định nhảy xuống để cứu đứa trẻ nàng đã nhanh chân hơn, tiếng la hét vang vọng cả mé sông.
    Nàng dùng hết sức lực đẩy đứa trẻ vào bờ, vào bàn tay của những con người đang đưa ra sẵn sàng để đón nó, cánh tay của bác Tư chìa về phía nàng. Nàng nhìn bác, tiếng xin lỗi chỉ có thể đọng lại trên ánh mắt xa xăm, có tiếng đàn ông chạy về phía sông, là gã, nàng nhếch miệng cười. Lúc để mớ rác dưới chân kéo mình chìm xuống, nàng thấy lòng thanh thản, bao nhiêu tội lỗi cũng những bẩn dơ nàng gây ra và chịu đựng sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông này. Hình như nàng nghe thấy tiếng thì thầm của hắn, da diết và an yên như thuở ban đầu. Sau nhiều năm nữa, có thể con sông này sẽ được nhớ đến mà tẩy sạch, nhưng nàng và hắn liệu có còn ai sẽ nhắc lại trên đời.
    
- o O o -
*​
    Nhiều năm sau này, con sông ô nhiễm được làm sạch, nước đã thôi đen, mùi hôi thối của ngày xưa đã hoàn toàn biến mất. Xóm trọ nghèo người đến người đi, những đứa trẻ năm xưa lớn lên hay những người lần đầu bước chân qua con sông… đều nhìn thấy một người đàn ông bạc đầu, gầy gò trong tấm áo cũ mỗi khi chiều về lại đem ra mé sông một dĩa bốn cái bánh giò nóng hổi, đốt ba nén nhang hướng về phía sông khấn vái. Người ta không rõ ông khấn gì trong miệng nhưng hình ảnh này đã trở thành một phần hoài niệm khiến người ta thương nhớ trong những chiều gió hắt hiu.

Kết Thúc (END)
Sâu
» Sông Hiu Hắt Gió
» Mụ Điên
» Lưng Lửng Trăng Mờ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má