Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Mèo Xấu Xí Tác Giả: Linh Lan    
    Hôm đó không biết bà ngoại mang từ đâu về một con mèo. Nó là một con mèo xấu xí, xấu đến nỗi trong nhà không ai thèm đặt cho nó cái tên gọi tử tế. Mọi người đơn giản chỉ gọi nó là "meo… meo…" như gọi bất kì con mèo nào khác. Cho đến khi nó chết đi rồi, ngoại tôi vẫn hay nhắc đến nó với cái giọng buồn buồn: "Hồi đó kêu meo meo là nó chạy đến ngay, vậy mà… Nhớ lúc mày mới về nhà nó hay kêu meo meo đeo bên chân mày… Nhớ lúc còn sống nó hay trốn trong bếp… Nhớ lúc…"
    Buồn thay, từ lúc còn sống cho đến lúc chết đi, con Mắm bị hắt hủi, ruồng rẫy như đứa con của người vợ lẻ trong một gia đình quyền quý như thời xưa, vì mẹ mất nên bị con cái của bà cả bắt nạt vậy.
    Hồi đấy, con chó cái nhà tôi đẻ được lứa con cuối cùng rồi chết. Nhưng đám đấy cũng chết dần, sau cùng chỉ sót lại một con. Ấy thế mà lúc mang con Mắm về, không biết nó đùa nghịch thế nào mà cắn đứt tai con chó con còn chưa mở mắt. Và thế rồi con chó ấy cũng chết tuốt.
    Tôi tức điên người. Thoáng trông thấy nó từ xa là ruột gan tôi đã nóng hầm hầm: "Chết tiệt! Con mèo gì mà xấu kinh thế! Bẩn mắt người nuôi."
    Nhà tôi nằm ở giữa ruộng đồng mênh mông, xung quanh toàn rơm với rạ, nên mới tìm con gì nuôi cho vui cửa vui nhà. Ai mà chẳng thích cái đẹp, tuy tôi không kén chọn nhưng đã nuôi thú vật thì ít ra phải vừa mắt thì mới ưng được. Đằng này con Mắm thảm hại quá, gọi là mèo thì thấy sai sai. Nó to bằng một cái nắm đấm người lớn, lông mọc lưa thưa, có chỗ thì trơn nhẵng, cái đuôi bị người ta cắt mất một khúc nên cụt ngủn. Cái mặt còn tệ hơn, mặt bên trắng bên đen, cái mũi màu trắng mà chóp mũi lại đen xì, nhìn vô duyên không thể chịu được. Mấy hôm trời mưa lớn con Mắm bị ướt, lông bết sát vào da, để lộ từng đốt xương sống. Trông kinh lắm!
    Con Mắm bị suy dinh dưỡng đến độ không ăn nổi cơm, thấy nó không ăn được nên ngoại tôi mua sữa đậu nành cho uống đỡ. Nào ngờ nó bị tiêu chảy, đi tiêu liên tục, tanh hôi cả cái nhà. Sau trận đó nó đi không nổi, cứ nằm dài trên sàn nhà, thế là tôi mang nó ra sân phơi nắng cho đỡ mốc người. Nhìn nó nằm trên sân xi măng như mấy thằng nghiện hết thuốc. Nó nằm nghiêng qua một bên, nước dãi chảy ra, con mắt đục ngầu. Dưới cái nắng khô rát da người, lớp da bọc ngoài thân thể gầy gò đôi lúc lại rung lên.
    Tôi đã mấy lần đem bỏ nó ngoài đồng, nhưng cuối cùng nó cũng mò về được. Tôi phụng phịu với ngoại: "Bà đem nó vứt đi đi. Nhìn ghê quá!"
    Ngoại tôi cười, để lộ hàm răng ngả vàng: "Sao thế được? Nó đã làm gì bậy bạ đâu mà vứt đi."
    Tôi kì kèo với ngoại mãi không xong nên thôi. Con Mắm dường như cũng biết thân biết phận mình, trông thấy tôi từ xa là nó đã lủi đi chỗ khác. Nó gục đầu xuống đất, đôi lúc lén lút ngước mặt lên nhìn tôi. Tôi liếc một cái là nó lại gục ngay xuống.
    Mãi cho đến khi chú Hiền tôi từ thị xã về thăm nhà, chú nhìn thấy con Mắm liền quyết định bắt nó đi. Thế là lòng tôi dịu đi phần nào. Chú Hiền tôi cũng chẳng tốt lành gì khi muốn bắt con Mắm theo, bởi ông là một tay ăn thịt cầy tiểu hổ thứ thiệt, chỉ cần nhìn thấy con chó con mèo nào là lưỡi đã đánh tanh tách như thằn lằn bắt muỗi. Trên mâm cơm, chú Hiền cứ nói luyên thuyên về những trận nhậu nào là với thịt chó bảy món rồi thì mèo hầm sả… Chú Hiền tôi hết lời tán tụng món thịt mèo xáo xương: ninh kỹ xương mèo đã được lọc hết thịt sau đó cho gia vị và ngải cứu vào đun sôi, dùng món này kèm với bún là ngon đáo để.
    Sáng hôm ấy chú Hiền đang ngồi uống nước, con Mắm từ trong nhà đi ra sân phơi nắng, chú tôi vừa thấy nó là cặp mắt liền sáng lên, nhìn nó cười khà khà. Con Mắm nghe động tiếng người lạ liền lao ngược vào trong nhà.
    Bỗng chú Hiền reo lên: "Chạy nhanh phết nhỉ! Khá lắm, khá lắm!"
    Tôi từ bếp đi ra chẳng hiểu chuyện gì, kéo ghế ngồi kế bên chú, khẽ hỏi: "Sao thế ạ?"
    "Con mèo nhà này hay đấy, chú mày thích rồi nha."
    "Hay là thế nào. Nó xấu chết đi được, cháu mấy lần mang bỏ đi mà ngoại cứ không chịu."
    "Mày làm thế là bậy, cứ để cho tao. Kêu nó ra cho tao xem kĩ cái."
    Tôi cất tiếng gọi: "Mắm ơi! Mắm ơi!"
    Con Mắm nghe tiếng người gọi thì mừng lắm, chạy ra ngay, đứng trước mặt tôi vẫy vẫy cái đuôi ngắn củn cỡ, rồi nó tiến lại gần chân tôi, nằm rạp xuống, đầu dụi vào ống chân tôi như thể làm nũng.
    "Mày nuôi cho nó béo ra giúp chú. Vài tháng nữa chú về bắt nó thì cho mày vài đồng ăn bánh nhá."
    Chỉ có như vậy thôi mà tôi bật dậy vui sướng: "Thật hả chú?"
    "Mà nó phải béo ra thì chú mới cho tiền."
    Tôi nhìn xuống con Mắm cười khanh khách, nó thấy vậy giật mình, chạy vụt đi.
    Chú Hiền tranh thủ đi thăm họ hàng, chú nói chú chuyển nhà lên thị xã đã lâu sợ người ở đây quên mặt chú. Buổi trưa nhà có khách, là chú Triều – một bạn học cũ cấp ba của chú tôi. Chú Triều cách nhà tôi độ khoảng một cây số, ngày chú tôi còn ở đây chú Triều hay ghé qua nhà tôi chơi, mỗi lần như thế đều mua kẹo táo cho tôi ăn, nên thấy chú đến tôi rất mừng. Riêng tôi thì tôi thấy chú Triều cái gì cũng được, chỉ có miệng mồm thì hay nói quá lên. Vì lẽ đó mà hàng xóm chung quanh chẳng mấy ai vừa mắt chú. Còn một nguyên nhân nữa, trong khi chú là đàn ông khỏe mạnh cường tráng mà lại chẳng chịu đi làm, để mặc cho cô vợ một mình ngược xuôi buôn bán. Đã vậy người ta còn đồn chú cặp kè với cô giáo tiểu học trong vùng nữa. Thế là người ta dựa vào mấy lời đồn thổi đó chửi chú là thằng đàn ông đểu cáng, chỉ biết ăn bám vợ.
    Chú Triều gặp lại chú tôi như cá mắc cạn đã lâu nay được thả về nước. Trên mâm rượu, chú Triều nói mấy lời vụn vặt, được một lúc thì chú bật khóc nức nở. Chú cúi mặt khóc nấc lên, mái tóc rũ xuống che hơn phân nửa khuôn mặt già cỗi. Còn chú tôi chẳng để ý gì đến bạn mình, cứ nâng ly uống cạn liên tục. Lát sau chú tôi vỗ vai chú Triều, cười phóng khoáng: "Anh khóc làm chi, chuyện nó không phải thế thì thôi. Mình không làm thì không thẹn."
    Chú Triều nghe thế tức mình lắm, chú vỗ đồm độp xuống bàn, gằn giọng nói: "Anh nói nghe dễ nhỉ? Dân chúng nó đòi đuổi đánh tôi đi kìa. Ôi cái số tôi…"
    "Chứ còn làm sao nữa. Anh nghe tôi này, cứ thoải mái ăn chơi cho đã đời nhé. Nào là rượu ngon, nào là thịt chó thịt mèo đó. Nhậu xong một trận là khỏe người ngay ấy mà."
    Chú tôi uống cạn một ly rượu nữa, nói tiếp: "Anh nhìn thấy con mèo nhà này chưa? Theo tôi nó là giống của quý đấy. Đợi vài tháng nữa nó to béo lên, anh em mình lại hội tụ trên mâm thịt mèo nhé!"
    Chú tôi bỗng mím chặt môi, trợn mắt lên, bổ xuống không khí một nhát, rồi cười phá lên: "Một chày vào đầu là xong đời ngay. Hahaha…"
    Chú Triều ngẩng đầu, cười xuề xòa: "Anh nói chí phải. Việc gì phải khóc, cứ một chầu thịt cầy tiểu hổ là hay nhất."
    Thật lòng thì tôi không ưa cái trò đấy của chú tôi, nhưng tôi thừa biết chú tôi muốn làm thịt con Mắm lắm, thế là tôi cũng chẳng còn gì để nói, coi như cái số nó phải vậy đi. Mấy ngày sau chú tôi trở về thị xã, tôi quên hẳn nó đi, xem như nó không có mặt trong gia đình. Mấy lần chú Triều đi ngang nhà tôi, có tạt vào hỏi thăm xem chú tôi đã về chưa, sẵn tiện hỏi thăm con Mắm đã đạt chưa.
    Tôi vô tư trả lời: "Nó giờ khá hơn xưa nhiều."
    Thật ra thì tôi đâu có để ý đến nó đâu. Một phần do việc học của tôi nên từ sớm đã ra khỏi nhà, lờ mờ tối mới về đến, một phần vì con Mắm nó sợ tôi nên thoáng thấy bóng tôi là nó lảng mất.
    Lần đó tôi ra thị xã sắm sửa tập sách, nên ghé qua thăm nhà chú tôi. Thấy tôi chú Hiền mừng lắm, chú hỏi luôn: "Nó to béo thế nào rồi hả con?"
    Tôi ngây ra không hiểu chú tôi đang nói cái gì thì chú đẩy vai tôi: "Con mèo nhà mày ấy chắc đã được thịt rồi chứ?"
    Tôi gật đầu: "Dạ, dạ."
    Thì ra chú tôi chưa bao giờ quên được con mèo ấy.
    Chú tôi ngửa cổ ra cười giòn giã: "Ba tháng nữa tao về thịt nó. Đến lúc đó thì thưởng cho mày, sướng chưa?"
    Một lúc sau tôi chia tay chú ra về.
    Nhưng cái cuộc hẹn hội tụ của chú tôi và chú Triều lại không được như ý đã định bởi vì ngay tháng sau đó chú tôi bị chuyển công tác sáu tháng sang thành phố Vinh. Và gia đình tôi ở dưới quê cũng có sự thay đổi: bà ngoại đã tích góp đủ tiền để chuyển nhà lên thành phố. Số phận con Mắm từ đây cũng có sự chuyển biến.
    Làng tôi bây giờ người ta chuyển nhà đi gần hết, bởi nhà nước thu hồi đất xây chung cư, khu công nghiệp, nhà máy rất nhiều. Nhìn quang cảnh xóm làng thưa thớt dần mà lòng tôi thoáng buồn. Đêm trước khi dọn đi, tôi đi dạo một vòng quanh làng. Xóm làng vắng tanh, gió rít lên từng hồi ghê rợn. Tôi nghe rõ tiếng lạo xạo của đám sậy mọc sát những ngôi nhà bỏ trống, tạo ra thứ âm thanh sắc nhọn xuyên thủng màn đêm yên tĩnh.
    Việc chuyển nhà mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng, đã năm bảy lượt xe mà vẫn không xong. Lần cuối trở về, tôi đảo quanh cái sân vắng, rồi đi vào trong nhà phụ mọi người dọn dẹp. Đến trưa thì đồ đạc đã được ràng buộc ngay ngắn trên chiếc xe tải con. Bấy giờ tôi mới chợt nhớ đến con Mắm. Tôi đứng tần ngần nhìn nó, trong lòng dâng lên cảm giác áy náy. Nếu mang nó theo thì vướng, trên thành phố ít nhà nuôi thú cưng bởi không có chỗ cho nó tiêu tiểu, chật nhà và không giúp gì được, còn bỏ nó lại thì tội nghiệp. Đến lúc chia xa, nếu phải bỏ lại thứ gì đã gắn bó với gia đình mình đều cảm thấy không nỡ như thể cắt bỏ một phần da thịt. Sự đời luôn bắt chúng ta lựa chọn một cách đau đớn và phũ phàng thế đấy!
    Con Mắm từ trước đã thế, thấy mặt tôi là nó liền cúi đầu đi vào trong góc nằm, nhưng hôm nay nó dường như cũng cảm nhận được điều đó. Nó sắp bị bỏ rơi. Trong ánh mắt nó có cái gì khác thường ngày, hoảng sợ, rối rít và tan nát. Đôi mắt nó ứa nước, quấn lấy chân tôi hít hà. Tôi xuôi lòng, đưa tay vuốt ve đầu nó, thế là nó ngồi dậy cào cào vào chân tôi, ý muốn tôi bế nó. Tôi ôm nó vào lòng, vỗ về như đang chăm một đứa bé chưa đầy tháng. Nó ngửi ngửi, rên lên đầy sung sướng và thân thiết. Thì ra vào những giây phút chia ly, con người hay con vật đều quên hết những hiềm khích, ân oán, tủi hờn, đều biết sợ chia xa, đều biết thương yêu nhau hơn. Trong lòng tôi day dứt không yên, tôi phải làm sao với con Mắm đây, bỏ nó lại hay mang nó theo?
    "Này con ạ…" – Ngoại nhìn tôi lưỡng lự - "Con Mắm ấy, chắc nhà ta không mang nó theo được đâu."
    Những lời ngoại tôi vừa thốt ra chẳng khác nào bản án tử hình dành cho con Mắm.
    "Thật vậy sao ngoại?" – Tôi sửng sốt hỏi lại ngoại.
    "Ừa, đem nó theo thì vướng việc lắm. Vả lại lên trên ấy ai cũng bận bịu, thời gian đâu mà chăm sóc nó."
    "Con… con không biết. Nhưng ngoại ơi… con…" – Giọng tôi đứt quãng như sắp khóc.
    Ngoại tôi cau mặt: "Nhà mình nuôi nó bao nhiêu năm coi như đã hết tình hết nghĩa rồi. Phải chi chú mày về thịt nó đi thì bây giờ chẳng phải bận lòng thế này."
    "Không được đâu ngoại ơi, thịt là thịt thế nào chứ? Nó đã làm gì đâu mà đối đãi nó như thế?"
    Tôi nín lặng nhìn con Mắm, tự mình hổ thẹn với cái ý nghĩ xấu xa của mình lúc trước.
    Ngoại tôi phân trần với tôi lần nữa: "Ngoại cũng đâu muốn để nó lại. Nhưng thực sự không tiện mang nó theo. Bao nhiêu đồ đạc làm sao có chỗ cho nó nữa. Hay để ngoại gửi nó cho nhà ông Phàm nuôi, sau này có dịp về thì ta đón nó lên."
    Tôi cúi đầu không nói gì. Tôi thừa biết đấy chỉ là lời chống chế cho qua chuyện của ngoại tôi. Tôi đâm ra lầm lì và buồn bã. Ngoại tôi kêu ông Phàm qua nhà xem con mèo, vừa thấy nó là ông lão bước xăm xăm về phía tôi: "Con mèo lạ đấy. Để lại bắt chuột thì hay phải biết."
    Lòng tôi thở phào nhẹ nhõm, thì ra không phải ai cũng nghĩ đến chuyện thịt nó như chú tôi.
    Ông lão ngồi xuống cạnh con mèo, ngắm nghía nó một hồi rồi cười khà khà, tỏ vẻ hài lòng lắm. Con Mắm như linh cảm được điều gì, nó rúc sát vào lòng tôi hơn, rên lên những tiếng dài thê thảm. Ngoại tôi bỏ nó vào cái lồng bắt chuột rồi đưa cho ông Phàm. Con mèo lăn lộn trong cái lồng, cào cấu, thét lên thứ âm thanh như xét lòng tôi, nó loay hoay cố thoát ra mà không được. Trong ánh mắt của con Mắm, tôi nhìn thấy sự van nài rõ ràng, thấy cả sự oán hận và trách mắng không nói nên lời của nó. Tôi hổ thẹn quay mặt đi, không dám tiếp tục nhìn con Mắm.
    Ngoại tôi lên tiếng giục: "Lên xe thôi con."
    Nước mắt tôi bỗng trào ra như thác đổ, chân tôi hóa đá, nhất quyết không chịu cất bước. Tiếng con mèo ấy vẫn kêu la thảm thiết, nó vật cái lồng nghiêng qua nghiêng lại đập xuống đất kêu lạch cạch.
    Tôi nhìn ông Phàm như van lơn: "Ông trông nó giúp cháu. Sau này cháu về đón nó sau ạ. Xin ông đấy…"
    "Được rồi, ông hứa với mày." – Ông Phàm cười, xua xua tay.
    Tôi cúi đầu chào tạm biệt ông, nhanh chân bước lên xe. Bao giờ trở về tôi nhất định sẽ đón nó theo. Nhất định là thế.
    ~~~
    ​
    Tôi chuyển đến nhà mới được gần nửa năm. Bao nhiêu điều buồn vui của tuổi thơ tôi để lại ngôi làng ấy, cùng với con Mắm. Tôi vui sướng khôn tả, tôi được sống trong ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, tiện nghi, xung quanh là nhà cửa san sát nhau, đường phố lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Cuộc sống hối hả và rộn ràng của thành thị đã chiếm hết tâm trí tôi. Tôi đã sớm quên mái đình, con sông, hàng cây, ruộng vườn, những hình ảnh tưởng như cả đời ăn sâu vào trong tâm trí tôi. Mỗi ngày tôi đều tràn ngập trong hạnh phúc và sung sướng. Tôi đâu còn nhớ đến con mèo tội nghiệp ấy.
    Hè năm ấy nhà tôi về thăm quê. Lúc ấy tôi mới chợt nhớ đến con Mắm. Vừa đến nơi tôi liền chạy qua nhà ông Phàm, tôi vui quá nên quên chào ông, lập tức hỏi: "À ông ơi, con mèo nhà cháu thế nào rồi ạ?"
    Ông Phàm đeo cặp kính lão, giật mình nhìn tôi, như nhớ ra điều gì, ông đáp: "Con mèo nó chết rồi. Chết lâu rồi."
    Tôi hốt hoảng: "Sao thế được ạ? Không thể nào…"
    Ông Phàm trầm ngâm, cắn cắn môi, mời nhà tôi vào nhà uống nước, lát sau ông mới tiếp tục câu chuyện.
    Đáng thương thay cái số khốn khổ của con mèo ấy! Con mèo đó từ lúc còn sống cho đến khi chết đi chưa từng được yêu thương, cưng nựng như những con mèo khác. Lúc sống thì bị hắt hủi ghẻ lạnh, đến khi chết còn thê thảm hơn. Ông Phàm nói từ khi gia đình tôi bỏ lại nó, nó không chịu ăn uống gì, cứ nằm trong lồng rên ư ử. Nó rên suốt đêm ngày, có lúc nó còn nấc lên như đang khóc. Lần đó ông Phàm mở lồng cho nó đi tiểu tiện thì nó phóng chạy mất.
    Ông Phàm đi tìm khắp nơi không thấy, đến lúc chạy qua nhà cũ tôi xem thì nghe tiếng mèo kêu lí nhí trong bụi cây. Ông Phàm nói tiếng kêu đó ám ảnh lắm, ghê rợn và thảm thiết. Ông Phàm tiến lại dạt bụi cây cho con mèo đi ra. Nó bước đi lảo đảo. Người nó run bần bật. Nó gầy đi rất nhiều, chỉ còn da bọc xương, lông rụng gần hết. Nó đã không ăn gì gần một tuần. Nó đi không vững, ngã dụi qua dụi lại. Nó đi không nổi, lê lết đến gần ông Phàm. Nó cố vẫy vẫy cái mẩu đuôi của nó, liếm liếm tay ông Phàm. Nó giật giật mấy cái, thở khò khè nặng nề. Rồi nó tắt thở. Con mèo đáng thương của tôi chết như thế đấy.
    Mặt tôi tối sầm lại, nước mắt chực trào. Tôi thấy mình sao độc ác và xấu xa quá. Một đứa ích kỉ như tôi không xứng với sự thương yêu của con Mắm. Nó đối với tôi tình nghĩa quá mà sao tôi nỡ phụ nó? Sao tôi tồi thế? Tôi cúi đầu im lặng, trong lòng tràn ngập bao dày xéo và áy náy.

Kết Thúc (END)
Linh Lan
» Bốn Ngọn Nến
» Ngày Nắng!
» Ngày Nắng
» Con Mèo Xấu Xí
» Nước Mắt Mùa Biển Động
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ